Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, đồng thời ra lệnh tạm giam 4 tháng đối với đối tượng Lê Minh Phương (50 tuổi, trú tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm) để điều tra về tội Giết người.
Theo đó, vào đêm 22/11, Nguyễn Đăng Tùng (Sinh năm 2002, cùng trú tại phường Tây Tựu) đột nhập vào tiệm tạp hóa của Phương để trộm tài sản thì bị gia chủ phát hiện.
Do trước đó cửa tiệm của ông Phương thường xuyên bị mất cắp tài sản nên khi phát hiện Tùng đột nhập, ông Phương tức giận dùng kiếm chém liên tiếp vào người Tùng. Chỉ đến khi cậu thiếu niên ngã xuống, máu chảy ra, ông Phương mới dừng lại. Nạn nhân sau đó được đưa đi viện cấp cứu.
Nhiều người cho rằng, việc chủ nhà tấn công trộm là không vi phạm phạm pháp luật. Nhiều người lại cho rằng, đối tượng ăn trộm đã có chế tài xử lý, việc xâm phạm vào sức khỏe của người khác là hành vi vi phạm pháp luật.
Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Trần Huy Tuấn (đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định: "Với ý kiến "hành vi dùng hung khí tác động vào vùng trọng yếu trên cơ thể người khác đã có dấu hiệu pháp lý tội Giết người, trường hợp nạn nhân không chết vẫn phải chịu TNHS về tội Giết người (phạm tội chưa đạt)..." rất khó để chứng minh rằng hành vi của của chủ nhà là ý thức chủ quan? Trong màn đêm làm sao biết đâu là vùng trọng yếu mà tác động?".
Về ý kiến cho rằng hành vi của chủ nhà thuộc trường hợp phạm tội Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, luật sư Tuấn cho rằng: "Nhận định này chưa có căn cứ vững chắc. Theo đó, căn cứ vào đâu để chứng minh rằng lúc này gia chủ bị kích động tinh thần, tức giận, hoặc ức chế... mà không phải là tâm trạng hoang mang, hoảng sợ?
Bị hại (kẻ trộm) là đối tượng đột nhập vào nhà lúc đêm khuya làm sao biết được mục đích là gì? Có mang theo vũ khí gì? Đây là hành vi xâm nhập bất hợp pháp vào chính thời điểm mà khó có khả năng để thực hiện việc chủ động phòng vệ, hay được sự hỗ trợ từ xung quanh".
“Rõ ràng, đây là hành vi nguy hiểm, có khả năng xâm phạm lợi ích chính đáng, thậm chí là xâm phạm tính mạng của cả gia đình. Chẳng lẽ phải lên tiếng hỏi "ai đó, xin thưa", lúc đó e rằng cả gia đình đã phải ăn “kẹo đồng”, hoặc cũng chẳng khác nào một vụ án Lê Văn Luyện hoặc Nguyễn Hải Dương thứ 2.
Nếu hành vi của chủ nhà không thuộc trường hợp phòng vệ chính đáng (Điều 15, BLHS) thì cũng là gây thương tích do hành vi vượt quá giới hạn của phòng vệ chính đáng (Điều 106, BLHS), chứ không thể là nhóm tội Giết người được", luật sư Tuấn nhấn mạnh.
Hành vi đột nhập vào ngay trong nhà, thời gian là đêm khuya vắng vẻ không có khả năng chủ động hay đoán trước (dự liệu trước, hay nói rõ hơn là không đủ thời gian để cho gia chủ có thể đắn đo suy nghĩ tìm phương án) được các tình huống sẽ xảy ra, hoặc các bước để phòng vệ cần thiết.
Luật sư Tuấn phân tích, hành vi xâm phạm gia cư bất hợp pháp vào thời điểm hết sức nhạy cảm (đã vào tận nơi) là hành vi vô cùng nguy hiểm, có ý thức xâm hại trực tiếp đến lợi ích hợp pháp của cá nhân. Chính vì gia chủ không thể lường trước được các định huống có thể xảy ra trong khi trong nhà có gia đình, vợ và con... thì buộc phải hành động phản kháng để bảo vệ lợi ích hợp pháp đó (việc đối tượng đã đột nhập vào tận nhà, chứ không phải chỉ mới còn đang lảng vảng ngoài sân).
Nếu đối tượng mới chỉ lảng vảng ngoài sân thì gia chủ có khả năng chủ động xử lý bằng tình huống khác như đóng cửa trong, hô hoán hàng xóm... Nếu đối tượng chỉ mới ở bên ngoài mà gia chủ đã tấn công thì mới được xem là vượt quá nhu cầu cấp thiết hoặc thậm chí truy tố tội Giết người hoàn toàn không chối cãi. Cho nên, đây phải được xem là trường hợp khẩn cấp.
Luật sư Tuấn nói: "Kẻ trộm chưa tấn công chứ không phải sẽ không tấn công nếu bị bại lộ và hành vi đột nhập chưa biết động cơ gì? Hung khí "nóng" hay "lạnh"? Cho nên tình thế trên có thể được xem là cấp bách vì đối tượng hiện đang ở ngay trong nhà. Sự việc phức tạp và vô cùng nguy hiểm, xâm phạm lợi ích chính đáng và có nguy cơ đe dọa đến tính mạng cả gia đình. Đợi anh dò xét hoặc chờ tên trộm tấn công trước thì e rằng cả gia đình sẽ gặp nguy hiểm".
Xuân Hòa