Tranh cãi vì “Nguyễn Dữ là cha đẻ thơ sexy Việt Nam”

Tranh cãi vì “Nguyễn Dữ là cha đẻ thơ sexy Việt Nam”

Thứ 5, 27/12/2012 23:42

Nhiều đọc giả sửng sốt với thông tin "Nguyễn Dữ là cha đẻ của dòng thơ sexy Việt Nam" trong cuốn sách "Văn học trung đại Việt Nam" (tập 2, do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội ấn hành)...

Trong mấy ngày gần đây, dư luận và sinh viên ngành Văn học cả nước xôn xao khi thấy trong cuốn giáo trình dành cho sinh viên chuyên ngành Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội có đoạn: "Nguyễn Dữ không chỉ là cha đẻ của chủ nghĩa nhân văn, mà còn là cha đẻ của dòng thơ sexy Việt Nam".

Xã hội - Tranh cãi vì “Nguyễn Dữ là cha đẻ thơ sexy Việt Nam”

Bìa cuốn sách Văn học trung đại Việt Nam tập 2 do NXB Đại học Sư phạm Hà Nội ấn hành

Sốc với khái niệm "cha đẻ thơ sexy Việt Nam"

Dạo qua một số nhà sách quanh khu vực Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chúng tôi thấy cuốn sách này được bày bán rất nhiều. Ở cửa hàng giới thiệu sách của Nhà xuất bản Đại học sư phạm Hà Nội, sách được xếp trên kệ, rất ngay ngắn. Cuốn sách này dành cho sinh viên năm thứ ba khoa Ngữ văn. Lật vào trang 52 của cuốn sách này, chúng tôi không khỏi bất ngờ với những thông tin: "Ngôn ngữ thơ ca nhờ tính ước lệ tượng trưng đã thanh lọc những cái thô nhám của đời thường, biến chuyện phòng kín thành cái đẹp mang ý nghĩa xã hội - thẩm mĩ. Chúng ta có thể lướt qua một vài bài thơ dạng này của Nguyễn Dữ trong các truyện Cây gạo, Cuộc kì ngộ ở trại Tây…".

Cuốn sách còn có đoạn: "Những bài thơ của Nhị Khanh (truyện Cây gạo), của Liễu Nhu, Đào Hồng, Hà Nhân (truyện Cuộc kì ngộ ở trại Tây)… đã thực sự tạo thành một dòng thơ sexy trong văn học Việt Nam trung đại. Bởi vậy, Nguyễn Dữ không chỉ là cha đẻ của chủ nghĩa nhân văn, mà còn là cha đẻ của dòng thơ sexy Việt Nam".

Minh Hương, sinh viên năm thứ ba (Khoa Ngữ văn, ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết: "Em rất bất ngờ khi đọc được thông tin này trong cuốn sách. Nghe nó lạ và "hiện đại" quá!. Chúng em chưa nghe nói đến điều này bao giờ. Ai cũng biết Nguyễn Dữ là nhà văn chứ không phải là nhà thơ. Ông được biết đến với tác phẩm "Truyền kỳ mạn lục", làm sao tác phẩm này của ông lại có thể nói là đề cập đến vấn đề "sexy" được?...".

Cùng lớp với Minh Hương, bạn Nguyễn Hoa thì chia sẻ: "Bọn em là sinh viên sư phạm, được đào tạo để trở thành những cô giáo, thầy giáo dạy Văn trong tương lai. Với những thông tin "gây sốc" như thế này, bọn em rất cần những lời giải thích kín kẽ và hợp lý. Nếu không có kiểm chứng và thẩm định thì rất nguy hiểm cho nhiều thế hệ học trò".

Một cô giáo dạy môn Văn ở một trường trung học phổ thông trên quận Tây Hồ - Hà Nội (xin giấu tên) cho biết: "Qua bốn năm được đào tạo ở Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, tôi cũng không được học thông tin này. Trong những lần đi bồi dưỡng thêm kiến thức sư phạm, chúng tôi cũng không thấy bổ sung thêm thông tin…".

Xã hội - Tranh cãi vì “Nguyễn Dữ là cha đẻ thơ sexy Việt Nam” (Hình 2).

Ông Đinh Văn Vang - Tổng biên tập NXB Đại học Sư phạm Hà Nội

Người đứng tên chưa hẳn là người viết?

Trao đổi với PV Người đưa tin, Tiến sĩ Bùi Việt Thắng (nguyên giảng viên Khoa Văn học, Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội) cho biết: "Nếu một luận điểm khoa học như "Nguyễn Dữ là cha đẻ của dòng thơ sexy Việt Nam" đưa vào giáo trình cho sinh viên đại học mà chưa được nghiên cứu kỹ thì rất không ổn. Bởi sau khi được đào tạo, các em sinh viên sẽ tỏa ra khắp các vùng để day học, và truyền đạt những kiến thức đã lĩnh hội được ở nhà trường. Trong lịch sử văn học trung đại cũng chưa có tài liệu nào nói về vấn đề này. Nguyễn Dữ nổi tiếng với tập "Truyền kỳ mạn lục" và đây không phải là tập thơ, nên nói ông là nhà thơ là cũng chưa đúng".

Còn Tiến sĩ Phạm Tuấn Vũ, giảng viên Văn học trung đại (Khoa Ngữ văn, Đại học Vinh) cho biết: "Thông tin Nguyễn Dữ là cha đẻ của thơ sexy Việt Nam là không đúng. Vì từ trước đến nay, Nguyễn Dữ chỉ nổi tiếng với tác phẩm "Truyền kỳ mạn lục", đây là một tác phẩm văn xuôi, thì không thể gọi ông là nhà thơ được. Trong tác phẩm truyền kỳ này có xen một số bài phú, văn tế. Tuy nhiên, những bài này cũng không thể gọi là thơ được. Thơ hồi ấy được công nhận chỉ có thơ Đường luật (8 hoặc 4 câu) thôi. Nguyễn Dữ là một nhà Nho, ông có tư tưởng rất kiên định. Vì thế, người đưa ra thông tin trên cần kiểm chứng lại hoặc cũng không loại trừ trường hợp là sách in ra chỉ đứng tên chủ biên thôi, còn người viết lại lại một người khác!?...".

Còn phó Giáo sư Lê Dục Tú (Viện văn học Việt Nam) nhận xét: "Với tư cách là một nhà nghiên cứu văn học, tôi cho rằng những thông tin trên là chủ quan, là cách nhìn cá nhân của một người chứ không phải là cái nhìn của lịch sử và nhà nghiên cứu. Nguyễn Dữ từ trước đến nay đều được nhìn nhận là người viết văn xuôi, là nhà văn, chứ không phải là nhà thơ. Người làm sách nên hiểu thấu đáo các vấn đề rồi hãy viết. Để xảy ra những thông tin như vậy, có thể người thẩm định sách đã không đọc kỹ, bỏ qua trang ấy, chi tiết ấy hoặc là họ đã không hiểu về Văn học trung đại Việt Nam" - PGS Tú nói.

Ông Đinh Ngọc Bảo - Giám đốc Nhà xuất bản cho biết: "Cho đến bây giờ, chúng tôi chưa nhận được thông tin phản hồi gì từ phía độc giả và giới chuyên môn. Chúng tôi sẽ kiểm tra thông tin và sẽ có liên lạc sớm nhất với báo chí".

Trong khi đó, Tiến sĩ Đinh Văn Vang - Tổng biên tập Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: "Tôi đã biết được thông tin này từ các trang mạng và đang xác minh các thông tin. Cuốn sách Văn học trung đại Việt Nam tập 2 là sách dự án của Bộ Giáo dục & Đào tạo, được xuất bản theo dự án ADB. Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội là đơn vị trúng thầu xuất bản sách nhưng không phải là đơn vị thẩm định nội dung cuốn sách. Chúng tôi chỉ được phép biên tập, sửa chính tả, chứ không được tham gia sửa nội dung cuốn sách".

Sẽ thu hồi sách nếu thông tin sai

Tiến sĩ Đinh Văn Vang - Tổng biên tập Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội nói: "Chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại thông tin và báo lại với những người làm sách. Nhưng theo tôi được biết, những người viết sách là người có nhiều kinh nghiệm giảng dạy trên giảng đường đại học. Hiện giờ, tôi chưa dám khẳng định thông tin này là đúng hay sai, mà cần thời gian để thẩm định. Tuy nhiên, nếu thông tin sai thì chúng tôi sẵn sàng thu hồi sách và sửa lại cho đúng".

Lạc Thành


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.