Mới đây, TAND TP.Đà Nẵng đưa vụ chìm tàu Thảo Vân 2 khiến 3 người tử vong ra xét xử. Do một số đại diện bị hại, luật sư vắng mặt nên chủ tọa quyết định hoãn phiên tòa.
Sau phiên xử thứ nhất, một số ý kiến cho rằng, theo tài liệu có trong hồ sơ vụ án chưa đủ căn cứ kết tội bị cáo Lê Sáu (SN 1975), nguyên Giám đốc Cảng vụ Đà Nẵng thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo cáo trạng, Sáu là Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa Đà Nẵng, có trách nhiệm điều hành toàn bộ hoạt động của cảng theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn đã quy định. Tuy nhiên, Sáu thiếu trách nhiệm, không kiểm tra, xử lý nghiêm việc phương tiện Thảo Vân 2 hoạt động trái phép từ năm 2015 đến tháng 4/2015, nên đã để chủ tàu này neo đậu trái phép tại bến cảng sông Hàn, tự do hoạt động trong một thời gian dài.
Mặt khác, từ tháng 2/2016, sở Giao thông vận tải TP.Đà Nẵng đã tổ chức chỉ đạo xử lý, lai dắt tàu Thảo Vân 2 đưa về neo đậu, quản lý tại trạm Bộ đội Biên phòng, không cho hoạt động trước 20h ngày 2/6/2016. Thế nhưng, Sáu tổ chức thực hiện không triệt để, thiếu trách nhiệm, để tàu này hoạt động trái phép từ đêm mồng 2 và 3/6/2016. Đêm 4/6/2016, Sáu không tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm, để tàu này tiếp tục bán vé, thu tiền, đưa khách lên tàu du lịch trên sông Hàn quá số lượng quy định, dẫn đến lật tàu.
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho rằng, theo điều 285 Bộ luật Hình sự hiện hành, tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng được hiểu là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao (dẫn đến) gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên cho đến nay, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) TP.Đà Nẵng vẫn chưa chỉ ra được Lê Sáu có hành vi không thực hiện nhiệm vụ nào, hoặc hành vi thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao nào.
Luật sư này nêu quan điểm, tàu Thảo Vân 2 không được phép hoạt động chở khách du lịch và nếu vi phạm sẽ thuộc thẩm quyền xử phạt của rất nhiều cơ quan chức năng… Việc gắn trách nhiệm xử lý sai phạm tàu Thảo Vân 2 trong sự cố chìm tàu trên cho Cảng vụ đường thủy nội địa Đà Nẵng là không đúng quy định pháp luật.
Cũng theo luật sư Cường, từ khi Lê Sáu được giữ chức vụ giám đốc, đã nhiều lần có các công văn và thông báo báo cáo về hành vi sai phạm của tàu Thảo Vân 2; đồng thời, đề nghị các lực lượng chức năng có thẩm quyền phối hợp xử lý vi phạm của tàu này.
Cảng vụ cũng đã phân công nhiệm vụ cho nhân viên ca tối, khi phát hiện phương tiện này hoạt động kinh doanh vận chuyển khách thì thông báo cho các đơn vị như Bộ đội Biên phòng (BĐBP), Cảnh sát giao thông Thủy nội địa, thanh tra sở và đội quản lý Cầu Cảng sông Hàn để xử lý hoặc cưỡng chế.
Lê Sáu đã yêu cầu các đơn vị trên phối hợp, tiếp tục cử người theo dõi, nếu phát hiện thì thông báo cho nhau để kéo tàu Thảo Vân 2 về neo đậu tại chốt BĐBP cửa khẩu Cảng sông Hàn; khi có văn bản thông báo kết luận của lãnh đạo cấp trên, sẽ cùng tổ chức xử lý. Tuy nhiên, tàu Thảo Vân 2 vẫn cố tình trốn tránh các lực lượng chức năng.
Theo luật sư Cường, Lê Sáu đã thực hiện nhiệm vụ được giao về việc phối hợp xử lý những phương tiện sai phạm, trong đó có tàu Thảo Vân 2. Ngoài ra, Sáu còn làm đúng nhiệm vụ kéo những phương tiện không đủ tiêu chuẩn như trên về chốt BĐBP cửa khẩu Cảng sông Hàn, để giao đơn vị này neo giữ.
Luật sư Cường khẳng định, việc VKSND TP.Đà Nẵng cho rằng, Lê Sáu không thực hiện và thực hiện sai nhiệm vụ là không đúng. Bởi, Lê Sáu đã thực hiện việc báo cáo xử lý tàu Thảo Vân 2 sai phạm và cũng đã chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ sở GTVT giao, còn việc không lai dắt được tàu Thảo Vân 2 là do tàu này cố tình trốn tránh các lực lượng chức năng.
Từ những luận điểm này, luật sư Cường cho rằng, Lê Sáu đã thực hiện đúng và đủ nhiệm vụ được giao trong phạm vi chức năng, quyền hạn của một giám đốc cảng vụ thủy nội địa. Do đó việc truy tố, xét xử Lê Sáu về tội danh trên là không có căn cứ.
Điều 285. Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng 1. Người nào vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao, gây hậu quả nghiêm trọng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 144, 235 và 301 của Bộ luật Hình sự, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm. 2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 12 năm. 3. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. |
Huy Cường – Nhâm Thân