Vụ việc đại biểu Hoàng Hữu Phước “đăng đàn” trên blog đả kích một ĐBQH khác bằng những lời lẽ có phần hơi “quá đà” đang réo lên một tiếng chuông cảnh báo về cách ứng xử, tranh luận, bày tỏ ý kiến của những ĐBQH với nhau.
Hay nói như ĐBQH Trần Du Lịch “đây là vụ việc chưa từng có ở Quốc hội Việt Nam, và ông Hoàng Hữu Phước cũng đã nhận, công khai trên báo chí rằng việc làm như vậy là không được...”. Thế nhưng, một vụ việc chưa từng có, đã có và đã xảy ra thì không ái dám khẳng định nó sẽ không xảy ra lần thứ hai và nhiều hơn nữa.
ĐBQH Hoàng Hữu Phước và ĐBQH Dương Trung Quốc
Chúng ta vẫn thường hay đề cập đến “văn hóa” tranh luận, “văn hóa” phản biện. Xã hội càng dân chủ thì việc tranh luận, phản biện lại lẫn nhau càng “mở”. Và một xã hội không có phản biện, không có sự tranh luận thì xã hội đó sẽ “chết lâm sàng” (trích lời GS Ngô Bảo Châu).
Thế nhưng tranh luận, phản biện thế nào là phù hợp, là đúng chuẩn mực, là thể hiện tính xây dựng thì ở Việt Nam vẫn chưa có một định chế, quy tắc rõ ràng cho hoạt động tranh luận, phản biện.
Chính vì vậy, khi đại biểu Hoàng Hữu Phước có những phát ngôn trên blog mang cái tôi cá nhân, mang chính kiến của mình thì lại thiếu phương pháp, lại thiếu tôn trọng đối với một ĐBQH khác. Cho nên dẫn đến nhiều người “sốc”, dự luận bất ngờ kèm theo cả bất bình.
Đại biểu Quốc hội có ý kiến trái ngược nhau là chuyện rất bình thường. Việc tranh luận cho ra lẽ, cho đến nơi đến chốn, cho sự phát triển luôn phải được khuyến khích. Vậy cần phải có những quy chế, quy tắc thậm chí luật định cho việc tranh luận, phản biện giữa các ĐBQH với nhau, để chuyện rất bình thường không trở nên bất thường, không gây phản ứng phụ và không làm thất vọng niềm tin của nhân dân.
Có lẽ không một người dân nào muốn những đại biểu do mình bầu ra lại mạt sát nhau, xúc phạm nhau bằng những lời lẽ chưa chuẩn mực. Chắc chắn họ kỳ vọng nhiều hơn vào những đại biểu nhân dân ở những phát kiến, ở những phản biện sâu sắc, chất lượng và thuyết phục.
Từ vụ việc thực tiễn, một vụ việc “chưa từng có ở Quốc hội” Việt Nam, thiết nghĩ các ĐBQH bên cạnh việc rút ra một bài học kinh nghiệm cần xem xét đưa vấn đề tranh luận, phản biện của các đại biểu vào luật định hoặc xây dựng cho nó một quy chế, quy tắc ứng xử thật phù hợp.
Luật gia Giang Quyết