Ly thân, mỗi tháng chồng chu cấp cho con một lốc sữa
Trong những góp ý cho dự thảo Luật Hôn nhân & Gia đình sửa đổi mới đây, quan điểm nên luật hóa chế định ly thân được nhiều người đồng tình. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến trái chiều.
Đó là tình trạng kéo dài 4 năm nay của chị Nguyễn Thị Phương (Phổ Yên, Thái Nguyên). Ngay khi đứa con gái chào đời được hơn một tuổi, giữa hai vợ chồng chị xảy ra mâu thuẫn. Cho rằng vợ bị lãnh cảm sau sinh, không còn mặn mà chuyện chăn gối nên đã "bỏ đói" mình, chồng chị Phượng lúc nào cũng mặt nặng mày nhẹ. Đã vậy, chị lại chưa có công việc ổn định, tất cả đều trông chờ vào lương công nhân hơn 4 triệu đồng/tháng của anh. Khi hai anh chị quyết định đến với nhau, mẹ chồng chị kiên quyết phản đối vì cho rằng chị là đứa cười hở lợi, lại gò má cao, chân cong…không thể sinh ra cho bà đứa cháu đẹp đẽ như ý muốn.
Sự kỳ thị, hắt hủi của mẹ chồng cộng với sự lạnh nhạt của chồng khiến chị tủi phận bế con gái về nhà ngoại. Gần một năm đầu, chừng hai tháng một lần, chồng vẫn gửi cho chị một khoản tiền nhỏ kèm sữa nuôi con. Thế nhưng, ba năm nay, mỗi tháng anh chỉ nhờ bà háng xóm chuyển cho con một lốc sữa. Chị Phương đã nhiều lần đề nghị ly dị nhưng người chồng dùng dằng, lý do là nếu ra tòa thì anh sẽ phải chia tài sản cho chị. Trong suốt mấy năm trời, biết chị là người ít học, anh tìm mọi cách hợp thức hóa tài sản chung thành tài sản riêng. Trên phương diện pháp luật, phía cơ quan đoàn thể cũng khó can thiệp bởi hai anh chị vẫn là vợ chồng trên danh nghĩa. Anh chồng chỉ chấp nhận ly dị với điều kiện không phải chia tài sản cho vợ.
Việc có nên đưa chế định ly thân vào luật đang gây nhiều tranh cãi
Tình trạng của chị Phương đang rất phổ biến hiện nay. Khi vợ chồng có cãi vã, người vợ bất đắc dĩ bế con rời khỏi nhà chồng cũng đồng nghĩa với việc bắt đầu cuộc sống khổ cực. Khi chồng không chu cấp nuôi con, thiệt thòi của người phụ nữ là rất lớn thế nhưng vì việc ly thân chưa được luật hóa nên quyền lợi của họ chưa được bảo vệ.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, anh Vũ Hồng Hà, Bí thư đoàn xã Lập Lễ (Thủy Nguyên, Hải Phòng) cho rằng, rất cần đưa chế định ly thân vào luật. "Vấn đề này trong thực tế đang tồn tại rất nhiều, có biết bao nhiêu gia đình đang vướng mắc ở những việc như thế này, họ rất khó xác định được cuộc sống đi theo hướng nào. Việc ly thân lâu dài sẽ gây ra tâm lý căng thẳng cho gia đình và có biết bao nhiêu vụ án đã xảy ra.
Chú tôi là một ví dụ. Hai vợ chồng chú đã ly thân khoảng 5 năm nay. Vợ chồng có hai cô con gái thì một đứa đã đi Đức sống, còn một đứa ở nhà với bố mẹ. Chú ấy vẫn ở cùng nhà với vợ và con nhưng ăn riêng. Vợ chú trắng trợn dẫn bồ về nhà chơi. Chú tôi muốn ly hôn nhưng vợ chú không đồng ý vì vướng mắc tài sản. Đơn ly hôn đã nộp trên tòa được mấy năm, khi tòa cho người xuống thẩm định tài sản thì vợ chú không đồng ý thế là tòa cũng bó tay. Vợ chú tôi muốn chồng ra đi trắng tay nhưng nhà là do chú tôi làm ra là chính nên chú ấy không chịu".
Theo anh Hà, nên đưa chế định ly thân vào luật để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của vợ chồng ngay khi họ chưa ly hôn. Thực tế, nhiều gia đình vợ chồng sống ly thân (có thể sống cách biệt ở nơi khác hoặc sống cùng một nhà nhưng ăn ở riêng hoặc ở riêng...) vì nhiều lý do mà không ly hôn như vì con cái, sợ dư luận xã hội…
Cùng trao đổi với PV, anh Đỗ Văn Hưng (Bùi Xương Trạch, Thanh Xuân, Hà Nội) lại có quan điểm trái ngược khi cho rằng, chưa cần luật hóa ly thân bởi ly thân là chưa ly dị. "Nếu đưa vào thì việc áp dụng luật sẽ rất khó khăn khi thực hiện. Bạn cứ tưởng tượng về các vùng nông thôn để giải quyết vấn đề ly thân đi, sẽ rất phức tạp".
Còn nhiều tranh cãi
Trao đổi với PV Người Đưa Tin xung quanh việc có nên đưa chế định ly thân vào trong Luật Hôn nhân & Gia đình sửa đổi, luật sư Trần Đình Triển (Văn phòng luật sư Vì Dân, Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, Luật Hôn nhân & Gia đình sửa đổi nên chấp nhận chế định ly thân trong quan hệ gia đình. Cho phép chế định ly thân thì việc ly hôn sẽ giảm tải đi nhiều. Về mặt dân sự cũng như hiến pháp của các nước thì hôn nhân là quyền tự do, quy định nằm trong khuôn khổ. Ở Việt Nam là chế độ một vợ, một chồng.
Kết hôn là quyền của vợ chồng, không ai can thiệp vào quyền đó, khi ly hôn cũng vậy. Thế nhưng, trong thực tế xã hội có những điều thay đổi vượt quá quy định chung mà phù hợp thực tiễn. Chẳng hạn, quy định con ngoài giá thú, con trong giá thú đã vượt quá quy định Luật Hôn nhân & Gia đình. Không thể phủ nhận trong cuộc sống vợ chồng có lúc về tình cảm không hòa thuận nhưng trong cuộc sống gia đình thì không phải chỉ có quan hệ vợ chồng là thứ ràng buộc của một cuộc hôn nhân. Việc này còn liên quan tới con cái, với gia đình nội, ngoại, bạn bè, xã hội, liên quan tài sản chung vợ chồng…
Cũng theo luật sư Triển, trong cuộc sống vợ chồng người ta có thể không còn quan hệ tình cảm với nhau nữa nhưng nếu như người ta không ly hôn, nếu pháp luật không thừa nhận chế định ly thân nó sẽ vướng một điều là quyền tự do của hai bên trong quan hệ bạn bè của vợ, chồng, vi phạm chế độ một vợ một chồng. Do luật pháp chưa thừa nhận chế định ly thân, buộc người ta phải ly hôn. Do đó, nếu pháp luật thừa nhận chế định hợp lý là ly thân thì sẽ giảm tải cho hệ thống tòa án. Thực tế, có tòa án cấp quận huyện đa phần chỉ giải quyết vấn đề hôn nhân, gia đình.
Ông Triển nhấn mạnh: "Đưa chế định ly thân vào luật để vợ chồng có trách nhiệm với con cái, phải nhìn thấy cái lớn đó hơn. Còn khi nào vợ (chồng) muốn lấy vợ lấy chồng khác, khi đó vợ (chồng) buộc phải khởi kiện ra tòa để ly hôn. Nếu sau khi ly thân,người ta không muốn ly hôn mà quay lại cuộc sống gia đình cho toàn vẹn thì cũng tốt".
Đứng ở góc độ xã hội, TS. Trịnh Hòa Bình, Giám đốc trung tâm Dư luận xã hội và truyền thông đại chúng (viện Khoa học xã hội Việt Nam) lo ngại việc đưa chế định ly thân vào luật sẽ "đánh đố" cộng đồng. "Luật pháp là yếu tố tương đối ổn định, thực hiện được việc kiểm soát hành vi con người. Tình trạng ly thân và chuyện nay ly mai nhập xảy ra như cơm bữa, tôi cho rằng việc đưa chế định ly thân vào Luật Hôn nhân & Gia đình sửa đổi là bất cập, rất khó khả thi. Nhiều người ly thân chán rồi lại nhập thân, không lẽ suốt ngày mang luật ra cãi nhau?", ông Bình nói.
Về tình trạng nhiều phụ nữ chịu thiệt khi ly thân, ông Bình lý giải: "Phụ nữ thời hiện đại được giải phóng nhiều, trong nhiều trường hợp đã lấn quyền nam giới. Muốn bảo vệ phụ nữ chúng ta đã có nhiều luật khác, do đó không nhất thiết đưa chế định ly thân vào Luật Hôn nhân & Gia đình".
Đồng quan điểm, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cũng cho rằng, không nên đưa ly thân vào luật, chỉ cần chế định ly hôn là đủ. Nếu có ly thân thì phải bỏ ly hôn.
Nếu thừa nhận ly thân, phải thừa nhận hôn nhân thực tế TS. xã hội học Trịnh Hòa Bình đặt câu hỏi tại sao ly thân đưa vào luật mà hôn nhân thực tế lại không đưa vào. Trước đây, hai vợ chồng dù không làm lễ cưới nhưng trên thực tế họ đã thực hiện hành vi vợ chồng với nhau, sinh con đẻ cái thì Luật Hôn nhân & Gia đình, tòa án thừa nhận cuộc hôn nhân thực tế này. Khi đó, cả hai đều có quyền và nghĩa vụ như các cặp vợ chồng chính thức khác. Thế nhưng, luật mới đã bãi bỏ hôn nhân trên thực tế. Vậy tại sao trạng thái ly thân rất mềm, rất uyển chuyển lại đưa vào luật mà hôn nhân trong thực tế còn sâu sắc, dễ điều chỉnh hơn hành vi ly thân thì lại bị loại? |
Yến Dương