Hà Nội: Tranh cãi việc sử dụng quỹ bảo trì chung cư

Hà Nội: Tranh cãi việc sử dụng quỹ bảo trì chung cư

Thứ 6, 23/08/2024 10:52

Nhiều cư dân tại Chung cư CT1 (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Tp.Hà Nội) phản ánh về việc nhiều khoản chi từ quỹ bảo trì chung cư không có hoá đơn VAT.

Tranh cãi việc dùng VAT

Thông tin tới Người Đưa Tin, nhiều cư dân tại Chung cư CT1 (địa chỉ tổ 22, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Tp.Hà Nội) cho biết, từ khi bầu Ban quản trị (BQT) năm 2022 đến trước thời điểm tổ chức Hội nghị nhà chung cư ngày 20/1/2024, việc sử dụng quỹ bảo trì để thanh toán các khoản chi đều không có hóa đơn giá trị gia tăng (VAT).

Số tiền chi từ quỹ bảo trì hàng năm lên tới hàng trăm triệu đồng. Đơn cử, theo báo cáo của BQT, số tiền chi từ tháng 9/2022 đến tháng 7/2023 là trên 292 triệu đồng. Điều này có thể vi phạm quy định pháp luật, gây thất thoát ngân sách và khó khăn khi cư dân giám sát thu chi tài chính.

Hà Nội: Tranh cãi việc sử dụng quỹ bảo trì chung cư- Ảnh 1.

Cụm chung cư CT1 tại tổ 22, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Tp.Hà Nội.

Trước những ý kiến phản ánh, tại Hội nghị nhà chung cư tổ chức vào ngày 21/1/2024, có 25/25 ý kiến (100%) lượng người tham dự đã thống nhất chỉ xuất hoá đơn với số tiền trên 2.000.000 đồng. Theo một số cư dân, phản ánh sau đó việc xuất hoá đơn với số tiền trên vẫn không đúng quy định.

Thông tin với PV về vấn đề trên, ông Nguyễn Anh Tuấn- Trưởng BQT và ông Nguyễn Minh Đức- Phó BQT Chung cư CT1 Yên Nghĩa cho biết, việc BQT không làm hoá đơn đều là thực hiện theo ý kiến cư dân.

Tại Hội nghị chung cư từ khi thành lập năm 2022, BQT khoá trước đã xin ý kiến cư dân về việc không dùng hoá đơn VAT. Nguyên nhân do cư dân không muốn mất thêm % thuế vào hoá đơn, mục đích cũng là muốn tiết kiệm tiền cho chính cư dân?!

Ông Tuấn cho biết thêm, tại Hội nghị bất thường nhà chung cư tổ chức vào ngày 20/8/2023 (thời điểm ông Tuấn được bầu làm Trưởng BQT), hội nghị cũng lấy ý kiến sử dụng thuế VAT hay không? Kết quả có 20/25 ý kiến đồng ý không sử dụng (đạt 80%).

Đại diện BQT nêu căn cứ thêm, việc sử dụng phí bảo trì là chi tiêu nội bộ, không phải báo cáo phường, tổ dân phố hay cơ quan tài chính của quận. Đơn vị này cũng đã tham khảo ý kiến các toà CT2 và CT3 cũng không sử dụng VAT.

PV đặt câu hỏi về việc tại Hội nghị nhà chung cư tổ chức ngày 21/1/2024 đã thống nhất chỉ dùng hoá đơn với số tiền trên 2.000.000 đồng. Trong khi quy định tại Thông tư số 78/2021/TT-BTC nêu rõ, mọi trường hợp bán hàng hóa, dịch vụ đều phải lập hóa đơn?

Trả lời câu hỏi này, ông Tuấn cho biết BQT sẽ rút kinh nghiệm về những sai sót. Tuy nhiên, đại diện BQT giải thích thêm, có nhiều khoản chi khẩn cấp, gọi thợ sửa chữa cá nhân thì cũng không thể xuất hoá đơn.

Việc không xuất hoá đơn là tôn trọng ý kiến biểu quyết của cư dân. BQT thực hiện theo và hoàn toàn không có mục đích gì khác. Định kỳ, BQT đều có báo cáo tài chính và giải trình đầy đủ.

Ông Tuấn cho biết, BQT sẽ rút kinh nghiệm về vấn đề trên và lý giải nguyên nhân do thành viên BQT không có kiến thức chuyên môn về vấn đề này, mỗi người đều làm công việc khác và tham gia BQT là kiêm nhiệm thêm.

Để làm rõ thêm vấn đề trên, cũng như một số nội dung liên quan, PV đã gửi Giấy giới thiệu tại UBND quận Hà Đông cũng như liên hệ qua điện thoại với bà Cấn Thị Việt Hà - Chủ tịch UBND quận Hà Đông nhưng không nhận được thông tin phản hồi.

Quy định về xuất hoá đơn thế nào?

Trao đổi với PV về nội dung trên, luật sư Nguyễn Công Tín - Công ty Luật AMI (Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng) cho biết, về nguyên tắc khi lập, quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ được quy định tại Khoản 1, Điều 4, Nghị định 123/2020/NĐ-CP.

Theo đó, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất),…

Hà Nội: Tranh cãi việc sử dụng quỹ bảo trì chung cư- Ảnh 2.

Luật sư Nguyễn Công Tín.

Như vậy, về nguyên tắc, khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ cho người mua, doanh nghiệp phải xuất hóa đơn VAT, khai báo và nộp thuế theo quy định của pháp luật.

Trường hợp bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho BQT nhà chung cư cũng không ngoại lệ, doanh nghiệp bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho BQT nhà chung cư bắt buộc phải xuất hóa đơn VAT (trừ một số ít trường hợp không thuộc đối tượng chịu thuế VAT hoặc trường hợp không phải xuất hóa đơn) để giao cho BQT nhà chung cư.

"Ngay cả khi BQT nhà chung cư và doanh nghiệp có thỏa thuận với nhau về việc không xuất hóa đơn thì thỏa thuận này được xem là trái pháp luật, không có hiệu lực, doanh nghiệp bắt buộc phải xuất hóa đơn theo quy định của pháp luật ngay cả khi người mua không có yêu cầu xuất", luật sư Tín nhấn mạnh.

"Thuế GTGT đóng góp quan trọng vào ngân sách Nhà nước. Theo thống kê của cơ quan quản lý thuế, số thu về thuế GTGT luôn chiếm tỉ lệ cao trong tổng số thu ngân sách Nhà nước. Từ năm 2014 đến năm 2022 luôn chiếm hơn 20% tổng thu ngân sách.

Tuy nhiên, thực trạng hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều hiện tượng doanh nghiệp bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế VAT nhưng không xuất hóa đơn VAT. Việc này là trái với quy định của pháp luật và gây thất thu nghiêm trọng cho ngân sách Nhà nước", luật sư Tín nêu.

Trao đổi thêm với Người Đưa Tin, luật sư Nghiêm Quang Vinh – Giám đốc Công ty luật Nghiêm Quang (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, trường hợp BQT hoạt động có đăng ký con dấu, tài khoản, kế toán, có hoạt động theo hình thức công ty hoặc hợp tác xã thì phải xuất hóa đơn.

Đã hoạt động có con dấu thì việc thuê khoán các khoản phải đăng ký hóa đơn giá trị gia tăng. Nếu không đăng ký thì liên quan đến Luật Thuế, không xuất hóa đơn là trốn thuế.

Hà Nội: Tranh cãi việc sử dụng quỹ bảo trì chung cư- Ảnh 3.

Luật sư Nghiêm Quang Vinh.

Luật sư Vinh cho biết thêm, quỹ bảo trì 2% là nguồn duy trì sự ổn định của chung cư, khi sử dụng quỹ này phải có kế hoạch, họp hội nghị nhà chung cư để thông qua.

"Trường hợp cư dân thống nhất khoán công trình này cho một số đơn vị hoặc cá nhân làm qua việc khoán thợ, khoán theo ngày và trả tiền mặt là phải có người giám sát của chung cư đó. Ngoài BQT còn có ban giám sát, ban giám sát có giám sát hoạt động này hay không? Ý kiến của ban giám sát thế nào? Từ đó, mới đưa ra cuộc họp để đại diện chung cư xem xét", luật sư Vinh cho hay.

"Trong trường hợp mọi người đều không tin tưởng nhau, đề nghị hội nghị nhà chung cư quyết định mời một đơn vị kiểm toán độc lập, kiểm toán tất cả các chi phí để xem đúng hay sai, kết luận vi phạm pháp luật hay không", ông Vinh nêu.

Theo luật sư Nguyễn Công Tín, hành vi không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, tùy theo mức độ có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, về xử lý hành chính được quy định tại Khoản 5, Điều 24, Nghị định 125/2020/NĐ-CP của Chính phủ, hành vi không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho người mua có thể bị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Về chế tài hình sự, hành vi không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ nhằm trốn thuế với số tiền từ 100 triệu đồng trở lên (hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng thuộc trường hợp đã vi phạm, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 200 Bộ luật Hình sự về tội Trốn thuế.

Theo đó, pháp nhân thương mại phạm tội có thể bị phạt tiền mức cao nhất đến 10 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.