Phân làn hay chướng ngại vật?
Cách đây 2 năm (tháng 9/2011), Hà Nội chính thức áp dụng biện pháp phân làn chia tách ô tô, xe máy đi theo đường dành riêng trên các tuyến phố Huế - Hàng Bài, Bà Triệu, Xã Đàn - Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt và Giải Phóng. Để chia tách làn xe, sở GTVT Hà Nội cho dựng một loạt dải phân cách cứng bằng vật liệu bê tông đặt giữa đường. Phía trước dải phân cách là một cột biển báo bằng sắt ghi rõ làn xe dành cho ô tô, xe máy và xe đạp.
Theo tìm hiểu của PV, chỉ tính riêng tiền chi phí cho việc lắp đặt các cọc khối bê tông có thanh sắt nối và có biển báo ở giữa các tuyến phố Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt; Xã Đàn; Giải Phóng (đoạn từ Pháp Vân - Lê Duẩn); phố Huế - Hàng Bài; Bà Triệu (đoạn từ Tràng Thi đến Nguyễn Du) và phân luồng riêng cho ô tô lưu thông trên tuyến đường quốc lộ 1B và xe máy trên tuyến đường quốc lộ 1A đã ngốn gần 24 tỷ đồng. Thêm vào đó, kinh phí cho việc sơn kẻ đường, biển mới từ ngày 20/9/2011 tới 8/10/2011 của sở GTVT Hà Nội là hơn 4,6 tỷ đồng. Kinh phí phục vụ hướng dẫn, cưỡng chế phân làn cho hai lực lượng Thanh tra giao thông và Cảnh sát giao thông tới cuối năm 2011 dự tính khoảng 8 tỷ đồng. Sau đó một thời gian ngắn, các dải phân cách này thường xuyên bị người tham gia giao thông đâm phải gây hư hỏng cần sửa chữa, lại tốn thêm một khoản chi phí không nhỏ. Tốn nhiều chi phí và công sức như vậy nhưng dường như những dải phân cách này lại không hề phát huy tác dụng như mong muốn. Nhiều người còn ví nó như chướng ngại vật đối với người tham gia giao thông?!
Trao đổi với PV, bác Nguyễn Văn Quyết, 67 tuổi (Đường Giải Phóng, Hà Nội) cho hay, do dải phân cách cứng chia thành nhiều đoạn khác nhau lại được đặt lửng lơ giữa đường nên gây nhiều phiền toái cho người tham gia giao thông. Tình trạng tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện va chạm với dải phân cách thường xuyên xảy ra. Đặc biệt, thời gian đầu mới đặt dải phân cách, đêm nào cũng có người đâm phải. Ngay đầu tuần vừa rồi, bác Quyết đã chứng kiến cảnh một người đàn ông đâm phải dải phân cách, tay chảy máu, xe vỡ cả yếm và đèn xe.
Nhiều ý kiến cho rằng nên tháo dải phân cách cứng nhằm giảm tai nạn giao thông.
Trước thực tế trên, không ít ý kiến cho rằng, do dải phân cách đặt lửng lơ giữa đường mới dẫn tới số vụ tai nạn gia tăng. Trong buổi tiếp xúc cử tri mới đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã lắng nghe những bức xúc của cử tri về sự bất cập này. Ông Phạm Quang Nghị cho biết, cá nhân ông cũng đã nhiều lần nhắc sở GTVT sớm đánh giá hiệu quả của dải phân cách cứng. Lý do làm dải phân cách cứng để người điều khiển phương tiện giao thông không được đi sang làn xe khác. Nhưng dư luận hiện nay không đồng tình vì cách làm đó rất nguy hiểm. Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đề nghị sở GTVT Hà Nội nghiên cứu nếu thấy ý kiến đó là đúng thì phải bỏ dải phân cách cứng đi, thay vào đó bằng vạch sơn.
Cần xem xét dỡ bỏ dải phân cách
Sau phân làn 6 tuyến đường bằng dải phân cách cứng trên địa bàn Hà Nội, người dân và nhiều chuyên gia giao thông đã lên tiếng cho rằng giải pháp phân làn cứng không thực sự hiệu quả, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Nhận định về thực trạng trên, ông Nguyễn Văn Sửu - Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho rằng, lo ngại của người dân về sự nguy hiểm của dải phân cách là đúng. Tuy nhiên, theo ông Sửu, việc đặt dải phân cách trên đường nhằm mục đích chính là nâng cao ý thức của người dân. Do vậy, giai đoạn này, việc đặt dải phân cách tách dòng phương tiện là cần thiết. Khi ý thức của người điều khiển phương tiện giao thông đã tốt rồi thì ngành giao thông chỉ cần kẻ vạch liền là được.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, một cán bộ đội CSGT số 4, Phòng cảnh sát giao thông (công an TP.Hà Nội) cho biết: Lắp đặt dải phân cách được sở GTVT Hà Nội triển khai trên một số tuyến đường. Trước kia, dải phân cách là sơn liền, bây giờ được xây bằng dải phân cách cứng. Đây được xem là một biện pháp có tính cưỡng chế với người tham gia giao thông trong thành phố, bắt buộc người điều khiển phương tiện phải tuân thủ làn đường, tuân thủ tốc độ đi trong thành phố không vượt ẩu được.
Thực tế nhiều xe khi đi qua các phần điểm giao cắt khi thấy có thể vượt được, vượt ẩu nên đâm vào dải phân cách. Quan trọng là ý thức của người tham gia giao thông, nếu đâm vào dải phân cách thì đó là trường hợp tự gây tai nạn do ý thức kém".
Cũng có ý kiến cho rằng, dỡ bỏ dải phân cách cứng, tăng mức phạt nhằm răn đe người tham gia giao thông. Tuy nhiên, theo vị cán bộ này, mức xử phạt hiện nay khá cao so với thu nhập, không thể tăng mức xử phạt đối với các hành vi lấn làn đường. Mức phạt hiện nay là 1,7 triệu đồng với xe ô tô, 600 nghìn đồng với xe máy. Vị cán bộ này cho hay: "Thực tế trong quá trình xử lý, nhiều trường hợp chúng tôi khi xử lý lỗi lấn làn đường với người vi phạm nhưng họ bảo họ không nhìn thấy vạch sơn phân làn. Rõ ràng việc đặt dải phân cách thuận tiện hơn cho CSGT khi chỉ ra lỗi của người vi phạm, người dân cũng nhìn phần làn đường cụ thể. Theo tôi, dải phân cách cứng cũng đang phát huy được tác dụng với người tham gia giao thông để cho người dân phân biệt đúng làn đường. Tuy nhiên, nhiều người tham gia giao thông ý thức vẫn còn kém, dù có dải phân cách rõ ràng nhưng cố tình vi phạm".
Theo ông Trần Đình Bửu, Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam, nhiều nơi đang sử dụng rất nhiều loại, kiểu dải phân cách có kích thước, vị trí bố trí khác nhau được khai thác với mục đích tổ chức giao thông, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Dùng dải phân cách có những mục đích khác nhau, nếu mục đích để hướng dẫn khác, để tránh xe 2 chiều khác, để phần làn 2 chiều làn nọ với làn kia lại khác nhau, đặc biệt là ở những nơi mà ô tô, xe máy đi lẫn với nhau. Trình độ hiểu biết về giao thông như ở nước ta hoàn toàn khác với các nước, do đó vấn đề áp dụng vào thực tế không tránh khỏi bất cập.
Nói về phương án nên hay không nên dỡ bỏ dải phân cách, ĐBQH Bùi Thị An (Hà Nội) băn khoăn: "Nếu thực hiện tháo dỡ các dải phân cách hiện nay, cũng như thực hiện trả lại hiện trạng mặt đường sẽ ngốn một khoản kinh phí không nhỏ. Điển hình như tỉnh Hải Dương từng chi tới gần 50 tỷ đồng cho dự án với quãng đường hơn 17km trên đường 5. Vậy ai chịu trách nhiệm ký duyệt các dự án không có hiệu quả này? Lắp dải phân cách được vài năm giờ lại bàn chuyện gỡ bỏ. Đến khi nào mới thực hiện được việc truy trách nhiệm cho người đứng đầu?".
Mai Giang