Tranh cãi xung quanh nhà vệ sinh 3.500 tuổi ở Việt Nam

Tranh cãi xung quanh nhà vệ sinh 3.500 tuổi ở Việt Nam

Thứ 5, 27/12/2012 23:46

Thời gian qua, báo chí đưa tin rầm rộ về nhà vệ sinh cổ 3.500 năm tuổi vừa được các nhà khảo cổ học nước ngoài tìm thấy ở Rạch Núi, Long An, Việt Nam.

Về Rạch Núi, Long An những ngày tháng 10, người đi viếng chùa Linh Sơn cầu an không nhiều mà đến để xem cổ vật lại rất đông. Sau khi có thông tin các nhà khảo cổ học nước ngoài kết hợp với Bảo tàng Long An khai quật được rất nhiều hiện vật chứng minh con người đã biết xây dựng nhà vệ sinh từ rất sớm, người dân các tỉnh lân cận đổ xô về xem thực hư làm rúng động vùng quê nghèo. Tuy nhiên, khách thập phương tỏ ra khá thất vọng khi không được tận mắt chứng kiến hiện vật mà chỉ có thể hình dung qua lời kể của người dân địa phương và trụ trì chùa Linh Sơn.

Xã hội - Tranh cãi xung quanh nhà vệ sinh 3.500 tuổi ở Việt Nam

Bảng thông tin về khu di tích khảo cổ học Rạch Núi, Long An

Di tích khảo cổ ngàn năm trên đất Phật

Tìm về ấp Tây, xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc, Long An trong một ngày mưa dầm. Dừng xe trước Linh Sơn cổ tự, tọa trên gò đất đỏ cao hơn 6m so với mặt đất, nơi các nhà khảo cổ học trong và ngoài nước vừa tìm thấy các hiện vật chứng minh con người đã sống rất văn minh và xây nhà vệ sinh từ rất sớm.

Địa thế của vùng di tích khảo cổ học cũng khác thường, nằm trong khuôn viên 100m, ở giữa lại xuất hiện một gò đất cao nên dân gian gọi là gò núi Đất (hay thổ sơn). Trên nền đất đỏ, nhiều cây cổ thụ vươn cao, có cây đã hơn 200 năm tuổi. Bà Nguyễn Thị Út (52 tuổi, ngụ tại chùa Linh Sơn) cho biết: "Tôi ở chùa từ nhỏ, trước khi xây dựng chùa, nghe nói trên gò đất này là một lò gốm rất lớn tuổi thọ đã 3.000 năm. Khi tôi về sống ở chùa đã thấy có những cây me cổ thụ. Tuy chùa đã được trùng tu nhiều lần nhưng không ai dám động đến những cây cổ thụ đó".

Bao quanh gò núi Đất là con rạch nhỏ thuộc một nhánh của sông Cần Giuộc (sông Rạch Cát). Đây là nguồn nước sinh hoạt từ xa xưa của những cư dân đầu tiên đến đây. "Trước đây, vùng đất này là rừng rậm âm u, rắn rết bò ngang dọc, 10h sáng vẫn chưa thấy được ánh mặt trời. Vào năm 1867, vị sư Nguyễn Quới (thường gọi là thầy Rau) trên đường vân du đến gò đất cao, thấy địa thế tốt, trên gò, dưới nước, xung quanh cổ thụ nên ở lại và xây dựng chùa trên đỉnh gò để tu hành, lấy tên hiệu chùa là Linh Sơn Tự hay còn gọi là chùa Núi", hòa thượng Thích Bạch Huệ, trụ trì chùa Linh Sơn chia sẻ với PV Người đưa tin về xuất xứ của ngôi chùa, nơi phát hiện di tích khảo cổ.

Bên cạnh đó, dân gian cũng có nhiều giai thoại hấp dẫn lý giải về địa điểm xây dựng chùa. Theo đó, trước khi xây chùa, gò đất là nơi tọa lạc của đình làng. Tuy nhiên, hàng năm khi tổ chức cúng đình, người dân thường có lệ chia thịt heo, nhưng lần nào cũng xảy ra cãi vã vì không ai nhịn ai. Cuối cùng, thịt hư hỏng mà vẫn không có người nào đụng đến. Lần nào cũng vậy, người dân trong làng hết sức chán nản và xem đó là điềm gở. Dân làng họp bàn nhau mời thầy địa lý về xem phong thủy, thầy phán đất này chỉ được xây chùa, đình, dân còn ở đất này sẽ còn chưa yên ổn. Dân làng dời đình đến mảnh đất gần chợ, gò đất được dân xây chùa thờ Phật.

Trên mảnh đất Phật này, di tích được phát hiện lần đầu tiên năm 1937 bởi các nhà khảo học Pháp. Chính quyền thực dân Pháp cũng từng cho phép các nhà khảo cổ khai quật tìm kiếm hiện vật đang nằm dưới lòng đất. Sau đó, vào những năm 1938, 1971, 1978, 2003, các nhà khảo cổ học trong và ngoài nước kết hợp với Bảo tàng Long An vẫn miệt mài đào xới.

Về mặt tiền sử học, di chỉ cư trú Rạch Núi với bề dày tầng văn hóa 5m, chứng minh sự có mặt từ rất sớm của cư dân bản địa trên Đồng bằng sông Cửu Long. Những cư dân đầu tiên của đồng bằng sinh sống bằng cách khai thác các sản vật tự nhiên từ rừng, từ biển và dựa vào các nguyên liệu thiên nhiên để chế tác công cụ lao động, săn bắt phục vụ cho sinh hoạt và phát triển cộng đồng.

Theo hòa thượng Thích Bạch Huệ, di tích khảo cổ học Rạch Núi nằm trong khuôn viên chùa Linh Sơn, được sự quan tâm đặc biệt từ các cơ quan văn hóa lịch sử. Ý thức được tầm quan trọng của di tích với văn hóa lịch sử nước nhà, Ban trị sự chùa Linh Sơn luôn tạo điều kiện cho các nhà khoa học đến đây tìm hiểu, nghiên cứu. "Bộ Văn hóa - Thông tin (cũ) đã công nhận di tích khảo cổ học Rạch Núi là Di tích lịch sử -văn hóa quốc gia từ năm 1999 nên chúng tôi phải có trách nhiệm giữ gìn", hòa thượng Thích Bạch Huệ nói.

Xã hội - Tranh cãi xung quanh nhà vệ sinh 3.500 tuổi ở Việt Nam (Hình 2).

Dù được xây cất lại cẩn thận nhưng các vết tích khai quật vẫn còn rất mới

Nhà vệ sinh 3.500 tuổi của người Việt

Không riêng gì vị trụ trì chùa Linh Sơn, nhiều người dân sống xung quanh di tích cũng đã từng tận mắt chứng kiến các giai đoạn khai quật của các nhà khảo cổ học. Bà Nguyễn Thị Út cho biết: "Các nhà khảo cổ học làm việc ở đây trong vòng nhiều ngày, họ đào xới rồi hớn hở khi phát hiện ra một số thứ được cho là chất thải của con người và động vật. Ngày nào tôi cũng ra xem, các nhà khảo cổ tìm kiếm rất kỹ, cào nhẹ từng lớp đất, từng 5cm một, lớp nào cũng thấy chất thải. Hố khảo cổ mà thấy có chất thải thì nằm sát rạch, còn các hố khác chỉ thấy đồ dùng, cả rìu đá. Nhiều mẫu đồ gốm đã bể nát cũng được họ tỉ mỉ làm sạch đất cho vào túi nilon rồi mang lên xe đem về bảo tàng Long An nghiên cứu".

Thông tin trên cũng được Radio Australia News lan truyền, thông tin về việc tìm thấy nhà vệ sinh được cho là thuộc loại cổ nhất châu Á không có hình thù cố định và là một bãi thải, trong khuôn viên một ngôi chùa. Nguồn thông tin này cũng dẫn lời tiến sĩ Marc Oxenham, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, chất thải hàng nghìn năm của con người và của chó được phát hiện tại đây. Nơi này có lẽ là toilet cổ nhất châu Á, có niên đại 3.300 đến 3.700 năm, thuộc thời đồ đá mới.

Bà Nguyễn Thị Út cho biết thêm: "Các nhà khảo cổ đã đào sâu vùng đất bên dưới đường dẫn xuống gần rạch nước, nơi chùa dùng để xây dựng lối đi và bồn hoa hai bên. Sau khi đoàn khảo cổ ra về, chùa chắc chắn khoảng đất này sẽ không cần khai quật nữa nên đã xây dựng tượng Phật. Thông tin về toilet cổ này nhận được sự quan tâm lớn từ giới khảo cổ và công chúng. Nhiều người tò mò muốn biết cả quá trình tìm thấy và hình thù của nhà vệ sinh này".

TS. Bùi Chí Hoàng, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ, Viện Phát triển Bền vững vùng Nam Bộ và là người quản lý dự án này cho biết: Khu vực mà các nhà khảo cổ phát hiện nhiều mẫu chất thải rộng khoảng 6m2. "Bãi thải này không có hình thù gì, chất thải được tìm thấy trong các tầng văn hóa (địa tầng) sâu khoảng 1,4-1,6m. Các nhà khoa học đã lấy được khoảng hơn 100 mẫu chất thải lớn nhỏ khác nhau", TS. Hoàng nói thêm.

Hiện các mẫu vật đang được đưa đi phân tích để xác định cụ thể. Việc tìm thấy nhà vệ sinh này cũng khá may mắn bởi có một nhà khảo cổ học Philippines trong đoàn từng tìm thấy và nghiên cứu chất thải của chó vào thời đại đồ sắt nên đã nhìn ra ngay các mẫu đó là chất thải cổ. Hòa thượng Thích Bạch Huệ cho biết: "Họ bắt đầu đào khoảng hơn một tháng, đến cuối tháng 4 thì hoàn tất. Có 4 hố khai quật ở phía sau chùa Núi và bên hông chùa, tổng cộng khoảng 70m, nhiều hiện vật được tìm thấy và cho lên xe tải chở đi".

Xã hội - Tranh cãi xung quanh nhà vệ sinh 3.500 tuổi ở Việt Nam (Hình 3).

Chùa Linh Sơn - nơi phát hiện nhà vệ sinh cổ

Theo hòa thượng Thích Bạch Huệ, các nhà khảo cổ đào đến mặt ruộng tầng dưới, khi thấy chất thải, họ xắn một mảng đất xung quanh, trong đó chứa chất thải màu đen đem lên đưa đi phân tích. Hòa thượng cũng khẳng định nhà vệ sinh không có hình dáng gì. "Đây là lần thứ ba di tích khảo cổ này được khai quật, hai lần trước vào năm 1978 và 2003", ông nói. Bãi di tích này lâu nay vẫn được để trống, gần như hoang hóa.

Các hiện vật khai quật được lần này phong phú về chất liệu và loại hình, song song đó là sự độc đáo hiếm thấy so với các nước trong khu vực. Có thể, những phát hiện mới đây của các nhà khảo cổ học chứng minh ý tưởng về một văn hóa Rạch Núi của Phạm Văn Kỉnh (năm 1978) hay mang tính chất văn hóa miền Đông Nam Bộ thời đại đá mới - đồng của Phạm Quang Sơn (năm 1978) là hoàn toàn có cơ sở.

TS. Nguyễn Hồng Kiên, chuyên gia khảo cổ học Việt Nam, cho biết: "Di chỉ Rạch Núi mang nhiều đặc điểm tương đồng với di chỉ An Sơn (Đức Hòa, Long An) như có tầng văn hóa dầy, xen lẫn nhiều lớp than tro, nhiều xương cốt động vật và vỏ sò ốc biển, có kỹ nghệ chế tác công cụ bằng xương, sừng động vật, có truyền thống sử dụng cà ràng. Ngoài ra, dạng công cụ bằng đá không có vai tương tự như ở Rạch Núi cũng đã xuất hiện trong tầng hỏa ở lớp trên của An Sơn cùng thể hiện truyền thống văn hóa Đông Nam Bộ với đặc điểm địa phương của vùng đầm lầy ven biển".

Chờ kết quả phân tích từ Australia

Di tích khảo cổ Rạch Núi (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) được người Pháp phát hiện vào năm 1937. Địa điểm khảo cổ này đã được khai quật lần đầu tiên vào năm 1978 và lần sau đó vào năm 2003 do Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại Hà Nội tiến hành.

Đợt khai quật thứ ba kéo dài từ đầu tháng 4 đến giữa tháng 5 năm 2012, do Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ (Viện Phát triển Bền vững vùng Nam Bộ) phối hợp với Bảo tàng Long An và một số chuyên gia thuộc Viện Khảo cổ học Hà Nội và Đại học Quốc gia Úc tiến hành.

Qua nghiên cứu những thành phần vật chất để lại trong chất thải đó, có thể gián tiếp nghiên cứu đời sống của người cổ thể hiện qua thức ăn. Hiện những mẫu chất thải này đã được gửi qua Đại học Quốc gia Úc để phân tích và đang chờ kết quả. Di tích khảo cổ học Rạch Núi có niên đại cách ngày nay khoảng 3.500 năm và có tầng văn hóa cổ tồn tại trong khoảng 500 năm, thuộc giai đoạn chuyển tiếp từ hậu kỳ thời đại đá mới sang sơ kỳ thời đại đồng thau.

Ngọc Lài - Hà Nguyễn


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.