Tại phiên tòa, HĐXX TAND huyện Việt Yên nêu rõ nội dung vụ án như sau: Gia đình ông An và ông Dũng đã canh tác, trồng lúa trên 2 mảnh ruộng sát chân đê ở khu vực Đìa Vàng, Thôn Râm từ năm 1988.
Đất này đã được quy hoạch là hành lang bảo vệ đê, các hộ tự do canh tác. Đây cũng không phải là đất công ích. Khi nhà nước thu hồi đất, để thực hiện dự án tu bổ đê hữu Lái Nghiên (Việt Yên, Bắc Giang), hai ông An và Dũng do là trưởng, phó thôn nên đã tự xác nhận là đất được thôn giao quyền sử dụng của các hộ dân từ trước năm 1993.
Trên cơ sở đó, các cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện công tác bồi thường và hỗ trợ khi thu hồi đất đã lập phương án, phê duyệt và chi trả gia đình ông An số tiền 97.185.600 đồng, gia đình ông Dũng số tiền 45.364.500 đồng.
Ngay sau đó, do có khiếu nại nên cơ quan điều tra vào cuộc và xác định là hai ông kê khai và xác nhận không đúng nguồn gốc đất. Qua đó, cơ quan công an xác định ông An chiếm đoạt số tiền là 73.367.700 đồng, ông Dũng chiếm đoạt 43.585.500 đồng. Việc chiếm đoạt này hoàn thành được do có sự thiếu trách nhiệm của một số cán bộ, công chức.
Tranh luận tại phiên tòa, luật sư Triệu Hạnh Hiển, trưởng Văn phòng luật sư Triệu Hiển (Đoàn luật sư tỉnh Bắc Giang), người bào chữa cho bị cáo An nêu rằng cả hai bị cáo đều không có tội, bởi các lẽ sau:
Thứ nhất, không có căn cứ xác định Nhà nước bị chiếm đoạt hơn 116 triệu đồng vì gia đình hai ông thật sự có sử dụng, canh tác trên diện tích bị thu hồi từ năm 1988. Diện tích đất bị thu hồi, có một phần nằm trong hành lang bảo vệ đê, một phần là thùng vũng, hai gia đình tự bồi bổ lấp để canh tác. Theo tất cả các quy định của pháp luật về hành lang bảo vệ đê từ lập nước đến nay, chưa khi nào coi hành vi trồng lúa trong hành lang đê là vi phạm.
Điều 21 luật Đê điều năm 2006 còn nêu rõ: Quy định đối với đất sử dụng cho việc xây dựng tu bổ nâng cấp kiên cố hóa đê điều, khi Nhà nước sử dụng đất trong phạm vi bảo vệ đê điều để xây dựng, nâng cấp kiên cố hóa đê điều thì người sử dụng đất đó được bồi thường hoặc hỗ trợ về hoa màu và tải sản trên đất theo quy định của pháp luật Đất đai.
Do vậy, đất của gia đình bị cáo Nguyễn Văn An đủ điều kiện bồi thường hỗ trợ theo quy định của luật Đất đai. Mặt khác, đơn vị thực hiện giải tỏa mặt bằng đã có văn bản, phó chủ tịch huyện Việt Yên, người phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ cho hai ông, khẳng định đã thực hiện đúng chính sách nhà nước đối với gia đình hai ông, số tiền hai ông nhận là đúng pháp luật. Như vậy Nhà nước không có thiệt hại số tiền 116 triệu đồng.
Luật sư Hiển cũng cho rằng, hồ sơ vụ án có sử dụng chứng cứ giả mạo là biên bản ngày 15/02/2012. Bởi biên bản này, không do người có thẩm quyền xác định nguồn gốc đất chủ trì cuộc họp và nó có nội dung giả mạo. Có hai người không có mặt là ông Nguyễn Văn Ước và ông Nguyễn Văn Thọ, vẫn ghi có mặt và có chữ ký đóng dấu UBND xã để lấy danh nghĩa cuộc họp do UBND xã tổ chức.
Đối chiếu với điều kiện được coi là chứng cứ quy định tại điều 64 bộ luật TTHS thì “Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định…”. Không có cuộc họp ngày 15/02/2012, thì biên bản này là giả mạo, không được coi là chứng cứ. Vì vậy đề nghị HĐXX căn cứ điều 64 bộ luật Tố tụng hình sự không công nhận biên bản ngày 15/02/2012 là chứng cứ vụ án.
Tại phiên tòa, phó chủ tịch UBND xã Tự Lạn và cán bộ địa chính của xã này cũng thừa nhận không có mặt tại cuộc họp nhưng sau đó cũng tự ký vào biên bản cuộc họp.
Tranh tụng tại tòa, Luật sư Hiển cũng cho rằng, kể cả có việc xác nhận, cam kết sai của bị cáo An theo như biên bản ngày15/2/2012, thì hai bị cáo cũng không phạm tội, vì trưởng, phó thôn không có trách nhiệm quản lý đất đai.
Nhiệm vụ của trưởng thôn theo quy định tại điều 10 Thông tư 04/2012/TT-BNV ngày 31/8/2012, thì không có nhiệm vụ quản lý đất đai. Cho nên trưởng thôn có xác nhận về đất đai thì cũng không có giá trị pháp lý, xác nhận của trưởng thôn chỉ để tham khảo, như ý kiến của người dân thường. Nếu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và nhiệm vụ quản lý đất đai, mà chỉ dựa vào ý kiến của một người không có nhiệm vụ, quyền hạn mà dẫn đến sai phạm thì phải tự chịu trách nhiệm.
Luật sư Hiển khẳng định hai bị cáo không lợi dụng chức vụ quyền hạn để kê khai sai hay xác nhận về nguồn gốc đất của mình đang sử dụng. Vì kê khai đất đang sử dụng khi nhà nước thu hồi là quyền bình thường của mọi chủ sử dụng đất, việc bị cáo An và Dũng kê khai đất của mình đang sử dụng chỉ với tư cách là chủ sử dụng đất không phải sử dụng chức vụ quyền hạn của trưởng thôn như một phương tiện để thực hiện hành vi kê khai, nên không có dấu hiệu đặc trưng của lạm dụng chức vụ quyền hạn.Việc trưởng thôn có ý kiến trong cuộc họp khi được cấp trên hỏi, ngoài nhiệm vụ của mình thì dù nói đúng hay sai cũng không phải là lạm dụng quyền hạn như một phương tiện để thực hiện các hành vi trên, do đó không cấu thành tội này.
Đồng thời, vụ án có những vi phạm về tố tụng khi xác định nhân chứng là ông Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn Văn Ước, Nguyễn Văn Quảng, là những đối tượng có hành vi gian dối. Trong đó, ông Ước và ông Thọ không đủ điều kiện làm nhân chứng, bởi khi lập biên bản ngày 15/02/2012, hai người này không có mặt nhưng vẫn ký xác nhận. Điều này, gây bất lợi cho tính khách quan của vụ án, họ không đủ điều kiện là nhân chứng bởi căn cứ theo điểm b, khoản 2 Điều 55 bộ luật TTHS quy định người không được làm chứng là người không có khả năng khai báo đúng đắn.
Luật sư Hiển cũng cho rằng: Cơ quan tiến hành tố tụng huyện Việt Yên, Bắc Giang có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án. Bởi lẽ, ngày 21/01/2013, cơ quan công an huyện Việt Yên đã có công văn số 40/CQĐT do Phó thủ trưởng cơ quan điều tra ký đóng dấu thông báo ý kiến của cơ quan điều tra cho rằng đền bù cho các hộ gia đình bị cáo là không đúng, yêu cầu Trung tâm phát triển quỹ đất và cụm Công nghiệp huyện Việt Yên (TTPTQĐ&CCN ) tính lại phương án đền bù.
Ngày 25/01/2013, TTPTQĐ&CCN có công văn số 09 trả lời cơ quan điều tra về việc đền bù hỗ trợ cho các hộ gia đình hai bị cáo và các hộ khác. Đây là hai văn bản rất quan trọng, thể hiện hoạt động tố tụng của lãnh đạo cơ quan điều tra và của giám đốc cơ quan chủ trì lập dự án bồi thường. Văn bản này có nội dung quan trọng, đánh giá toàn bộ việc bồi thường giải phóng mặt bằng liên quan đến vụ án nhưng đã không được đưa vào hồ sơ vụ án, làm mất cơ sở đánh giá khách quan toàn diện về vụ án và trách nhiệm hình sự của các bị cáo. Do vậy, luật sư Hiển đề nghị HĐXX TAND huyện Việt Yên xem xét, quyết định bị cáo An và Dũng không có tội, trả lại tiền bồi thường cho các bị cáo.
Trước các căn cứ pháp lý mà luật sư bào chữa cho bị cáo nêu ra, HĐXX TAND huyện Việt Yên vẫn xác định gia đình ông An đã tự nguyện nộp lại số tiền 90.000.000 đồng, gia đình bị cáo Dũng đã nộp số tiền 45.000.000 đồng. Hành vi của các bị cáo đã phạm vào tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, do đó tòa tuyên phạt bị cáo An 7 năm tù, bị cáo Dũng 36 tháng tù cho hưởng án treo, trả số tiền các bị cáo đã chiếm đoạt về ngân sách nhà nước.
Kết thúc phiên tòa, gia đình bị cáo Nguyễn Văn An đã kháng cáo toàn bộ bản án của TAND huyện Việt Yên.
Qua xem xét các căn cứ pháp lý của vụ án, nhiều chuyên gia pháp lý khẳng định TAND huyện Việt Yên đã không xem xét các căn cứ pháp lý của vụ án một cách khách quan, toàn diện, do vậy phán quyết của cơ quan này có dấu hiệu không phù hợp với quy định của pháp luật. Hy vọng, phiên tòa phúc thẩm tới đây các tình tiết của vụ án sẽ được làm sáng tỏ, phán quyết công minh đúng pháp luật.
Nhóm PV