Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình: Nhiều mô hình VAMC đã thành công nhưng cũng không ít mô hình thất bại
Ngày 26/7/2013, Ngân hàng Nhà nước tổ chức lễ khai trương hoạt động công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Như vậy, từ nay, việc xử lý nợ xấu có thêm một công cụ đặc thù. Tại lễ khai trương, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, trên thế giới có nhiều mô hình công ty quản lý tài sản, đa dạng giữa các nước, đa dạng giữa các hình thức và giữa các thời kỳ khác nhau. Nhưng có nét đặc trưng chung, khi nền kinh tế gặp khó khăn và nợ xấu gia tăng trong hệ thống các tổ chức tín dụng, thì công ty này được xây dựng và hình thành.
Nhiều người lo ngại về tính hiệu quả trong xử lý nợ xấu của VAMC.
Cũng theo thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đã có rất nhiều nước thành công và công ty dạng VAMC trở thành công cụ hữu ích cho quá trình cải cách kinh tế, khôi phục lại sự lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, không ít mô hình đã thất bại. Do đó vấn đề đặt ra ở Việt Nam là cần có bước đi thận trọng, khôn khéo, phù hợp thực tiễn trong nước. Dù vậy, VAMC vẫn cần lộ trình cụ thể để phát huy tác dụng trong một giai đoạn nhất định, đặc biệt là việc đưa nợ xấu xuống mức kiểm soát vào năm 2015 theo đúng quy định.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho hay, dù ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng và bộ, ban ngành rất trông chờ vào VAMC nhưng VAMC không phải là "chiếc đũa thần" để xử lý hết, xử lý triệt để ngay nợ xấu. Công ty là một công cụ góp phần làm lành mạnh hóa tài chính của các ngân hàng thương mại.
Bên cạnh đó, thống đốc bày tỏ tin tưởng, với sự lựa chọn nhân sự kỹ lưỡng, VAMC ra đời sẽ phát huy vai trò tích cực, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đến năm 2015 đưa nợ xấu ở mức kiểm soát được theo đúng qui định của pháp luật. Giai đoạn đầu, công ty sẽ tập trung xử lý những gì cấp thiết nhất, trên cơ sở đó sẽ tiến dần sang các nội dung khác. Thống đốc cho rằng, với bước đi phù hợp, với sự chỉ đạo sát sao của Ngân hàng Nhà nước, sự quan tâm, hỗ trợ và giám sát của các cơ quan có liên quan, với sự đồng tình ủng hộ của dư luận xã hội, VAMC sẽ phát huy được vai trò tích cực của mình trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế hiện nay, góp phần khôi phục sự phát triển của nền kinh tế, và hướng tới mục tiêu đến năm 2015 là đưa nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng về mức kiểm soát được theo đúng quy định của pháp luật.
VAMC được thành lập theo Quyết định số 1459/QĐ-NHNN ngày 27/6/2013 của thống đốc NHNN Việt Nam. Công ty hoạt động theo luật Doanh nghiệp và Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 18/5/2013 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam. VAMC là doanh nghiệp đặc thù do Nhà nước sở hữu 100% vốn, chịu sự quản lý Nhà nước, thanh tra, giám sát trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
VAMC có vốn điều lệ ban đầu 500 tỷ đồng. Ông Đặng Thanh Bình, phó thống đốc NHNN, làm chủ tịch HĐQT. Ông Nguyễn Hữu Thủy, vụ trưởng thuộc cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, làm tổng giám đốc. Các hoạt động được thực hiện: Mua nợ xấu của các TCTD; thu hồi nợ, đòi nợ và xử lý, bán nợ, tài sản đảm bảo; đầu tư tài chính, góp vốn, mua cổ phần; bảo lãnh cho các tổ chức, DN, cá nhân vay vốn của TCTD...
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình.
Công ty Khai thác Quản lý Tài sản (VAMC) đã đi vào hoạt động được ít ngày. Tập hợp những nhân sự giỏi, được áp dụng các cơ chế tài chính đặc thù về tiền lương, thưởng; VAMC đặt mục tiêu giải quyết được 40.000-70.000 tỷ đồng nợ xấu vào cuối năm nay. Nhiều chuyên gia lo ngại, với điều kiện hiện tại, VAMC khó đạt được mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, với cơ chế hiện hành, sẽ không khó để nảy sinh tiêu cực. Liên quan đến vấn đề trên, PV đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Cao Sỹ Kiêm, nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chủ tịch hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Chỉ là một kênh giải quyết nợ xấu
Không lạc quan như những người đứng ra thành lập công ty Khai thác Quản lý Tài sản, nhiều chuyên gia vẫn lo ngại về hiệu quả hoạt động của VAMC. Theo ông, xuất phát từ đâu mà có những lo ngại ấy?
Hiệu quả hoạt động của VAMC phụ thuộc vào nhiều điều kiện. Thứ nhất là cơ chế hoạt động. Thứ hai là chất lượng khoản nợ của các ngân hàng khi chuyển. Đây là các khoản nợ có tài sản thế chấp và có khả năng khắc phục. Các khoản nợ có xử lý và bán được hay không bán được, phụ thuộc vào chất lượng khi chuyển. Nếu khoản nợ đó có khả năng khắc phục thì doanh nghiệp sẽ bán được, mà bán được thì mới có lãi. Chính vì thế, quyền lợi và hiệu quả hoàn toàn phụ thuộc vào chất lượng nợ chuyển sang. Vấn đề thứ ba là sự tham gia của các đơn vị nước ngoài, họ có được tham gia hay không. Tôi nghĩ giữa thời buổi khó khăn như hiện nay, nếu chỉ bán trong nước thì đối tượng mua sẽ không nhiều. Ngoài ra, hiệu quả hoạt động của công ty còn phụ thuộc vào công tác quản lý và các chính sách để đơn vị này có thể tiếp tục hoạt động được.
Bên cạnh đó, hiệu quả hoạt động của VAMC còn tuỳ thuộc nhiều vào sự tự giác của các ngân hàng thương mại. Nếu các ngân hàng chuyển sang những món nợ không giải quyết được thì cũng không hiệu quả. Nói chung, mục tiêu xử lý 40.000- 70.000 tỷ nợ xấu hết năm nay khó khả quan. Với một lượng nợ xấu lớn như hiện nay thì bán cho ai trong bối cảnh khó khăn chung này? Các tổ chức nước ngoài cũng không mặn mà vì họ cũng đang khó khăn.
Vị thống đốc Ngân hàng Nhà nước có nói, VAMC không phải là một cây "đũa thần" để xử lý nợ xấu. Quan điểm của ông ra sao?
VAMC ra đời chỉ thêm một kênh, chứ không thể giải quyết được tất cả nợ xấu. Giải quyết nợ xấu là trách nhiệm của nhiều phía chứ không thể trông chờ vào công ty này. Chẳng hạn, các ngân hàng phải xem xét, phân loại nợ xấu xem các khoản nợ đó xuất phát từ đâu. Về phía doanh nghiệp, cần đặc biệt siết chặt các khoản chi, thực hiện tốt bài toán tiết kiệm, thúc đẩy kinh doanh và tìm ra các biện pháp ngăn chặn nợ xấu...
Công ty Khai thác Quản lý Tài sản được phép đầu tư ra ngoài dưới các hình thức như gửi tiền tại các ngân hàng, tham gia góp vốn, mua cổ phần… Theo ông hoạt động đầu tư ra ngoài có hiệu quả không?
Hoạt động đầu tư ra ngoài chỉ là một nhiệm vụ đặt ra cho đầy đủ chức năng. Còn trên thực tế, vốn của công ty này không nhiều, chỉ có khoảng 500 tỷ đồng, mà lại phải giải quyết khoản nợ mấy trăm nghìn tỷ đồng, cao gấp hàng trăm lần. Việc ứng phó, giải quyết nhiệm vụ được giao cũng chưa phải có điều kiện thì làm sao mà đầu tư ra ngoài được. Tất nhiên, những dự án khả thi thì công ty này vẫn có thể tham gia. Nhưng tôi thấy, những điều kiện để đầu tư ra nước ngoài là chưa có.
TS. Cao Sỹ Kiêm.
Cần đề phòng sự móc ngoặc, vụ lợi
Nhân sự tham gia công ty Khai thác Quản lý Tài sản đều là các cán bộ ngân hàng. Theo ông liệu có xảy ra tình trạng móc ngoặc giữa công ty với các ngân hàng để được hưởng sự ưu ái?
Vấn đề này có hai mặt. Những người đã làm quen ở các ngân hàng thương mại sẽ nắm rõ từng vấn đề và theo dõi hệ thống được tỉ mỉ. Khi tham gia VAMC, họ sẽ hiểu được những bế tắc, đề ra những biện pháp xử lý nhanh gọn và sát với thực tế. Đó là mặt tích cực, còn nếu cơ chế không chặt chẽ, quản lý không tốt thì tình trạng lợi dụng, mách nước, cục bộ cũng có thể xảy ra. Tuy nhiên, ngay khi bàn, Chính phủ, Quốc hội đã đi đến thống nhất phải có một cơ chế giám sát chặt chẽ VAMC. Các quy trình mua, bán nợ của VAMC đều thể hiện qua hồ sơ (tài sản nợ, tài sản thế chấp, được mua thế nào, giá bao nhiêu) với một Hội đồng thẩm định nợ, thẩm định giá gồm rất nhiều thành phần từ đại diện NHNN, Bộ Tài chính, Công an, Viện Kiểm sát. Hoạt động hằng năm của VAMC đều phải kiểm toán và báo cáo Kiểm toán Nhà nước xem xét.
Có ý kiến cho rằng, cơ chế hành chính can thiệp sâu vào việc mua bán nợ xấu sẽ dễ dẫn đến lợi ích nhóm trong hoạt động này? Ông có đồng tình với quan điểm ấy?
Vấn đề này cũng sẽ có hiện tượng và thậm chí sẽ có thêm nhiều nảy sinh khác. Quan trọng hơn là cơ quan Nhà nước cũng như VAMC muốn công ty này hoạt động có hiệu quả, chất lượng, uy tín thì buộc phải có chế tài chặt chẽ. Nếu không kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ và chế tài xử lý nghiêm minh thì những kẻ vụ lợi sẽ lợi dụng kẽ hở mà kiếm lời.
Theo ông, có nên cho các đơn vị tư nhân tham gia vào xử lý nợ xấu?
Hiện tại, Nhà nước ta cũng chỉ ra chính sách cơ chế và công ty này hoạt động độc lập theo chính sách luật pháp, tự chịu trách nhiệm chứ không gắn chặt với Nhà nước. Chúng ta cũng có thể nghĩ đến việc cho tư nhân tham gia vào giải quyết nợ xấu nhưng cũng phải tiến dần dần vì ở nước ta, tư nhân chưa đủ điều kiện và năng lực để tham gia.
Nên cho tư nhân tham gia mua bán nợ xấu
Đó là nhận xét của Ths. Bùi Ngọc Sơn, viện Kinh tế Chính trị thế giới. Theo ông Sơn, với công ty VAMC, nếu các nguyên tắc của cơ chế thị trường được áp dụng đầy đủ thì khả năng xảy ra cơ chế xin - cho là rất lớn.
Thưa ông, nhiều chuyên gia lo ngại, với vốn điều lệ 500 tỷ đồng, nhiều nghi vấn đặt ra VAMC sẽ khó giải quyết được triệt để khoản nợ xấu đã lên tới hàng trăm nghìn tỷ theo con số của NHNN?
Đó là những lo ngại rất chính đáng. Người ta nghĩ rằng VAMC hoạt động cũng chỉ là đưa ra được một cơ chế khởi động thôi. Còn số vốn cần phải nhiều lắm chỉ từng đó thôi thì rất khó giải quyết được khoản nợ gấp đó nhiều lần. Quy mô số vốn mà công ty có để đứng ra giải quyết có vẻ chẳng thấm tháp gì với số nợ xấu lớn đang tồn đọng.
Vấn đề thứ hai là VAMC cho biết, sẽ giải quyết theo cách phát hành trái phiếu, tức là lấy tiền trong nền kinh tế giải quyết các khoản nợ đó thì sẽ giải quyết thế nào. Tôi thấy con đường về nguồn vốn chưa rõ ràng, công ty này không công bố rõ đấy là tiền từ ngân sách hay vay từ nước ngoài. Chưa kể, với một lượng nợ xấu lớn như hiện nay thì có ai dám mua hay không?
Ths. Bùi Ngọc Sơn, viện kinh tế chính trị thế giới
Cán bộ của công ty Khai thác Quản lý Tài sản đều là cán bộ các ngân hàng. Liệu có xảy ra tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” trong vấn đề mua nợ xấu giữa các ngân hàng hay không?
Nhìn danh sách nhân sự, đương nhiên nhiều người không khỏi cảm thấy nghi ngờ về cái gọi là lợi ích nhóm. Tôi nghĩ, Nhà nước nên lập ra các hành lang pháp lý để cho tư nhân được tham gia vào mua bán nợ xấu thì nó thành thị trường. Còn không, nếu để như hiện tại thì rất dễ xảy ra tình trạng như bạn nói là cơ chế xin - cho. Mua của ai, ai được bán và bán với giá nào?
Theo ông, công ty này ra đời sẽ giải quyết được khoảng bao nhiêu phần trăm nợ xấu?
Có người cho rằng VAMC sẽ giải quyết được khoảng 100.000 tỷ. Tuy nhiên, theo vị Giám đốc công ty này thì con số đó sẽ là 50.000 đến 70.000 tỷ đồng. Thực tế để đánh giá hiệu quả của một công ty, đặc biệt là công ty đặc thù như VAMC thì yếu tố vốn của họ được đặt lên hàng đầu. Đặt trường hợp nếu có số tiền vốn vừa để giải quyết thì có chắc việc giải quyết khoản nợ đó thành công không khi mà còn rất nhiều điều chưa rõ ràng. Đến bây giờ nhiều ngân hàng vẫn còn chưa ngã ngũ thế nào là tự nguyện và thế nào là nợ xấu, buộc phải bán. Nếu buộc phải bán thì giá của số nợ đó cũng phải theo VAMC hay thế nào.
Trên thế giới, đơn vị nào làm ăn kinh doanh mà để nảy sinh quá nhiều nợ xấu thì phải đối diện với nguy cơ phá sản và phải chịu siết nợ. Nhà nước chỉ việc tạo ra khung pháp lý để các đơn vị siết nợ giải quyết đống tài sản của các công ty thua lỗ. Các công ty này sẽ phân tích các khoản thu, các tài sản, tìm cách giải quyết nợ nần để thu lời cho mình. Vì thế, Nhà nước chỉ cần tạo khung pháp lý là thị trường vận hành ngay. Như vậy là tài sản sẽ luôn luôn luân chuyển từ người không có năng lực sang người có năng lực và phát huy được hiệu quả kinh tế. Như thế, nền kinh tế sẽ luôn luôn mới mẻ. Nợ xấu là vấn đề lâu dài của nền kinh tế nên Nhà nước không phải khi nào cũng đi giải quyết thay các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ được.
VAMC nhận được rất nhiều ưu đãi về cơ chế tài chính đặc thù về tiền lương, thưởng, không phải lập dự phòng cho các khoản nợ xấu đã mua. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại về hiệu quả hoạt động của công ty mua bán nợ xấu. Các nguyên tắc của cơ chế thị trường liệu có được áp dụng đầy đủ hay thay vào đó là một cơ chế nào đó?
Có quá nhiều biện pháp hành chính, can thiệp quá sâu vào hoạt động VAMC. Như việc buộc các ngân hàng phải bán nợ, trong khi cơ quan thanh tra, giám sát sẽ thẩm định quá trình mua theo giá thị trường. Nếu công ty đó không hoạt động theo cơ chế của thị trường thì lại theo cơ chế xin - cho, quản lý hành chính. Khi không có thị trường thì các tín hiệu phóng ra ngoài thị trường rất sai lệch. Việc phân bổ tài nguyên quốc gia sẽ không hợp lý khi chỗ cần thì không được hưởng mà chỗ không cần lại dễ dàng được nhận. Từ xưa đến nay, chúng ta đã có rất nhiều bài học rồi. Với tất cả những điểm không rõ ràng, khúc mắc như thế thì những lo ngại trên là hoàn toàn có cơ sở.
Xin cảm ơn ông!
Cộng đồng doanh nghiệp và ngân hàng chưa hào hứng với VAMC Khi được hỏi về việc VAMC không được các doanh nghiệp chào đón, ĐBQH Cao Sỹ Kiêm cho rằng, bởi vì công ty này mới đi vào thực hiện nên các doanh nghiệp chưa biết sự hiệu quả đến đâu. Tuy nhiên, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp với VAMC chắc chắn chỉ có mức độ. So với cách đây 3 năm, doanh nghiệp hiện chỉ còn số lượng một nửa. Tuy nhiên, chỉ cần VAMC giải quyết được 30% tổng nợ xấu là đã được xem là thành công ban đầu. Hơn nữa, VAMC ra đời cũng chỉ giải quyết một cách tương đối việc xử lý nợ xấu, vừa đảm bảo quyền lợi ngân hàng, doanh nghiệp, vừa không tạo tiền lệ Nhà nước đứng ra cứu giúp. Việc mỗi năm ngân hàng phải trích 20% cho trái phiếu đặc biệt có thể khiến ngân hàng không hào hứng. |
P.V