Báo cáo rõ hơn về sự cần thiết của đổi tên
Chiều 18/9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).
Thảo luận về dự án Luật Tòa án nhân (sửa đổi), các đại biểu tập trung cho ý kiến về phạm vi và yêu cầu sửa đổi luật. Bởi ngoài các quy định về tổ chức tòa án nhân dân, dự án luật bổ sung một số nội dung về tổ chức xét xử liên quan đến nghiệp vụ tố tụng, mở rộng phạm vi về tổ chức bộ máy cơ cấu bên trong; sự phù hợp của dự án luật với chủ trương, đường lối của Đảng, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; một số vấn đề cụ thể của dự án luật.
Về nhiệm vụ xét xử vi phạm hành chính của tòa án, Điều 26 của dự thảo luật quy định: Tòa án có thẩm quyền xét xử vi phạm hành chính theo quy định của luật. Một số ý kiến cho rằng, đây là quy định mới có tác động lớn tới hệ thống pháp luật, nhưng báo cáo đánh giá tác động còn chung chung, thiếu phân tích cụ thể về tác động của quy định này đến hệ thống pháp luật.
Các đại biểu đề nghị đánh giá kỹ hơn về thẩm quyền này, nhất là sự thống nhất của dự thảo luật với Luật Xử lý vi phạm hành chính, đặc biệt đánh giá kỹ hơn về tính khả thi của quy định này.
Về đổi tên Tòa án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, một số ý kiến cho rằng tờ trình của ban soạn thảo nhằm đảm bảo hoạt động xét xử độc lập là chưa thuyết phục, nếu toà án vẫn gắn với đơn vị hành chính, việc đổi tên không làm thay đổi nhiều mà còn gây phiền hà, tốn kém; đề nghị báo cáo rõ hơn về sự cần thiết, tác động của việc đổi tên trong dự thảo.
Về quy định tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt để xử lý các dự án đặc thù, dự thảo luật quy định việc thành lập tòa án này do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trên cơ sở đề nghị của Chánh án tòa án nhân dân tối cao tùy thuộc vào tình hình thực tế.
Đa số ý kiến đồng tình với sự cần thiết thành lập tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt để đảm bảo tính chuyên biệt, chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động, phát huy trình độ chuyên môn sâu của thẩm phán, hội thẩm trong xét xử, từ đó nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ việc này.
Tuy nhiên, cũng cần giải trình, bổ sung quy định rõ tiêu chí, điều kiện thành lập các tòa án này, bảo đảm không tăng biên chế, tổ chức.
Về Hội đồng tư pháp quốc gia, dự thảo luật quy định Hội đồng tư pháp quốc gia trên cơ sở kế thừa tổ chức và hoạt động của Hội đồng tuyển chọn giám sát thẩm phán quốc gia; đồng thời bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng tư pháp quốc gia. Theo đó, Hội đồng thẩm phán quốc gia có trách nhiệm trình Chủ tịch nước quyết định miễn nhiệm, bãi nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán.
Xem xét các khiếu nại liên quan đến bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm, khen thưởng, kỷ luật Thẩm phán để đề nghị Chủ tịch nước quyết định theo quy định của pháp luật.
Giám sát việc phân bổ biên chế, kinh phí, nguồn lực cho các Tòa án nhân dân… Có ý kiến cho rằng, quy định dự thảo là phù hợp, đồng thời đề nghị quy định Chủ tịch nước là Chủ tịch hội đồng; bổ sung đại diện Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tham gia Hội đồng này.
Có ý kiến đề nghị ban soạn thảo làm rõ việc thành lập Hội đồng đã đáp ứng mục đích, yêu cầu đặt ra tại Nghị quyết số 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới?
Bởi mục tiêu Nghị quyết 27 là khắc phục quan hệ hành chính, nhưng thành phần chủ yếu trong dự thảo luật là lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao, hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm. Đại biểu cũng đề nghị làm rõ vai trò, trách nhiệm của từng thành viên trong Hội đồng Tư pháp quốc gia, tính khả thi khi giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành viên của Hội đồng tư pháp quốc gia.
Đổi mới hoạt động tư pháp
Tại phiên họp, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đã giải trình một số vấn đề đại biểu nêu liên quan đến quyền tư pháp, nhiệm vụ của Tòa án, phạm vi điều chỉnh, giải thích pháp luật và áp dụng pháp luật, thành lập Hội đồng tư pháp quốc gia...
Ông Nguyễn Hòa Bình cho biết, quá trình chuẩn bị sửa đổi luật được tiến hành kỹ lưỡng, qua nhiều năm, tuân thủ các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Việc sửa đổi luật là dịp để đổi mới hoạt động tư pháp và cải cách tổ chức tòa án nhân dân trong giai đoạn tiếp theo.
Ban soạn thảo sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo luật, nhằm đạt mục tiêu phát triển nền tư pháp Việt Nam như đã nêu tại Nghị quyết số 27.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, việc sửa đổi Luật Tòa án nhân dân là cần thiết, nội dung cơ bản bám sát và thể chế hóa các chủ trương của Đảng về cải cách hành chính, cải cách tư pháp, đề xuất một số quy định mới so với luật hiện hành. Ủy ban Tư pháp đã thể hiện trách nhiệm tham gia thẩm tra từ sớm, thẩm tra thận trọng và có báo cáo thẩm tra sơ bộ.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh nguyên tắc sửa đổi Luật Tòa án nhân dân phải thể chế và cụ thể hóa Nghị quyết 27-NQ/TW – đây là nguyên tắc tối thượng. Trong đó, cần tuân thủ nguyên tắc vấn đề nào không được đưa vào Nghị quyết 27 cũng không đưa vào dự thảo luật.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, cần quán triệt quan điểm Nghị quyết 27 và Kết luận số 19 năm 2021 về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Những điều cấp bách đủ chín, đủ rõ có sự thống nhất, mới quy định trong luật. Nội dung cấp bách, đã có cơ sở chính trị và căn cứ pháp lý nhưng chưa chín muồi, có thể nghiên cứu thí điểm.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cơ quan thẩm tra nghiên cứu kỹ lưỡng ý kiến của Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, các cơ quan của Quốc hội tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng để có báo cáo dự thảo và báo cáo thẩm tra tốt nhất, đảm bảo căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý, thống nhất với Hiến pháp, hệ thống pháp luật và các điều ước quốc tế trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 tới.