Tranh luận gay gắt chuyện “hố tử thần” nằm trên họng núi lửa cổ

Tranh luận gay gắt chuyện “hố tử thần” nằm trên họng núi lửa cổ

Thứ 5, 27/12/2012 23:45

Sự việc bắt đầu khi mới đây một vị tiến sĩ (TS) ngành địa chất đã đặt nghi vấn về việc "hố tử thần" ở đường Lê Văn Lương kéo dài (Hà Nội) nằm trên họng núi lửa cổ.

Một hố sâu rộng hàng chục m2 và có dung tích lên tới 5000m3 được hình thành ngay sau cơn mưa lớn vào sáng 19/8 đã gây biết bao bất lợi cho giao thông đô thị, đặc biệt cho những dân cư sống trên trục đường Lê Văn Lương (Hà Nội). Mặc dù sau nhiều ngày khẩn trương khắc phục, cho đến thời điểm hiện tại, "hố tử thần" đã được lấp đầy và cơ bản trở lại nguyên trạng xưa cũ nhưng dư luận xung quanh câu chuyện lạ lùng này vẫn chưa một ngày "lặng sóng". Đã thế mới đây, một vị tiến sĩ ngành địa chất càng như thổi bùng thêm hoang mang khi chia sẻ với một số trang báo mạng nghi vấn rằng, hố sâu đó được hình thành bởi vốn dĩ nó được nằm trên họng một núi lửa cổ(?).

Bất động sản - Tranh luận gay gắt chuyện “hố tử thần” nằm trên họng núi lửa cổ

"Hố tử thần" trên đường Lê Văn Lương kéo dài

Khảo sát địa chất qua... ảnh báo chí

Theo đó, người đầu tiên đặt nghi vấn đó chính là TS. Lê Huy Y, thuộc Tổng hội Địa chất Việt Nam. Sau khi quan sát và phân tích mẫu đất đá lấy trực tiếp tại hiện trường, TS. Y cho rằng có cơ sở để kết luận "hố tử thần" hình thành trên đường Lê Văn Lương kéo dài nằm trên nóc của một miệng núi lửa cổ. "Ngay khi báo chí thông tin, nhìn qua ảnh, tôi nghi ngờ ngay sụt lún này liên quan đến họng núi lửa cổ. Nó thể hiện qua các mặt cắt địa chất đặc trưng trên vách hố sụt. Qua quan sát vách hố sụt cho thấy nham thạch trong họng núi lửa này khi bị phong hóa biến thành sét - kaolin rất dẻo, trơn và dễ bị trôi xuống phía dưới theo các khe nứt, đứt gẫy tạo thành hang karst rỗng phía dưới. Trời mưa lớn đã tạo thêm điều kiện làm sập mặt đường trên nóc hang karst, đúng hơn, trên nóc của một họng núi lửa cổ. Do đó nếu cho rằng việc hình thành hố là tại bởi chất lượng thi công và mưa lớn là chưa đủ", TS. Y được báo chí dẫn lời cho biết.

Rất có trách nhiệm trước phát ngôn của mình, TS. Lê Huy Y đã lấy một mẫu đãi đất màu nâu loang lổ trên vách hố sụt (cách tâm hố khoảng 15m) để phân tích. Qua phân tích sơ bộ, ông kết luận: "Ngoài sét và cát, phần nặng của mẫu đãi gặp rất nhiều quặng sắt dạng limonit kết hạch, các mảnh dăm của đá tù binh nhiều thành phần, trong đó có các mảnh đá màu xanh, sắc cạnh, nhiều hạt quặng sulfua (như pyrit,.v.v) và rất nhiều hạt khoáng vật nặng (như Ziercon, monazit,…). Điều đó chứng tỏ rất có thể hố tử thần này nằm trùng đúng với họng núi lửa cổ. Cũng theo TS. Y, nên khoan lấy mẫu một lỗ khoan thăm dò ở tâm diện tích hố sụt để kiểm tra. Nếu gặp lớp bùn nhão chứa cuội, sỏi, đá tảng với chiều dày lớn từ vài chục mét trở lên thì sẽ càng khẳng định chắc chắn nhận định về họng núi lửa cổ này. "Tôi cũng không định nói về chuyện này vì nó ngoài sách vở, ngoài những nguyên nhân hiện nay chúng ta đang đổ lỗi. Nhưng nghĩ lại nếu không nói thì nó sẽ là một mối nguy hại tiềm tàng. Nếu chỉ lấp hố đơn giản rồi làm đường lên trên, thì chắc chắn hố tử thần sẽ tái xuất hiện tại đây. Cần chú ý là hố tử thần (cũng là họng núi lửa cổ) sẽ hoạt động trở lại mạnh nhất khi Hà Nội có động đất, dù là cấp rất nhỏ. Mặt khác, trong vùng này sẽ còn tìm được nhiều hang karst ngầm và sẽ xuất hiện không ít hố tử thần", TS. Y nhấn mạnh.

Bất động sản - Tranh luận gay gắt chuyện “hố tử thần” nằm trên họng núi lửa cổ (Hình 2).

TS. Lê Huy Y bày tỏ nghi vấn của mình

Đồng tình ít, "ném đá" nhiều

Ngay sau khi nghi vấn của TS. Lê Huy Y được đưa ra trước công luận, dư luận xung quanh nguyên nhân của việc hình thành "hố tử thần" vốn đã "dậy sóng" nay lại càng được thể "nổi giông bão táp". Từ ngoài thực tế cho đến các diễn đàn mạng ảo, các tranh luận diễn ra vô cùng rôm rả, càng thiêu đốt thêm cái nóng vốn sẵn có của câu chuyện hiếm gặp.

Tỏ ra đồng tình với những nghi vấn của TS. Huy Y, kỹ sư địa chất Nguyễn Văn Tùng (nguyên cán bộ của Liên đoàn Bản đồ địa chất - Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam) bày tỏ quan điểm của mình trên một trang báo mạng: "Theo tài liệu địa chất, địa vật lý đã công bố, khu vực núi Ba Vì, núi Viên Nam với hàng trăm km2 hầu hết là đá núi lửa, được phun lên cách đây 245-251 triệu năm. Dải đá núi lửa này còn kéo dài qua vùng Lương Sơn (Hòa Bình), xuống Kim Bôi và dài hơn nữa. Dải đồi thấp nằm ngay đồng bằng từ Đông Nam huyện lỵ Quốc Oai kéo về Chúc Sơn (khu vực chùa Trăm Gian) cũng đều là đá núi lửa. Trong các dải núi này, chắc chắn có nhiều họng núi lửa cổ với những ống nổ miệng núi lửa đã bị lấp vùi".

Kỹ sư địa chất Nguyễn Văn Tùng lưu ý một nghi vấn: "Việc sụt lún mất một khối lượng khổng lồ đất đá xuống "hố tử thần" rất đáng cho ta suy nghĩ vì ở các bên không có biểu hiện của đất đá tràn qua như sạt lở mà là thụt xuống. Điều đó cho thấy dưới sâu - đáy "hố tử thần" - có hố rỗng lớn làm đất đá tụt mất. Thêm nữa, cách đó không xa, chỉ khoảng 5km có một miệng núi lửa cổ đã được ghi nhận".

Tuy nhiên với hầu hết người dân, trước đây vốn cho rằng nguyên nhân hình thành hố hoặc là do công ty Nam Cường (đơn vị thi công đoạn đường) làm ẩu hoặc do công ty Sông Đà - Thăng Long (đơn vị xây dựng chung cư sát cạnh hố) thiếu tinh thần trách nhiệm nay đã có thêm một lý do để giải thích. Chỉ tiếc rằng lý do mới đưa ra này lại hoàn toàn nằm ngoài khả năng tưởng tượng của đa số họ. Thế nhưng theo khảo sát của PV báo Người đưa tin, hầu hết người dân không đồng tình với giả thiết của TS. Lê Huy Y.

Anh Phan Tuấn Anh (một người dân sống trong khu đô thị Văn Khê, cũng là Kỹ sư xây dựng) quả quyết: "Khu vực này trước đây là ruộng, nên đầu tiên muốn làm đường phải vét hữu cơ vài chục cm sâu xuống đất ruộng cũ rồi tiếp tục thi công các loại đất đắp nền đường khác nhau dày tới vài mét, cuối cùng là kết cấu áo đường gồm lớp cấp phối thiên nhiên kiểu sét lẫn đá cùng lớp cấp phối đá dăm và từ 2 đến 3 lớp bê tông nhựa. Như vậy, có thể thấy mặt cắt địa chất được tiến sĩ Y nêu ra chỉ là mặt cắt của các lớp đất đắp nền đường và vật liệu áo đường, được chở từ nơi khác đến mà không liên quan tới địa chất khu vực. Ngoài ra, vì thi công đắp nền và các lớp cấp phối theo từng lớp mỏng 20-50cm rồi lu lèn, lại sử dụng các vật liệu khác nhau nên tạo thành những tầng lớp có màu sắc khác nhau, thế nên ông Y nói mặt cắt đó đặc trưng của núi lửa thì thực sự rất buồn cười".

Còn Kỹ sư xây dựng Hoàng Hải Nam (Tổng công ty xây dựng Hà Nội) phân tích: "Đó là hiện tượng tạo karst do việc nhà thầu thi công đường ống thoát nước cẩu thả dẫn đến rò rỉ lâu ngày rửa trôi tầng cuội kết tạo nên dòng chảy ngầm, lâu ngày tạo lỗ hổng karst do đó sụt lún là điều đương nhiên. Lượng đất mất đi chẳng sụt đi đâu cả mà chả ra một hồ điều hòa gần đó".

Thế nhưng bất luận thế nào, vẫn đâu đó còn những người bán tín bán nghi, hoang mang tột cùng và nghi ngại trước thông tin được đưa ra. Cụ thể trên một số diễn đàn mạng, những topic (chủ đề) về việc có nên mua nhà ở xung quanh khu vực hố tử thần hay không nhận được hàng ngàn các ý kiến bình luận. Và hơn thế nữa, ở một số trang rao vặt cũng manh nha xuất hiện người rao bán các căn hộ chung cư ở khu vực đó với lý do… "sợ núi lửa phun".

Như báo Người đưa tin đã thông tin, khoảng 7h sáng 19/8, tại khu vực giao cắt giữa phường Vạn Phúc và phường La Khê, thuộc quận Hà Đông (Hà Nội), chiều đường đi từ nút giao với đường Lê Trọng Tấn lên đường Khuất Duy Tiến xuất hiện một hố sâu có diện tích khoảng 50m2 với dung tích lớn. Rất may đã không có sự thiệt hại về người.

Đào Giang - Tiểu Long


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.