Tranh cãi "nảy lửa" về bỏ hay tiếp tục thi tuyển lớp 6 trường chuyên

Tranh cãi "nảy lửa" về bỏ hay tiếp tục thi tuyển lớp 6 trường chuyên

Nguyễn Ngọc Hoài Thanh

Nguyễn Ngọc Hoài Thanh

Thứ 6, 08/03/2024 12:06

Theo đại diện Bộ GD&ĐT, việc phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, tạo nguồn cho trường THPT chuyên thực chất là nhiệm vụ của tất cả các trường THCS chứ không phải chỉ là nhiệm vụ của riêng một số trường THCS có chất lượng cao.

Không có trường chuyên ở cấp trung học cơ sở

Trước đó, ngày 31/1/2024, Sở GD&ĐT Hà Nội có công văn số 312/SGDĐT-QLT gửi Bộ GD&ĐT báo cáo về việc tuyển sinh lớp không chuyên trong trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam từ năm học 2024-2025.

Liên quan vấn đề này, Bộ GD&ĐT đã có văn bản trả lời: Căn cứ khoản 1, Điều 62 Luật Giáo dục 43/2019/QH14 ngày 14/6/2019, trường chuyên được thành lập ở cấp trung học phổ thông, vì vậy không có trường chuyên ở cấp trung học cơ sở.

Ngoài ra, theo quy định tại Thông tư 5/2023/TT-BGDĐT ngày 28/3/2023 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên, chỉ tổ chức lớp chuyên trong trường THPT chuyên; các lớp không chuyên đã được tuyển sinh và tổ chức trong trường THPT chuyên tiếp tục thực hiện theo quy định tại Thông tư 06/2012/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên và Thông tư 12/2014/TT-BGDĐT của Bộ trưởng GD&ĐT sửa đổi, bổ sung Điều 23 và Điều 24 Quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên ban hành kèm theo Thông tư số 06/2012/TT-BGDĐT cho đến khi học hết lớp 12.

Đồng thời việc tuyển sinh vào các lớp không chuyên của trường THPT chuyên theo quy định tại Thông tư 06/2012/TT- BGDĐT và Thông tư số 12/2014/TT-BGDĐT được thực hiện đến hết năm học 2023-2024.

Do đó, Bộ GD&ĐT đề nghị Sở GD&ĐT Hà Nội chỉ đạo việc tuyển sinh vào trường THPT chuyên theo đúng quy định.

Trả lời Tiền Phong, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, sau khi có công văn của Bộ GD&ĐT, đơn vị sẽ tiếp tục đề xuất về việc tiếp tục tuyển sinh lớp 6 bậc THCS của Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam theo cơ chế đặc thù, đặc biệt.

Hiện nay, cùng với Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam (Hà Nội) tuyển sinh lớp 6 bậc THCS còn có Trường Trần Đại Nghĩa (Tp.Hồ Chí Minh). “Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam đã có lịch sử dạy học với bề dày thành tích, là nơi đào tạo, bồi dưỡng nhiều học sinh đoạt các giải thưởng quốc gia, quốc tế. Sở GD&ĐT Hà Nội đánh giá đây là mô hình tốt để đào tạo nguồn học sinh có chất lượng và cần có cơ chế đặc biệt”, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội nói.

Giáo dục - Tranh cãi 'nảy lửa' về bỏ hay tiếp tục thi tuyển lớp 6 trường chuyên

Ảnh minh họa.

Y kiến trái chiều về bỏ hay tiếp tục thi tuyển lớp 6 trường chuyên

Mới đây, nghe tin Bộ GD&ĐT “tuýt còi” việc tuyển sinh hệ THCS trong trường THPT chuyên nhiều người hoang mang. Trước những tranh cãi trái chiều về việc bỏ hay giữ hệ THCS trong trường chuyên. 

Chia sẻ xoay quanh vấn đề này trên Vietnamnet, một phụ huynh cho biết, để bị cho công cuộc vào “Ams2”, nhiều phụ huynh thậm chí cho con cày cuốc từ cuối lớp 2. Riêng việc xin để được vào học tại những lớp luyện thi có tiếng cũng rất khó khăn. Trong trường hợp không được tuyển sinh nữa, công cuộc đầu tư này xem như hoài phí.

Nhưng bản thân tôi lại có suy nghĩ khác, dù con gái tôi cũng học khá ổn và chăm. Ngay từ đầu tôi đã xác định không bắt con cày cuốc học thêm hay bằng mọi giá phải thi đỗ vào các trường điểm, trường chất lượng cao. Tất nhiên, nếu con tự thân thi đỗ được, điều đó là rất tốt nhưng cũng khá khó khăn.

Nhiều năm nay, chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 6 chuyên Amsterdam thường chỉ lấy khoảng 200 em, nhưng mỗi năm có tới 4.000 hồ sơ. Như vậy, một học sinh vừa học xong tiểu học sẽ phải “chọi” với ít nhất 20 em khác để có một suất vào trường này. Chưa kể để vào được Ams2, các con phải có học bạ đẹp từ lớp 1.

Áp lực điểm 10 khiến những đứa trẻ chỉ mới học cấp 1 đã phải “cày cuốc” tới 11 giờ đêm để hoàn thành chuyện bài vở hay “chạy sô” đến các lớp ôn luyện thi vào cấp 2.

Vì thế tôi cho rằng, việc bỏ “trường chuyên cấp 2” tôi thấy rất nhân văn. Các con sẽ bớt cày cuốc học thêm, không phải chịu áp lực thi cử, có thời gian trải nghiệm, khám phá bản thân để phát triển toàn diện.

Ngược lại một số ý kiến cho rằng thay vì nói phải bỏ do không đúng luật, hãy cải tổ và sắp xếp mô hình hệ THCS trong trường chuyên. Một nơi có thầy giỏi, bạn giỏi thì nơi đó xứng đáng để được giữ lại. Chia sẻ xoay quanh vấn đề này trên báo Vietnamnets, chị Ánh Ngọc (Hà Nội) cho hay, năm sau nữa con tôi mới lên lớp 6, và gia đình tôi kỳ vọng con vào được các trường top cấp 2 của thành phố, mà xếp thứ tự ưu tiên thì lớp 6 THCS như Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam là số 1.

Do đó, mấy hôm nay, tôi theo dõi rất kỹ thông tin về việc Hà Nội có thể phải dừng tuyển lớp 6 trường Ams cũng như các dòng tranh luận trên nhiều hội, nhóm ở mạng xã hội và báo chí về câu chuyện này.

Là người sắp trong cuộc và đã cùng con chuẩn bị cho "cuộc chiến" - tôi có thể nói đây thật sự là một "cuộc chiến" - giành một suất vào "Ams2" như dự định lâu nay, tôi xin có một vài chia sẻ. Theo tôi, mong muốn con học tập trong môi trường tốt, với đa phần thầy cô, bè bạn ưu tú không có gì là sai. Quan trọng là phải xác định đó là mong muốn của con hay của cha mẹ. Tôi biết không ít bạn bè của bé cùng chung "chí hướng" thi vào lớp 6 trường top đều có lực học cực tốt và nổi trội ở cả các hoạt động ngoại khóa. Thậm chí, các bé này do có bố mẹ sắp xếp được thời khóa biểu khoa học và học tốt nên việc học không quá áp lực, các con vẫn có thời gian chơi, hoạt động thể thao và có những chuyến đi trải nghiệm ngoài thành phố.

Vậy thì, nếu được học chung với các bạn như vậy chẳng phải là quá tốt cho con mình hay sao? Những em này học cùng một trường không chỉ tốt về mặt học thuật mà còn tốt cho sự phát triển tâm lý, vì kể cả trẻ con cũng thích nói chuyện, học hành với những người tương đồng trình độ, suy nghĩ.

Còn nói về áp lực cạnh tranh gay gắt trong việc thi tuyển đầu vào và học tập sau này sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống của con thì theo tôi, trong giáo dục, sự cạnh tranh và việc giành thành tích cao có những giá trị tích cực. Có cạnh tranh mới thúc đẩy sự phát triển, mới có cái mới.

Đặc biệt, học sinh nào đủ khả năng thì vào, gia đình nào không lựa chọn thì thôi, cấp 2 trong trường chuyên không hề ảnh hưởng xấu đến các trường khác thì tại sao phải bỏ?

Trong khi đó, một lãnh đạo một trường phổ thông liên cấp tư thục chia sẻ với Dân Trí, sự tồn tại của trường chuyên lớp chọn xuất phát từ nhu cầu thực tế của xã hội cũng như nhu cầu của đất nước. "Tuy nhiên, cách thức thực hiện việc đó là câu chuyện cần thảo luận", vị này nói.

Ông nhận định, hệ THCS trong Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam không phải hệ chuyên mà là hệ chất lượng cao. Nhưng trên thực tế, hệ chất lượng cao được tổ chức giống như chuyên chọn, tức học sinh học chuyên sâu, nâng cao một số môn học nhất định.

"Mô hình trường THCS chất lượng cao tại Hà Nội những năm gần đây có xu hướng mở rộng, phản ánh nhu cầu lớn của phụ huynh. Các trường tư thục cũng tổ chức lớp chất lượng cao, đầu tư đào tạo mũi nhọn với nhiều cách chiêu sinh hấp dẫn để thu hút học sinh giỏi. Có cung thì có cầu. Đó là thực tế.

Song nếu ngành giáo dục cứ chạy theo phục vụ nhu cầu cá nhân thì mục tiêu chung sẽ bị ảnh hưởng, làm lệch hướng phát triển của xã hội và việc xóa bỏ trường chuyên chỉ là hình thức.

Trường chuyên bị dẹp sẽ tái sinh dưới dạng thu nhỏ kiểu lớp chọn, lớp chất lượng cao trong trường thường", vị này nêu quan điểm.

Từ thực tế này, một giáo viên cho rằng cần thay đổi tư duy của các nhà quản lý giáo dục trong việc bồi dưỡng nhân tài: "Chỉ khi giáo dục thay đổi, quan niệm và tư duy của phụ huynh về giáo dục mới chuyển hướng".

Cũng theo thầy giáo này, đã có những trường học tiên phong trong việc thay đổi cách bồi dưỡng học sinh giỏi ở bậc tiểu học, trung học cơ sở và đạt hiệu quả tích cực.

Theo đó, thay vì dồn các học sinh giỏi vào một lớp và đầu tư toàn bộ nguồn lực cho lớp đó, nhà trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm mỗi lớp phải có trách nhiệm phân hóa học sinh theo các trình độ.

Những học sinh được phân hóa ở nhóm trên sẽ được tập trung bồi dưỡng. Tuy nhiên nhóm này không cố định mà luôn thay đổi theo sự phát triển của từng học sinh. Giáo viên phải chủ động quan sát, phát hiện tố chất, năng lực của học sinh để có sự luân chuyển. Ban giám hiệu cũng quan sát qua các bài kiểm tra.

Cách làm này tạo công bằng cho học sinh thông qua việc trao cơ hội và động lực phát triển cho tất cả các em ở mọi thời điểm trong quá trình học tập.

"Cách làm này cũng khiến mỗi giáo viên đều cảm thấy có giá trị. Họ sẽ cố gắng bồi dưỡng cho học sinh của họ thay vì suy nghĩ mình là giáo viên lớp thường, chỉ cần dạy học trò như thế là được rồi.

Và như thế, mỗi trường đều có giá trị, mỗi thầy cô đều có giá trị, mỗi học sinh đều có giá trị. Chứ không phải chỉ trường chuyên, lớp chọn, học sinh lớp chọn, giáo viên lớp chọn mới có giá trị và xứng đáng được đầu tư", thầy giáo nêu ý kiến.

Ngày 7/3 trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT cho biết Luật Giáo dục 2005 đã đưa nội dung quy định trường chuyên chỉ có ở cấp THPT. Nội dung này cũng được giữ nguyên ở Luật Giáo dục 2019.

Hiện theo điều lệ trường trung học, có mô hình trường phổ thông liên cấp, nhưng đó là mô hình trường công lập không chuyên. Không có quy định nào cho phép trường phổ thông chuyên liên cấp.

Năm 2023, Bộ GD&ĐT có thông tư ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên. Các trường THPT chuyên sẽ không còn lớp không chuyên. Và đương nhiên, các lớp THCS trong các trường chuyên cũng phải ngừng tuyển sinh.

Thông tư trên ban hành 1 năm, nhưng mùa tuyển sinh đầu cấp năm trước các lớp không chuyên vẫn được thực hiện, bởi quy định nêu trong thông tư được thực hiện từ năm học tới.

Như vậy, việc duy trì hay ngừng tuyển sinh lớp 6 của Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam và Trường chuyên Trần Đại Nghĩa, ông Thành cho rằng không phải là việc bộ muốn cho phép hay không cho phép mà luật đã ban hành có hiệu lực thì phải thực thi.

Liên quan tới ý kiến của nhiều người cho rằng những thành quả của hai trường chuyên ở khối THCS là đáng để duy trì. Đây cũng là mô hình nhằm tạo nguồn cho học sinh năng khiếu ở cấp học trên, ông Nguyễn Xuân Thành bày tỏ quan điểm: Việc phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, tạo nguồn cho trường THPT chuyên thực chất là nhiệm vụ của tất cả các trường THCS chứ không phải chỉ là nhiệm vụ của riêng một số trường THCS có chất lượng cao.

Trên thực tế, có một số học sinh đỗ cao trong các kỳ thi, đạt giải học sinh giỏi quốc gia, quốc tế và khu vực chỉ học ở các trường bình thường thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội không phát triển.

Cúng theo ông Thành cũng cho hay, Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cũng sẽ lắng nghe ý kiến của các địa phương và tham mưu với lãnh đạo Bộ Bộ GD&ĐT để cùng với địa phương có hướng tháo gỡ vướng mắc hiện nay.

Trúc Chi (t/h)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.