Theo diễn biến sự việc, vào ngày 25/6, công ty Minh Khang (đơn vị tổ chức cuộc thi Miss Peace Việt Nam - Hoa hậu Hòa bình Việt Nam) công bố 2 văn bản gồm: Kết luận giám định sở hữu công nghiệp số NH275-22YC và Kết luận giám định sở hữu công nghiệp số NH268-22YC từ Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, công ty Sen Vàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ khi sử dụng tên cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam.
Phản biện lại thông tin trên, công ty Sen Vàng (đơn vị sở hữu Miss Grand Vietnam - Hoa hậu Hòa bình Việt Nam) vào chiều tối 28/6 đã có văn bản cho biết: “Những thông tin từ phía công ty Minh Khang nói công ty Sen Vàng có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là không chính xác, không khách quan và không thể hiện đúng bản chất của sự việc gây nên những cách hiểu chưa đúng”.
Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Đức Hoàng - Văn phòng luật sư Phan Law Vietnam, đại diện pháp lý của công ty Sen Vàng nêu quan điểm: Viện Khoa học sở hữu trí tuệ là tổ chức sự nghiệp khoa học và công nghệ, có chức năng chính là nghiên cứu khoa học, tham mưu, tư vấn và đào tạo huấn luyện trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ...".
"Chúng tôi có cơ sở để khẳng định rằng, các kết luận giám định của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ không đủ điều kiện để trở thành tài liệu tham khảo trong quá trình giải quyết tranh chấp giữa các bên liên quan đến tên gọi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam”, Luật sư Nguyễn Đức Hoàng cho biết.
Trước đó, Bà Phạm Kim Dung, Tổng Giám đốc công ty Sen Vàng đã công bố tác quyền đối với cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam do Cục bản quyền tác giả cấp phép. “Tôi khẳng định rằng các cuộc thi có sử dụng tên gọi “Hoa hậu Hòa bình Việt Nam” mà không do Công ty Sen Vàng tổ chức không phải là cuộc thi nằm trong khuôn khổ của Cuộc thi Miss Grand International - Hoa hậu Hòa bình Quốc tế và sẽ không có chức năng chọn ra người đẹp đủ điều kiện để đại diện Việt Nam tham gia Cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Quốc tế", bà Phạm Kim Dung cho biết thêm
Trao đổi với Người Đưa Tin, Thạc sỹ/Luật sư Hoàng Hương Giang (Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Tp.Hà Nội) cho biết: Chưa thể khẳng định Công ty Sen Vàng vi phạm, vì cả 2 bên đều được Cục Bản quyền tác giả cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả.
Dưới góc độ pháp lý, theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 4 Nghị định số 144/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật, biểu diễn thì tổ chức, cá nhân tổ chức biểu diễn nghệ thuật phải có trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan.
Cũng quy định của Luật sở hữu trí tuệ, thì đối tượng được bảo hộ đối với cuộc thi sắc đẹp sẽ là quyền tác giả và quyền liên quan theo quy định tại Điều 14 và Điều 17, không có quy định về việc bảo hộ riêng đối với tên gọi của cuộc thi.
Như vậy, căn cứ vào quy định, liên quan vụ tranh chấp tên cuộc thi hoa hậu thì pháp luật không bảo hộ riêng với tên gọi cuộc thi mà sẽ bảo hộ đối với quyền tác giả, quyền liên quan đến toàn bộ nội dung cuộc thi đó. Do đó, theo luật sư Hoàng Hương Giang, nếu các bên có tranh chấp đối với quyền tác giả, quyền liên quan thì các bên có thể áp dụng các biện pháp tự bảo vệ theo quy định tại Điều 198 Luật sở hữu trí tuệ.
Chúng tôi sẽ gửi tới độc giả những thông tin mới khi có diễn biến tiếp theo của sự kiện.
Trước đó, bà Nguyễn Thị Thanh Thùy (nghệ danh Thuỳ Dương) - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Minh Khang Việt Nam cho biết: "Hiện tại, tên cuộc thi Hoa hậu Hoà bình Việt Nam đã có hai công ty đang sử dụng và tổ chức là công ty của tôi và công ty Sen Vàng. Chúng tôi có đủ hồ sơ pháp lý của cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam. Chúng tôi lên tiếng để bảo hộ nhãn hiệu, tránh xâm phạm bản quyền tác giả, tác phẩm; tạo hình ảnh chuyên nghiệp cho cuộc thi".
LÊ ANH