Sáng 25/5, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe trình bày Tờ trình dự án luật Quản lý nợ công (sửa đổi); Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật Quản lý ngoại thương và thảo luận về dự án luật Quản lý ngoại thương.
Đa số ý kiến ĐBQH đánh giá cao và cơ bản thống nhất với những nội dung trong dự thảo luật. Tuy nhiên, còn nhiều nội dung có ý kiến khác nhau như: Về trách nhiệm quản lý Nhà nước về ngoại thương; cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; quản lý theo giấy phép, điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu…
ĐBQH Nguyễn Vân Chi (đoàn Nghệ An) cho rằng, về trình tự nhập khẩu, xuất khẩu quy định từ Điều 24 đến Điều 26, chưa đảm bảo cụ thể, rõ ràng, minh bạch cho các doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý trong thực hiện.
Vị ĐBQH cũng băn khoăn về quy định việc Bộ trưởng bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan quyết định, công bố hàng hóa và các cửa khẩu xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa tương ứng và lộ trình thực hiện; việc chỉ định cửa khẩu xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa phải được công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng chậm nhất 30 ngày trước ngày quyết định có hiệu lực. “Sự không rõ ràng như trong dự thảo luật này quy định có thể dẫn đến sự tùy tiện trong thực hiện, gây khó khăn cho doanh nghiệp”, ĐBQH Nguyễn Vân Chi nhấn mạnh.
ĐBQH Nguyễn Thanh Thủy (đoàn Hậu Giang) đề nghị làm rõ một số nội dung: Dự thảo luật chỉ áp dụng với hàng hóa mà không điều chỉnh dịch vụ, trong khi hoạt động ngoại thương liên quan đến nhiều dịch vụ. Việc xây dựng luật liên quan đến nhiều luật, văn bản luật hiện hành, do đó cần đảm bảo đồng bộ, giải quyết tốt và phù hợp với luật hiện hành.
Nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo luật còn giao cho bộ Công Thương rất nhiều thẩm quyền, do đó cần bổ sung quy định theo hướng minh bạch, rõ ràng, có cơ chế kiểm soát, giám sát; cần làm rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước của các bộ ngành liên quan, quy định rõ ràng và mạnh dạn phân cấp cho địa phương để phát huy tốt vai trò trong quản lý ngoại thương.
Một số ý kiến đề nghị cần bổ sung quy định và các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động ngoại thương. Thời gian qua, việc thương lái nước ngoài núp bóng doanh nghiệp Việt Nam thu mua chèn ép hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam cũng như thu mua, chèn ép hàng hóa trong nước... gây bức xúc. Có tình trạng hàng hóa nước ngoài nhập vào giả danh hàng Việt Nam.
“Vậy, luật quan tâm đến vấn đề này như thế nào? Trong khi đó, các nước có hệ thống phòng vệ rất mạnh, chặt chẽ như việc bảo trợ doanh nghiệp, chống bán phá giá… Tôi đề nghị, bổ sung nội dung trên vào luật và phải có chế tài xử phạt hợp lý, để doanh nghiệp trong nước được cạnh tranh lành mạnh. Đồng thời, điều này cũng sẽ ngăn chặn các đối tượng có hành vi tiếp tay cho doanh nghiệp nước ngoài gây tổn hại đến nền kinh tế của đất nước. Đề nghị quy định cụ thể, minh bạch danh mục hàng hóa cấm xuất nhập khẩu, cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt các loại giấy phép không cần thiết nhằm đảm bảo quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp”, ĐBQH Nguyễn Thanh Thủy nêu ý kiến.
ĐBQH Đinh Công Sỹ (đoàn Sơn La) băn khoăn khi còn nhiều điều thể hiện dưới dạng khái niệm mà không thể hiện nội dung quy định. Điều 27 và Điều 28 quy định về nguyên tắc áp dụng chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu và thẩm quyền áp dụng chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu nhưng không quy định rõ tiêu chí và điều kiện cụ thể.
“Tôi đề nghị quy định rõ tiêu chí và điều kiện trong những nội dung này, đảm bảo tính minh bạch, công bằng giữa các doanh nghiệp, tránh tạo cơ chế xin cho, kiềm chế sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp”.
Dương Thu (ghi)