Theo dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) dự kiến giữ nguyên mức điểm cộng ưu tiên khu vực. Thí sinh khu vực 1 (KV1) được cộng 0,75 điểm, khu vực 2 nông thôn (KV2-NT) là 0,5 và khu vực 2 (KV2) là 0,25 điểm.
Tuy nhiên, dự thảo đưa ra điểm mới là cộng ưu tiên khu vực chỉ áp dụng vào năm thí sinh tốt nghiệp THPT. Nghĩa là những thí sinh tốt nghiệp từ các năm trước (thí sinh tự do) nếu thi lại để lấy kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng sẽ không được cộng điểm ưu tiên. Trong khi đó quy định cũ cho phép cộng điểm với cả những thí sinh này.
Nhiều thí sinh cho rằng, để vào trường top đầu, nửa điểm ưu tiên khu vực cũng có thể quyết định việc trượt hoặc đỗ. Chưa kể, một số ngành năm ngoái lấy tới 30 điểm thì vai trò của điểm ưu tiên khu vực càng quan trọng. Chính vì thế dự thảo quy định này khiến nhiều thí sinh dự do cho rằng không hợp lý và bất công với các em.
"Năm em thi đại học, em chỉ thiếu 0,1 điểm để đỗ vào ngôi trường mình mong ước. Năm nay, em quyết tâm ôn luyện để thi lại. Gia đình không có điều kiện nên em vừa làm vừa học, có bạn vừa học đại học vừa ôn thi.
Lâu nay, em xác định ôn thi lại vẫn được cộng điểm vùng, em cũng xác định khoảng điểm của mình cần đạt được. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT lại xây dựng quy chế bỏ điểm ưu tiên của thí sinh tự do, em cảm thấy thất vọng vì thông tin đến quá đột ngột.
Chưa kể có những bạn thí sinh chưa tham gia kỳ thi tuyển sinh vì nhiều lý do như đi nghĩa vụ quân sự, đi làm để có kinh tế học tập... các bạn ấy vẫn quyết tâm ôn thi lại để vào ngôi trường mình mong ước. Những thí sinh tự do đó chưa được cộng điểm thì công bằng ở đâu?
Thí sinh tự do đã gặp rất nhiều khó khăn, Bộ GD&ĐT còn thay đổi ở phút chót. Điều này đã tạo ra áp lực rất lớn cho chúng em. Nếu bỏ điểm ưu tiên khu vực để tạo công bằng thì em mong Bộ GD&ĐT hãy bỏ hết toàn bộ", tờ Lao Động đăng tải ý kiến của em Nguyễn Anh (Lai Châu), là thí sinh tự do.
Đối với vấn đề này, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh (Đại học Công nghiệp Thực phẩm Tp.HCM) bày tỏ quan điểm, nên bỏ cộng điểm ưu tiên khu vực bởi khoảng cách về điều kiện học tập ở các địa phương đang được thu hẹp.
Chính sách cộng điểm này không còn nhiều ý nghĩa, lại có thể tạo sự bất công cho thí sinh. Ở các trường top trên, thí sinh đậu hay trượt chỉ cách nhau 0,1-0,2 điểm; trong khi điểm cộng khu vực tối đa là 0,75. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT có thể hỗ trợ thí sinh ở khu vực khó khăn bằng nhiều chính sách khác.
Trong khi đó, TS Lê Viết Khuyến, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam lại cho rằng nên giữ quy định cộng điểm ưu tiên cho tất cả các đối tượng, dù là thí sinh dự thi tốt nghiệp năm nay hay thi các năm trước. Theo ông Khuyến, cộng điểm ưu tiên nhằm khuyến khích, hỗ trợ các thí sinh vùng nông thôn có điều kiện học tập khó khăn hơn thành thị.
“Theo tôi, chỉ nên bỏ điểm ưu tiên khi đã đảm bảo được sự bình đẳng, công bằng giữa các vùng miền, khu vực. Tại Việt Nam, sự thụ hưởng từ phúc lợi xã hội còn chưa đồng đều, do vậy vẫn cần phải có những sự ưu tiên như thế.
Đối với thí sinh tự do, dù thi lại nhưng hoàn cảnh của các em vẫn không thay đổi, vẫn học ở khu vực ưu tiên và phải chịu nhiều thiệt thòi, tại sao lại có sự phân biệt và loại các em ra như vậy?
Chưa kể, nhiều thí sinh phải vất vả kiếm sống, do không đủ tiền đi học nên phải chấp nhận ở nhà đợi sang năm sau mới thi. Sau một thời gian, đời sống được cải thiện, họ mới có cơ hội được tiếp tục đi học. Với những đối tượng này vẫn nên được ưu tiên, khuyến khích”, TS Lê Viết Khuyến chia sẻ trên Infonet.
Cũng liên quan đến vấn đề bỏ việc cộng điểm ưu tiên cho thí sinh tự do, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) giải thích, quy định này nhằm đảm bảo tính công bằng giữa hai nhóm thí sinh: học sinh 12 chuẩn bị thi tốt nghiệp và những em đã tốt nghiệp, thi để xét tuyển đại học.
"Các thí sinh đã tốt nghiệp năm trước thì có lợi thế về cơ hội học tập, ôn luyện, thời gian nhiều hơn hẳn so với các em dự thi tốt nghiệp lần đầu. Nhiều trường hợp các em có điều kiện chuyển đến các địa phương, các thành phố để học tập, tập trung ôn thi, mà chỉ ôn thi 1 số ít môn thôi. Trong khi đó, các thí sinh chuẩn bị chuẩn bị tốt nghiệp năm nay dùng điểm đó để xét tuyển vào đại học, đang học rất nhiều môn và chịu áp lực rất lớn để vừa thi tốt nghiệp vừa xét tuyển đại học. Ngoài ra, chúng tôi biết có khá nhiều thí sinh đã đỗ vào các trường đại học ở năm trước và sau khi học 1 năm thì chọn thi lại, cạnh tranh với chính các em thí sinh năm nay mới thi tốt nghiệp lần đầu. Để đảm bảo tính công bằng hơn nữa cho các thí sinh xét tuyển ĐH-CĐ, ở đây là các thí sinh chuẩn bị dự thi tốt nghiệp, Dự thảo quy chế đưa ra quy định theo hướng thí sinh ở các vùng hưởng chế độ ưu tiên khu vực, chỉ được hưởng chính sách ưu tiên khu vực 1 lần ngay năm đầu tiên tốt nghiệp THPT. Như vậy là công bằng cho tất cả các thí sinh", bà Thủy nói.
Theo VOV, quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2022 lấy ý kiến đóng góp cho đến ngày 31/5. Bộ GD&ĐT sẽ tiếp nhận các ý kiến và tiếp thu hoàn thiện Dự thảo theo hướng có lợi và phù hợp nhất với các thí sinh, cơ sở đào tạo và toàn hệ thống.
Minh Hoa (t/h)