Nhiều ý kiến trái chiều về "tâm thư"
Vừa qua, nữ giảng viên của một trường đại học trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế đã đăng tải lên mạng xã hội Facebook 1 bài viết với tiêu đề "Thân gửi bạn nhặt điện thoại của cô". Chỉ sau một thời gian ngắn đăng tải, bài viết này đã thu hút hàng trăm lượt thích, bình luận và chia sẻ của cộng đồng mạng tại Thừa Thiên-Huế.
Cụ thể, nội dung bài viết chia sẻ "Hôm nay, thứ 4 ngày 11/12/2024, trong khoảng thời gian từ 8h35 đến 8h50 sáng, cô đánh rơi điện thoại Iphone 15 Promax của mình tại khu vực gần hồ nước, nối lối đi chính vào nhà B, gần khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản.
Điện thoại được bọc bằng ốp da màu trắng, dạng ví, có dây đeo, màn hình có ảnh bé gái đội mũ màu vàng đang ăn kem; trong ví có 2 chìa khoá nhỏ, cccd, thẻ ngân hàng, thẻ bảo hiểm y tế, tất cả đều mang tên H.Đ.M.A.
Có thể điện thoại đã rơi khi cô cố gắng xuống xe với cái lưng đang bị đau của mình và không để ý đến tiếng rơi của điện thoại. Từ tầm 9h đến 10h14, chiếc điện thoại đã được đem đi qua đường Ngự Bình khu vực gần kiệt 99 Đặng Huy Trứ, các tiệm điện thoại, cầm đồ đường Đặng Huy Trứ - Xuân Diệu -Tôn Thất Tùng - Bùi Thị Xuân, cầu Dã Viên … cả quá trình và tiếp theo thế nào chắc chính bạn là người rõ nhất, lúc bạn nhặt điện thoại ngay ô tô cô đang đỗ cũng có người đứng ở tầng 2, 3 …nhìn thấy, camera đã check; bạn đi đến đâu, xe bạn như nào …đều đã được biết.
Cô rất mong bạn hãy trả lại nó cho cô vào ngày mai, hoặc liên hệ với cô qua Facebook H.D.M.A., Email hdmyan@hueuni.edu.vn hoặc số điện thoại 0902817xxx có Zalo.
Cô tin rằng sự trung thực và tôn trọng của bạn đối với tài sản của người khác sẽ giúp giải quyết vấn đề này một cách êm thấm. Tuy nhiên, nếu chiếc điện thoại không được trả lại trong ngày mai, cô sẽ phải xem xét các biện pháp tiếp theo để đảm bảo quyền lợi của mình.
Hy vọng rằng mọi chuyện sẽ được giải quyết một cách nhanh chóng và tốt đẹp. Cảm ơn sự hợp tác của bạn".
Đáng chú ý, bên cạnh các bình luận đề nghị người nhặt được chiếc điện thoại của cô A. hãy nhanh chóng liên hệ với cô này để trả lại tài sản thì có rất nhiều bình luận khác gây tranh cãi với ý kiến trái chiều về việc "tâm thư" của cô A. thể hiện giọng điệu đe dọa, uy quyền.
Bên cạnh đó, một số tài khoản Facebooker còn cho rằng, với giọng điệu như vậy thì người nhặt được điện thoại của cô A. không cần trả lại cho cô này với lý do là nhặt được chứ không phải lấy trộm.
Cụ thể, tài khoản Facebooker có tên N.N. bình luận, họ nhặt được chứ có phải ăn cướp, ăn trộm đâu, mà cô giáo để rơi thì phải chấp nhận họ muốn trả hay không đó là chuyện cả họ viết bài làm như muốn đòi lại.
Tương tự, tài khoản Facebooker có tên H.H. bình luận, đồng ý là không nên ham của đánh rơi, nhưng cái ngữ điệu của cô nghe chói tai thật sự. Người ta nhặt được chứ có cướp giật hay ăn trộm của cô đâu mà cô nói hư người ta là tội phạm vậy.
Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Trước những vấn đề trên, nhằm làm một số chi tiết dưới góc nhìn pháp lý về nội dung "tâm thư" của cô A. cũng như nhiều ý kiến bình luận trái chiều về việc người nhặt được điện thoại của cô A. có cần phải trả lại tài sản cho cô này hay không. Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với luật sư Võ Thị Tuệ Minh, Giám đốc Công ty Luật An Doanh tỉnh thừa Thiên-Huế.
Qua trao đổi, luật sư Minh cho biết, hành vi nhặt tài sản của người khác mà cố tình chiếm giữ, không trả lại là vi phạm quy định pháp luật. Người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm đ, khoản 2, Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Theo luật sư Minh, mức phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng đối với hành vi chiếm giữ tài sản của người khác. Bên cạnh đó, người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; người vi phạm còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
"Trong trường hợp sau khi nhặt được tài sản, người nhặt được cố tình không trả lại thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Chiếm giữ trái phép tài sản theo quy định tại Điều 176 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 1 đến 5 năm", luật sư Minh nhấn mạnh.
Luật sư Minh phân tích, với nội dung bài đăng của chủ tài khoản, đồ vật bị rơi cụ thể là chiếc Iphone 15 Promax có trị giá khoảng 20 triệu đồng, trong trường hợp nghi ngờ người nhặt được có hành vi cầm cố tại các tiệm cầm đồ. Đây là hành vi cố tình chiếm đoạt và không có ý định trả lại chủ tài sản. Như vậy, người nhặt được tài sản có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
"Trường hợp tài sản đã bị cầm cố thì theo điểm đ khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người nào cầm cố trái phép tài sản của người khác thì có thể bị phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng. Người nhận cầm đồ hay chính là chủ tiệm cầm đồ khi nhận cầm cố tài sản không chính chủ mà không có sự đồng ý của chủ sở hữu của tài sản thì sẽ bị phạt từ 5 đến 10 triệu đồng theo điểm l khoản 3 Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Ngoài ra, chủ hiệu cầm đồ phải nộp lại số lợi bất hợp pháp", luật sư Minh nói.
Cũng theo luật sư Minh, ngoài ra, nếu tài sản nhận cầm cố là do người khác trộm cắp, lừa đảo, chiếm đoạt hoặc do người khác phạm tội mà có nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì chủ tiệm cầm đồ có thể bị phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng (theo điểm b khoản 5 Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP). Trường hợp người nhận cầm cố biết được tài sản do người đó chiếm giữ tài sản trái phép thì có thể bị xử lý về tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Vì vậy, điều tốt nhất và nên làm trong sự việc này là người nhặt được tài sản trao trả lại cho người bị mất. Vụ việc cũng là lời cảnh tỉnh cho mọi người khi nhặt được của rơi hoặc đồ bỏ quên thì phải trả lại người đã mất hoặc đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền để trình báo sự việc.
Công Định