"Người hùng" hay "kẻ phản bội"
Một cuộc điều tra toàn diện về vụ Edward Snowden (29 tuổi), cựu kỹ thuật viên của CIA đã được mở ra. Cuộc điều tra này liên quan đến việc Snowden tiết lộ với báo giới chương trình giám sát sau bốn năm làm việc với tư cách nhà thầu cho NSA. Chi tiết về cuộc gọi của hàng triệu người Mỹ bị NSA thu thập, cùng với hệ thống theo dõi người sử dụng qua internet được giải thích rằng, hệ thống này dùng để phát hiện bất kỳ hành vi đáng ngờ nào bắt nguồn từ nước ngoài.
Biểu tình ủng hộ Edward Snowden tại Mỹ.
Theo nhiều nguồn tin, hiện tại, Snowden đang ở Hồng Kông (Trung Quốc) nhưng đã mất tích sau khi bị truy lùng gắt gao từ phía Mỹ. Trong khi đó, các nghị sỹ Mỹ gọi hành động này của Snowden là phản quốc và yêu cầu dẫn độ về Mỹ càng sớm càng tốt. Lời kêu gọi truy tố cựu nhân viên CIA này được ông Peter King - chủ tịch tiểu ban An ninh nội địa Hạ viện Mỹ đưa ra ngay sau khi danh tính của Snowden được công bố: "Các nước không được cho phép Snowden tị nạn. Đây là vấn đề gây hậu quả nghiêm trọng cho nền tình báo Mỹ". Bên cạnh đó, ông Dianne Feinstein - chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ cũng cho biết, Mỹ đang tìm mọi cách bắt giữ Snowden và sẽ sớm bị truy tố theo pháp luật. Một phát ngôn viên của văn phòng giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ cho hay, vụ việc đã được chuyển sang bộ Tư pháp Mỹ sẽ được điều tra theo hướng hình sự.
Trong khi đó, nhiều quốc gia châu Âu cũng "sôi sục" khi biết được thông tin về chương trình theo dõi PRISM của NSA và yêu cầu phía Mỹ có giải thích chi tiết về sự tồn tại của chương trình này. Còn về phía người dân Mỹ, mỗi người có một cách phản ứng khác nhau về vụ việc này. Nhà Trắng đã nhận được bản kiến nghị tôn vinh Snowden là "anh hùng dân tộc". Chỉ trong một đêm, đã có 22.000 chữ ký đề nghị phong cho Snowden danh vị như vậy. Đồng thời, có hơn 30.000 chữ ký yêu cầu Mỹ không dẫn độ Snowden về nước và tha tội cho "vị anh hùng" này bởi Snowden đã hành động để "bảo vệ tự do cá nhân của người dân Mỹ".
Nếu trong vòng một tháng, số người ủng hộ lên đến 100.000 người, chính quyền sẽ phải xem xét đề nghị đó một cách chính thức. Thậm chí, nhà sáng lập WikiLeaks Jullian Assange còn ca ngợi Snowden là một người hùng của đất nước và khuyên anh ta xin tị nạn chính trị ở Mỹ Latinh. Trong một cuộc phỏng vấn riêng với đài ABC của Australia, Assange cũng lấp lửng nói rằng, mình đang liên lạc gián tiếp với Snowden, nhưng không tiết lộ gì thêm, vì "chưa đến thời điểm thích hợp".
Điều đáng ngạc nhiên là dường như danh nghĩa "anh hùng" lại gắn liền với Snowden nhiều hơn. Đối với báo giới, Snowden là "người hùng" và sẽ bảo vệ Snowden đến cùng, cũng là cách để bảo vệ quyền tự do cá nhân của người dân.
Cựu nhân viên CIA Edward Snowden.
Lịch sử lặp lại với cơ quan an ninh quốc gia?
Biện hộ cho hành động của mình, Snowden nói với báo giới rằng, anh làm vậy vì lương tâm để bảo vệ "quyền tự do cơ bản cho người dân trên toàn thế giới". Trong khi đó, phát ngôn viên của Chính phủ Mỹ Jay Carney nói rằng, Chính phủ Mỹ chưa thể bình luận gì về vụ Snowden, vì quá trình điều tra đang diễn ra. Trong khi, giám đốc NSA James Clapper xác nhận rằng, họ đã âm thầm thu thập hàng triệu cuộc gọi điện thoại, nhưng ông Clapper tuyên bố "đây hoàn toàn là lợi ích quốc gia và việc tiết lộ khi không được phép, có thể gây tổn hại lâu dài trong việc xác định và đối phó với nhiều mối nguy mà Mỹ đang phải đương đầu" và những tiết lộ của Snowden đang gây "tổn hại không thể sửa chữa" và "đáng trách".
Cơ quan mật vụ Mỹ đã so sánh "vụ Snowden" với vụ đào tẩu của các nhân viên mật mã NSA là William Martin và Mitchell Bernon năm 1960. Họ đã tiết lộ nhiều phần mềm gián điệp Mỹ. Cho đến nay, NSA coi vụ này là thất bại nặng nề nhất trong lịch sử cơ quan mật vụ. Vụ Snowden có thể còn vượt qua vụ Martin và Mitchell. Thật vậy, những tiết lộ của Snowden về PRISM đã gây ra những tranh cãi rộng khắp thế giới. Người thì ủng hộ quyết định công khai của Snowden, người thì phản đối hành động thiếu suy nghĩ đó của anh.
Những người chỉ trích nói rằng, chương trình này đe dọa tới việc bảo vệ quyền riêng tư và vượt khỏi giới hạn của những luật lệ của Mỹ về hoạt động tình báo nhằm ngăn chặn những vụ tấn công khủng bố. Tuy nhiên, NSA cũng có lý của họ. Nếu từ bỏ chương trình theo dõi thì sự an toàn của người dân Mỹ sẽ bị đe dọa bởi các thành phần khủng bố và các nhóm hồi giáo cực đoan như vụ việc nổ bom Boston diễn ra cách đây hai tháng.
Dù nhiều tranh cãi nổi lên, nhưng rõ ràng, Snowden đang vi phạm nghiêm trọng vào quy định bảo mật thông tin của NSA, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính quyền Mỹ. Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện, bà Diane Feinstein nói rằng, Snowden đã phạm tội "mưu phản" và phải bị truy tố. Bên cạnh những tranh cãi và truy bắt "kẻ phản quốc" Snowden, nhà báo Glenn Greenwald của báo Guardian, người viết bài về chương trình PRISM theo thông tin từ Snowden lại bất ngờ tuyên bố: Tôi vẫn còn nhiều tài liệu quan trọng khác để công bố và còn có hàng chục câu chuyện nữa từ khối tài liệu do Snowden cung cấp. Chúng tôi sẽ đăng tải cho đến đề tài cuối cùng".
Dẫn độ có thể bị ngăn cản? Trung Quốc và Mỹ không có hiệp ước dẫn độ nhưng giữa Hồng Kông và Washington thì có. Tuy nhiên, chính quyền Trung ương ở Bắc Kinh có thể can thiệp vào quyết định dẫn độ. Nghị viện Hồng Kông Albert Ho nhận định với tờ AFP: "Rất có thể đây là lý do Snowden chọn Hồng Kông làm nơi lẩn trốn. Có thể anh ta hy vọng Trung Quốc có thể ngăn được việc dẫn độ sắp tới này". Phẫn nộ vì chương trình PRISM Theo các tiết lộ của Snowden, chương trình PRISM được thành lập năm 2007 cho phép cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) truy cập trực tiếp vào các máy chủ trung tâm của 9 tập đoàn cung cấp dịch vụ internet lớn để theo dõi mọi dữ liệu mạng của người dùng trên toàn cầu. Hầu hết tất cả các nước châu Âu đều phẫn nộ vì sự tồn tại của hệ thống điện tử Boundless Informant (Cung cấp thông tin vô biên), công cụ chính để thu thập thông tin cho PRISM. Theo báo Anh Guardian, hệ thống Boundless Informant hoạt động trong tất cả các nước châu Âu. Nó là công cụ để thu thập dữ liệu, vào sổ các cuộc gọi điện thoại, ngày giờ cuộc gọi, nơi gọi và ghi âm cuộc trò chuyện. |
An Mai (Theo BBC/ABC)