Tranh cãi quanh đại tác phẩm mỹ thuật "Bà đầm xòe"

Tranh cãi quanh đại tác phẩm mỹ thuật "Bà đầm xòe"

Thứ 5, 27/12/2012 23:43

Bức tranh "Bà đầm xòe" của danh họa Victor Tardieu vẽ tại đại giảng đường của Viện Đại học Đông Dương, nay là hội trường Ngụy Như Kon Tum thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội (19 Lê Thánh Tông Hà Nội) được xem là tác phẩm mỹ thuật hiện đại lớn nhất Việt Nam.

Hiện nay, đại tác phẩm này không còn tồn tại trên thực tế nhưng những tranh cãi về giá trị tư tưởng của nó chưa lúc nào kết thúc. Có ý kiến cho rằng, bức tranh này là chứng tích của thực dân không nên để nó tồn tại ở một vị trí trang trọng ngay trong Trường Đại học Khoa học tự nhiên. Ngược lại, nhiều người lại quả quyết, đây là tác phẩm hội họa đặc sắc cần được phục dựng và bảo vệ . Đặc biệt, sau khi bức họa đặc biệt này được phục dựng tại nơi nó từng tồn tại, một lần nữa dấy lên những ý kiến trái chiều...

Bức tranh "Bà đầm xòe" rộng gần 80m2 nằm trong giảng đường lớn của Viện Đại học Đông Dương nay là Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội (số 19, Lê Thánh Tông, Hà Nội). Người vẽ lên bức tranh lập kỷ lục của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam là danh họa Victor Tardieu (vị hiệu trưởng đầu tiên của Trường Mỹ thuật Đông Dương - một phân viện của Viện Đại học Đông Dương). Để hoàn thành tác phẩm hội họa hoành tráng này, họa sĩ Victor Tardieu phải mất tới sáu năm lao động nghệ thuật miệt mài. Sau khi hoàn thành, bức tranh đã trở thành biểu tượng và niềm tự hào của Viện Đại học Đông Dương. Không chỉ những sinh viên của trường Đại học này nhớ mãi mà bức họa này còn khắc sâu trong tâm trí của người Hà Nội với cái tên rất lạ: Bức tranh "Bà đầm xòe".

Lạ & Cười - Tranh cãi quanh đại tác phẩm mỹ thuật 'Bà đầm xòe'

Bức tranh “Bà Đầm Xòe”.

Biểu tượng một thời

Báo Người đưa tin nhận được thông tin phản ánh của một bạn đọc (xin phép được dấu tên) liên quan đến bức tranh "Bà đầm xòe". Đặc biệt trong phản ánh này, độc giả tỏ thái độ phản đối xung quanh việc Trường Đại học Quốc Gia Hà Nội cho phép phục dựng lại bức tranh trên. Vì theo quan điểm của người này, bức tranh "Bà đầm xòe" là chứng tích của thực dân, nó biểu hiện của sự đô hộ về mặt tư tưởng của thực dân Pháp trước đây. Chính vì thế, bản thân bức tranh này không thể được tồn tại ngay chính môi trường giáo dục quan trọng hàng đầu của nước ta như Đại học Quốc gia Hà Nôi. Để rộng đường dư luận, PV đã tiến hành xác minh và làm rõ vấn đề trên.

Tại ngôi trường với kiểu kiến trúc tuyệt đẹp này, ít người biết rằng bên trong nó từng ẩn chứa một bức họa nổi tiếng của họa sĩ người Pháp - Victor Tardieu. Chỉ những người am hiểu Hà Nội, thích tìm hiểu mới biết được nơi đây đã từng hiện diện một kỷ lục về bức tranh lớn nhất của nền Mỹ thuật hiện đại Việt Nam trong suốt gần 100 năm qua. "Bà đầm xòe", một cái tên rất lạ, thuần Việt và có sức gợi, được người yêu Hà Nội nhắc cho nhau nghe mỗi khi đi ngang qua đây, chính là tên của bức họa nổi tiếng này.

Theo nhiều tư liệu, bức tranh đặc biệt này được chính họa sĩ Victor Tardieu phác thảo và bắt đầu vẽ từ năm 1921 theo đặt hàng của người đứng đầu Viện Đại học Đông Dương lúc bấy giờ. Được biết, để hoàn thành bức tranh khổng lồ 77m2, họa sĩ Tardieu đã miệt mài suốt 6 năm trời cùng với nhiều cộng sự người Việt khác. Khi tác phẩm hội họa này được Victor Tardieu hoàn thành, ngay lập tức nó được xưng tụng là kiệt tác hội họa và nhanh chóng trở thành biểu tượng của ngôi trường này.

Dẫn theo tư liệu duy nhất còn lại, đó là bức ảnh chụp nguyên vẹn tác phẩm "Bà đầm xòe" còn được lưu giữ cho đến ngày nay thì hậu cảnh của bức tranh được họa sĩ người Pháp lấy cảm hứng từ chiếc cổng tam quan của người Việt phủ bóng cây đa. Một hình ảnh gần gũi mà bất cứ ai cũng dễ dàng bắt gặp ở mỗi miền quê phía Bắc thời bấy giờ. Trên chiếc cổng tam quan, người họa sĩ này viết lên ba chữ nho "Thăng đường thập nhất" (lên thềm vào nhà). Hai bên cổng tam quan, họa sĩ Tardieu viết lên hai câu văn như hai vế đối. "Nhân tài quốc gia chi nguyên khí, Đại học giáo hóa chi bản nguyên" (tạm dịch "Nhân tài là nguyên khí của quốc gia, Đại học là gốc của giáo hóa"). Đứng giữa cổng tam quan ẩn hiện mờ ảo của nhân vật (Allégorie du Progrès - bà mẹ của trí tuệ).

Trên khoảng không gian rộng trước cổng tam quan, họa sĩ Victor Tadieu cho phục hoạt một cách sinh động chân dung những con người đương thời gồm nhiều tầng lớp, cả người Pháp lẫn những cư dân bản xứ. Tác giả đã diễn tả tài tình hình ảnh mỗi nhân vật với một gương mặt, một cách biểu hiện cảm xúc khác nhau. Tổng cộng trong bức tranh "Bà đầm xòe", người ta đếm được họa sĩ Tardieu phối cảnh tinh tế với sự hiện diện của 200 nhân vật.

Điều bất ngờ cho người xem, trong bức tranh này có sự hiện diện của hình ảnh bốn viên Toàn quyền Đông Dương thời Pháp thuộc: Paul Doumer, Jean Baptiste Paul Beau, Albert Sarraut, Maurice Long, cùng nhiều giảng viên của Viện Đại học Đông Dương thời bấy giờ. Bằng bàn tay tài hoa và sự tưởng tượng phong phú của họa sĩ tài danh, mỗi nhân vật được ông thể hiện mang vóc dáng, cử chỉ, điệu bộ riêng biệt với những cá tính khác nhau.

Chính bằng tài năng nghệ thuật bậc thầy, vị hiệu trưởng đầu tiên của trường Mỹ thuật Đông Dương đã khiến nhiều thế hệ người xem thán phục. Tuy nhiên không ít người cho rằng, trong bức tranh này các quan Pháp chễm chệå ở trên cao trong khi đó người Việt khổ sở, cơ cực ở phía dưới.

Sự trở lại sau nửa thế kỷ biến mất (?)

Bức tranh tồn tại gần nửa thế kỷ, thành thành biểu tượng của Viện Đại học Đông Dương nhưng cùng với những biến động và thăng trầm của lịch sử, nó đã biến mất?. Một số thông tin cho rằng, năm 1954 người ta không còn thấy nó ở đại giảng đường của Đại học Đông Dương.

Từ đó, bức tranh tường lớn nhất Việt Nam không được nhắc đến nhiều nhưng những người yêu mến hội họa vẫn ấp ủ hẹn một ngày sẽ khôi phục lại và đặt nó vào vị trí vốn có. Tuy nhiên, ý tưởng này mãi đến năm 2006 mới thành hiện thực. Theo tìm hiểu của PV, nhân hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập Viện Đại học Đông Dương, tiền thân của Đại học Quốc gia Hà Nội, những người yêu mến bức tranh, trong đó có lãnh đạo trường này đã đặt quyết tâm phục dựng bức tranh khổng lồ trên.

Nhưng phục dựng bức tranh là điều không dễ. Phải làm thế nào để bức họa phục dựng tương xứng và mang vẻ đẹp vốn có của bức tranh "Bà đầm xòe" do chính họa sĩ Victor Tardieu thể hiện. Việc lựa chọn một họa sĩ có đủ tài và tâm trở nên khó khăn, bởi rất ít họa sĩ Việt Nam đạt được đẳng cấp thực hiện những bức tranh khổng lồ kiểu này. Cuối cùng, sau nhiều lần "đong đếm", người được chọn mặt gửi vàng cho công trình nghệ thuật đặc biệt hướng tới lễ kỷ niệm 100 năm Trường Đại học Quốc Gia Hà Nội là họa sĩ Hoàng Hưng. Là một họa sĩ nổi danh của hội họa Việt Nam đương đại, Hoàng Hưng từng thành công khi thể hiện những tác phẩm hội họa có quy mô lớn, nổi tiếng nhất là bức tranh người anh hùng Phù Đổng - Thánh Gióng đặt tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình.

Vẽ lại tác phẩm hội họa của một danh họa nổi tiếng như Victor Tardieu không hề dễ với bất kỳ họa sĩ nào. Thử thách lớn nhất một họa sĩ Hoàng Hưng đối mặt để phục dựng lại bức tranh đó chính là thiếu nguồn tài liệu gốc. Chỉ có một bức ảnh chụp bức tranh "Bà đầm xòe" và các thông tin liên quan đến quá trình sáng tác của họa sĩ Victor Tardieu do chính người cháu gái danh họa - bà Alix Turolla Tardieu cung cấp.

Trong khi, họa sĩ Victor Tardieu vẽ bức tranh này mất 6 năm, họa sĩ Hoàng Hưng cùng các cộng sự của ông chỉ có thời gian 3 tháng (từ tháng 2 đến đầu tháng 5/2006). Cuối cùng, họa sĩ Hoàng Hưng cùng các cộng sự đã kịp hoàn thành tác phẩm độc đáo này. Nhiều người chiêm ngưỡng bức tranh "chép" này, vô cùng thán phục và bất ngờ bởi màu sắc êm dịu, đằm thắm, đầy chất trí tuệ, đượm màu thời gian và lịch sử của "Bà đầm xòe". Nhưng cũng không ít người cho rằng, một chứng tích của thực dân lại được khôi phục trở lại...

Trinh Phúc


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.