Vừa qua, tại Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Thừa Thiên - Huế đã xảy ra hai vụ tranh chấp tác quyền của hai bức ảnh đoạt giải. Sau những ồn ào tranh cãi, người nhận giải thưởng đã gửi đơn xin trả lại giải thưởng. Vụ tranh chấp cuối cùng cũng được giải quyết êm đẹp, với cái bắt tay hòa giải giữa hai bên. Tuy nhiên, sự việc trên cho thấy vấn đề tác quyền trong ảnh nghệ thuật vẫn còn nhiều điều bỏ ngỏ. Và, sự "vô tình" gửi bức ảnh đã đoạt giải đi dự thi của tác giả không chính chủ, cũng khiến những người yêu nghệ thuật nhiếp ảnh phải đặt ra câu hỏi: Phải chăng nhiếp ảnh cũng như những loại nghề nghiệp khác, rất cần một yếu tố gọi là đạo đức nghề nghiệp?
Tác phẩm Lễ hội khất thực đoạt Huy chương vàng của ông Đỗ Văn Tri.
Hai bức ảnh đoạt giải đều… không chính chủ
Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Bắc miền Trung 2013 vừa kết thúc vào đầu tháng 5 đã gây ra không ít sóng gió xung quanh tác quyền của bức ảnh đoạt giải Huy chương vàng. Đó là bức ảnh Lễ hội khất thực đề tên tác giả Đỗ Văn Tri (hội viên Hội NSNA Thừa Thiên - Huế). Khi ảnh được đưa ra triển lãm và nhận giải thưởng, ông Nguyễn Xuân Hữu Tâm (cũng là hội viên Hội NSNA Thừa Thiên - Huế) nhận ra đây là bức ảnh do mình bấm máy. Ngày 6/5, ông Tâm đã gửi đơn đến Hội và các cấp thẩm quyền đề nghị xem xét lại bức ảnh đoạt giải nói trên.
Trong đơn, ông Tâm trình bày, bức ảnh được chụp tại chùa Huyền Không (TP. Huế) vào ngày 7/3/2012, cùng với ông Nguyễn Hữu Hài (cũng là hội viên trong Hội). Ông Tâm và ông Hài đã không quản nguy hiểm, khó khăn trèo lên tòa tháp để chụp. Sau khi ông Tâm đã chụp ở nhiều góc độ, ông Hài có đưa máy nhờ ông bấm vài kiểu tương tự. Bức ảnh của ông Tri chính là lấy từ máy của ông Hài. Trong khi đó, ông Tâm cho rằng mình đã "công bố quyền tác giả" về góc chụp bức ảnh, khi triển lãm bức ảnh tương tự mang tên Lễ hội khất thực tại triển lãm Sắc xuân (TP. Huế) ngày 26/3/2012 và nhiều diễn đàn khác.
Ngày 9/5, ông Đỗ Văn Tri đã có bản tường trình gửi đến Hội NSNA thừa nhận bức ảnh đoạt giải là do ông Nguyễn Hữu Hài cho ông. Ông đã đem dự thi và không ngờ nó lại đoạt giải. Biên bản kiểm tra sau đó ghi rõ, bức ảnh Lễ hội khất thực ông Nguyễn Hữu Hài nhờ ông Tâm bấm máy. Và ông Hài cũng đã đồng ý chuyển quyền tác giả và tác phẩm cho ông Đỗ Văn Tri kể từ khi ông Tri có nhu cầu, và được ông Hài chấp thuận. Trao đổi với báo chí, ông Hài cho biết góc chụp này do thầy Chơn Hữu phát hiện, chỉ cho ông vào năm 2010, và vừa rồi ông đã chỉ ông Tâm lên chụp. Còn ông Tâm thì cho rằng, góc ảnh này không một nhiếp ảnh nào của Huế lại không biết đó là góc ảnh đẹp, bản thân ông cũng không ngoại lệ.
Ông Phạm Văn Tý, chủ tịch Hội NSNA Thừa Thiên - Huế cho rằng, bức ảnh dù do ông Tâm chụp, nhưng rõ ràng ý tưởng là của ông Hài. Theo "luật chơi" của anh em nhiếp ảnh xưa nay, việc nhờ bấm máy như vậy cũng thường diễn ra. Nhiều người trong giới nhiếp ảnh thì cho rằng, việc ông Tâm đưa bức ảnh lên mạng rồi nhận bản quyền góc ảnh thuộc về mình là không đúng. Nếu muốn thì ông Tâm phải có đăng ký bản quyền hẳn hoi với Cục Sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên sau nhiều tranh cãi, ngày 25/5, Ban tổ chức Liên hoan ảnh Nghệ thuật các tỉnh Bắc Trung Bộ lần thứ 20 và Hội NSNA Thừa Thiên - Huế đã có quyết định cuối cùng. Đó là thu hồi huy chương vàng và xem như giải lần này không có huy chương vàng, đồng thời đưa ra hình thức kỷ luật với ông Tri và ông Hài.
Sự việc chưa kịp lắng xuống thì vừa qua, giới nhiếp ảnh Huế lại phát hiện ra một bức ảnh khác do ông Đỗ Văn Tri đứng tên, gửi dự Liên hoan ảnh Nghệ thuật Bắc Trung Bộ năm 2013 trước đó đã in báo dưới tên người khác. Tác phẩm bị tố "đạo ảnh" lần này có tên Dựt cờ, được lựa chọn trong tổng số hơn 950 bức ảnh của 160 tác giả tham dự thuộc 6 tỉnh Bắc miền Trung. Trước đó, bức ảnh từng xuất hiện trên trang phóng sự ảnh Sắc xuân mọi miền với tên gọi Đoạt giải bẻ cờ đu tiên, của tác giả Nguyễn Hữu Phước Bình ngày 5/2/2012. Ông Phạm Văn Tý, Chủ tịch Hội NSNA Thừa Thiên - Huế phỏng đoán rằng, trước đó trong bản tường trình về bức ảnh đoạt huy chương vàng, ông Tri có nói ông Hài có cho mình một vài bức ảnh, nên bức ảnh này cũng không loại trừ khả năng ông Tri được ông Hài tặng.
Tuy nhiên, phía ông Hài phủ nhận việc cung cấp bức ảnh Dựt cờ này cho ông Tri. Ông Phạm Văn Tý cho rằng, lần trước ông nghĩ việc ông Hài cho ảnh ông Tri là vô tư, qua lần thứ hai cũng liên quan đến hai ông này thì cần xem xét lại rằng động cơ của ông Hài có ý gì. Cũng theo ông Tý, trong bản tường trình cả ông Tri và ông Hài đều thừa nhận bức ảnh Dựt cờ là do ông Tri chụp. Nhưng do không có địa chỉ email nên đã nhờ con trai ông Hài là Nguyễn Hữu Phước Bình gửi dự thi trên báo Tuổi Trẻ tháng 2/2012. Dù sự thật đằng sau vấn đề này là gì, thì những người đam mê nhiếp ảnh này cũng đã để mất đi lòng tự trọng của người nghệ sĩ. Mà nói như ông Tý, thì Hội NSNA Thừa Thiên - Huế đã mất nhiều hơn được. Dư luận thì vẫn không thôi thắc mắc vậy cuối cùng ai mới là tác giả thực sự của bức ảnh, khi trong các cuộc họp trước đó và đến giờ vẫn chưa thấy ai nói đến?
Bức ảnh đoạt giải Dựt cờ đu tiên đề tên Nguyễn Hữu Phước Bình.
Không “đẻ” sao nhận là “con” của mình?
Nhiếp ảnh gia Đình Dzũ (giám đốc Đình Dzũ studio, quận 3, TP.HCM) cho biết: "Trong giới nhiếp ảnh, chuyện cho tác phẩm vì mến, và ngưỡng mộ tài năng của nhau là chuyện bình thường. Tuy nhiên, một nhà nhiếp ảnh gia chân chính sẽ không thể nào lấy những bức ảnh được tặng, cho kia đi tham gia tranh giải ở bất kỳ cuộc thi nào. Vì rõ ràng đứa con kia không thực sự được anh ta mang nặng đẻ đau thì dù có đẹp đến mức độ nào đi chăng nữa cũng không phải là con của mình. Chuyện đạo ý tưởng trong chụp ảnh hiện nay trong giới nhiếp ảnh cũng không hiếm. Chính việc đạo ý tưởng ấy sẽ giết chết năng lực sáng tạo của nghệ sĩ nhiếp ảnh. Chuyện copy ý tưởng xảy ra thường lắm, khó mà ngăn tình trạng này bởi nó còn thuộc vào lòng tự trọng của nhiếp ảnh gia. Trong vấn đề này, chỉ cần người nào chụp và đưa bức ảnh ra công chúng trước được xem như xí quyền tác phẩm. Ranh giới của việc giữ tác quyền tác phẩm đôi khi mong manh, vì hiện chúng ta thiếu đi hệ thống luật, cũng như trách nhiệm của những nghệ sĩ nhiếp ảnh đối với đứa con tinh thần của mình".
Luật sư Phạm Văn Phúc, Văn phòng tư vấn luật Phúc & Đồng sự bày tỏ quan điểm: "Tôi cho rằng, Luật tác quyền của chúng ta vẫn chưa tính đến hết những trường hợp tranh chấp tay ba phức tạp như sự việc đã nêu. Thêm vào đó, chính những nghệ sĩ nhiếp ảnh này một phần do chưa hiểu cặn kẽ về luật tác quyền, nên đã vô tư mang một bức ảnh không phải do mình chụp, cũng chẳng hề có sự liên quan nào đến mình đi dự thi. Mang một tác phẩm là sự sáng tạo tinh thần ra phân tách rạch ròi kiểu như máy ảnh là của tôi, anh chỉ là người chụp giùm theo góc ảnh tôi chỉ cho anh là rất khó. Bởi cùng một góc ảnh đó, chắc chắn 10 người chụp thì cho ra 10 tác phẩm ít nhiều cũng sẽ khác nhau. Ở đây, tôi chỉ muốn nói đến khía cạnh liên quan đến pháp lý. Tôi cho rằng, tác phẩm là của cả ông Tâm và ông Hài. Ông Hài có quyền cho, tặng người khác. Nhưng nếu người thứ ba muốn gửi đi dự thi thì phải được sự đồng ý của cả hai ông. Đây là một bài học cho những NSNA cần cẩn trọng hơn khi sử dụng những tác phẩm không phải do mình sáng tạo ra".
Tác giả là người chụp bức ảnh Luật sư Hoàng Văn Tài, Đoàn luật sư TP.HCM cho biết: "Theo tôi về vấn đề này người dự thi (ông Tri - PV) sẽ bị phạt nếu lấy bức ảnh đi dự thi mà không có sự đồng tình của tác giả bức ảnh. Mà theo đó, tác giả của bức ảnh chính là người đã chụp bức ảnh chứ không phải là người sở hữu máy ảnh. Đối với trường hợp này, hình thức xử phạt chủ yếu là phạt về hành chính, và nếu kiện thì chỉ bồi thường về vật chất, trả tác quyền". |
Hương Lam - Hợp Phố