Khi 2 giải "giẫm chân" lên nhau
Được khởi động từ năm 2003, tính đến nay, giải Cánh diều đã ra đời tròn một thập kỷ nhưng vẫn chưa thể "bay cao và bay xa". Tương tự như vậy, giải Bông sen cũng đã đến tuổi trưởng thành (18 mùa giải) nhưng vẫn liên tục bị đánh giá là thụt lùi và tẻ nhạt. Thêm vào đó, tuy tách rời và khác nhau từ khâu tổ chức đến tư duy trao giải nhưng hai "sân chơi" này vẫn bị đánh giá là "na ná" như nhau và rất nhạt. Vì thế, có thể dễ dàng lý giải vì sao ý kiến hợp nhất hai giải thưởng này làm một lại được ra đời và phương án này có vẻ là khá phù hợp trong bối cảnh phát triển của điện ảnh Việt hiện nay. Thế nhưng, thực tế cho thấy việc "hợp nhất" giải nghề nghiệp và giải quốc gia làm một là vấn đề rất khó khăn.
Các giải thưởng điện ảnh chuyên môn vẫn bị đánh giá là nghiệp dư.
Nhà biên kịch Đình Kính phân tích rằng: "Nếu như ở lĩnh vực văn học, chúng ta chỉ có hội Văn học Việt Nam thì ở điện ảnh Việt ngoài sự tham gia của hội Điện ảnh Việt Nam còn có sự quản lý của cục Điện ảnh thuộc bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH, TT & DL). Theo đó, hai giải thưởng điện ảnh, một do Hội (Giải Cánh diều), một do Cục (giải Bông sen) tổ chức có sát nhập được hay không và nên sáp nhập như thế nào phải có sự thống nhất của hai "ông lớn" này. Dễ thấy là, giải thưởng được trao cho tác phẩm như thế nào thì nó sẽ định hướng và khuyến khích cho điện ảnh phát triển theo hướng như thế ấy.
Thực tế là hiện nay chúng ta đang có hai giải thưởng điện ảnh chồng chéo lên nhau và đều chưa đủ sức thuyết phục. Trong chín hội chuyên ngành của Việt Nam, cũng chỉ có duy nhất điện ảnh là có hai giải, còn lại văn chương, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh… đều chỉ có một giải hàng năm. Vì thế không nên để hai giải mà chỉ nên có một giải điện ảnh hàng năm trao cho phim xuất sắc nhất, còn ai đứng ra chủ trì - Cục hay Hội thì có thể bàn thảo và đi đến thống nhất chung. Việc trao giải hàng năm vừa mang tính thời sự vừa kịp thời động viên và khuyến khích các nhà làm phim hơn".
Có thể thấy Cánh diều và Bông sen vốn là hai giải thưởng uy tín và chính ngạch nhất của điện ảnh Việt. Những giải này được tính để xét nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú cũng như góp mặt vào việc xin giải thưởng Nhà nước của giới làm nghề. Phần việc tổ chức và xét thưởng các giải này vừa chiếm 1/3 công việc hàng năm của Hội hay Cục điện ảnh, vừa tốn rất nhiều kinh phí của Nhà nước. Thế nhưng hai giải này đều có rất nhiều "sạn" tồn tại và không nâng cao được chất lượng điện ảnh Việt.
Nếu như ở Cánh diều, đa phần phim được trao giải đều chưa ra mắt công chúng tại thời điểm công bố kết quả; Tiêu chí chấm giải không rõ ràng, đề cử được công bố cập rập ngay đêm chung kết và thành phần Ban giám khảo chưa "ổn" thì ở Bông sen, người ta đã quen với điệp khúc "thừa lượng, thiếu chất" hay "thiếu phim hay thừa thảm họa".
Nói về điều này, nhà biên kịch Đình Kính bày tỏ rằng: "Xét về chất lượng và cách tổ chức thì LHP Quốc gia (giải Bông sen) có nhỉnh hơn vì do cục Điện ảnh "đỡ đầu" nhưng nhìn chung, giải thưởng của ta vẫn luộm thuộm, thiếu khoa học và chất lượng giải chưa cao dù giải nào cũng đều cho mình là "Oscar". Phim của ta nói đến cùng vẫn là kém về chất và chưa hay, vì thế nên vị thế giải thưởng cũng không được quần chúng đề cao. Năm nào cũng "lẩn quẩn" mấy bộ phim "dẫm" lên nhau, giải thưởng thì có tính chất chia đều nên không thể kỳ vọng quá nhiều vào kết quả đạt được từ các giải này".
Ông cũng cho rằng, trong các kỳ LHP, cung cách tổ chức và cung cách chấm giải đều "có vấn đề". Cung cách tổ chức không đổi mới, không hấp dẫn và không cuốn hút. Cung cách chấm giải vẫn theo lối mòn. Người chấm giải thiếu khách quan đã đành, mà người mang phim dự liên hoan cũng rất cần khách quan trong việc đánh giá phim của mình và phim của người khác làm. Và nên chăng, trước khi liên hoan chính thức, nên tổ chức "sơ khảo" để số lượng phim dự liên hoan đừng quá nhiều, dẫn đến việc làm loãng và làm giảm chất lượng giải. Thêm vào đó, số lượng phim nhiều cũng khiến Ban giám khảo mệt mỏi, chấm không chính xác trong khi quyền "sinh sát" lại nằm trong tay họ. Theo đó, ông cho rằng, nên tập trung vào một giải phim duy nhất để nâng cao vị thế các giải thưởng điện ảnh hơn.
Không có vòng sơ loại, các bộ phim "thảm họa" vẫn xuất hiện đầy rẫy trong các LHP.
Còn nhiều "rào cản"
Nói về việc "liên hoan nào, giải thưởng đó", nhà biên kịch Đình Kính tỏ ra thất vọng: "Người ta chẳng vẫn nói, giám khảo nào thì giải thưởng ấy đó sao? Mới đây, giải Bông sen vàng trong LHP Việt Nam lần thứ thứ 18 "chia đều" cho hai bộ phim Những người viết huyền thoại và Scandal - Bí mật những góc khuất, đó là quyền của Ban tổ chức và Ban giám khảo liên hoan lần thứ 18. Còn chấp nhận hay không, đánh giá thế nào là quyền của người xem, của khán giả. Người xem, khán giả và Ban giám khảo không đồng nhất cũng là thường tình".
Ông chia sẻ rằng, không một liên hoan nào, không một giải thưởng nào có thể làm hài lòng tất cả mọi người. Vì vậy, sau mỗi kỳ liên hoan, có nhiều tiếng ra, tiếng vào là chuyện khó tránh. "Thực tế là, quanh đi quẩn lại trong các kỳ liên hoan vẫn từng ấy đạo diễn, với từng đó bộ phim, không có sự đổi mới về đề tài cũng như chất lượng. Đấy là tình trạng đáng buồn của điện ảnh Việt. Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến từng nói một câu rằng: "Cái nước mình nó thế!", tôi xin đổi mấy chữ thành: "Cái Điện ảnh nước mình nó thế!". Ban tổ chức phải cố gắng để sau mỗi lần liên hoan, giảm thiểu tối đa những phản ứng, đây là phần việc khó nhưng không phải không làm được. Nếu có một Ban tổ chức, Ban giám khảo công tâm, có năng lực tổ chức, năng lực thẩm định và không chịu bất kỳ sức ép nào, bất kỳ áp lực nào ngoài sức ép và áp lực nghệ thuật... thì kết quả sẽ "sáng sủa" hơn rất nhiều", ông bày tỏ.
Còn nhà biên kịch Long Khánh - Chủ tịch chi hội Điện ảnh Việt Nam tại Hải Phòng phân tích rằng, trên thế giới, mỗi LHP đều có tiêu chí rõ ràng thì ở ta tiêu chí giải thưởng thường rất "mông lung" nên mới hay phải nhận "gạch, đá" từ dư luận. Điểm sáng là 1,2 năm trở lại đây, hội đồng giám khảo đã tiến bộ hơn, vì có sự góp mặt của các Chủ tịch hội đồng phim truyện ở các tỉnh, các đạo diễn, nghệ sĩ nhân dân hay các giáo sư có tên tuổi. Thế nhưng nhìn chung, chất lượng giải mỗi năm vẫn càng kém và sụt giảm đi.
Ông chia sẻ rằng, dù giải thưởng mỗi năm "nhạt" thêm nhưng người ta vẫn phải cố làm vì điều đó chứng tỏ điện ảnh còn sống và hoạt động. Thêm vào đó, ngoài việc chúng ta vẫn chưa có phim hay, thì gần đây, lại "lộ" ra một điểm đáng buồn là một số giải thưởng phim quốc gia đã bị các đạo diễn Việt kiều như Victo Vũ hay Cherry Nguyễn "nẫng tay trên". Các đạo diễn này có tiền, có kỹ xảo nên phim họ làm "lấn áp" phim nội và có nhiều cái hay, cái mới. Nhưng phim của họ lại xa rời bản sắc dân tộc và bị đánh giá là lạ hoắc, ví như phim của Victo Vũ chỉ xoay quanh chuyện yêu đương của người trẻ và tâm lý của thanh thiếu niên mà không nói về dân tộc, đất nước nên không được giới làm phim ở ta đón nhận.
Nhớ lại những phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh làm cách đây mấy chục năm như Bao giờ cho đến tháng mười, Thương nhớ đồng quê... mang đậm bản sắc dân tộc và được các nhà làm phim trong nước lẫn nước ngoài đánh giá cao, nhiều người mê điện ảnh ở thời điểm hiện tại không khỏi thở dài ngao ngán vì dù có "mỏi mắt" chờ mong cũng khó có thể tìm thấy phim hay trong các kỳ liên hoan phim của điện ảnh nước nhà. Và, mọi mong ước với điện ảnh Việt vẫn chỉ là kỳ vọng.
"Một thế mạnh phim Việt Nam có thể sánh ngang với nước ngoài ở các giải phim quốc tế là ở thể loại phim tài liệu. Phim tài liệu Việt có thể có cơ hội đoạt giải nhưng phim truyện thì còn lâu lắm. Mặt khác, với việc Nhà nước đầu tư điện ảnh "eo hẹp" như hiện nay thì còn lâu lắm chúng ta mới theo kịp thế giới. Dễ thấy là thứ nhất, chúng ta chưa có một trường quay ra hồn, thứ hai các đạo diễn chưa được học hành "đến nơi đến chốn". Điện ảnh nước nhà có nảy sinh một vài người có tài thì lại không được lãnh đạo Hội và Cục thích thú", nhà biên kịch Long Khánh chia sẻ. |
Loan Thanh