Tránh tình trạng "chuyển đổi sang đấy rồi cho cỏ mọc mà không sử dụng"

Hoàng Thị Bích

Hoàng Thị Bích

Thứ 2, 01/11/2021 08:33

Theo ĐBQH Trần Văn Lâm, việc chuyển đổi đất công nghiệp, đất trồng lúa nếu đáp ứng được đầy đủ, phù hợp thì đây là một chiến lược rất quan trọng cho sự phát triển.

Mặt bằng là khâu thiết yếu cho sự phát triển

Tuần qua, Quốc hội thảo luận về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025). Trao đổi với Người Đưa Tin bên hành lang Quốc hội về quy hoạch sử dụng đất giai đoạn tới ĐBQH Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội khóa XV đã có những đánh giá tổng quan về phương án quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030.

Liên quan đến đất khu công nghiệp, chỉ tiêu được Quốc hội quyết định đến năm 2020 là 191,42 nghìn ha, thực hiện được 90,83 nghìn ha đạt 47,45%. Với mục tiêu đến năm 2030 đưa nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, tỉ trọng khu vực công nghiệp chiếm 40% GDP, trong quy hoạch sử dụng đất tiếp tục ưu tiên dành quỹ đất cho phát triển các khu công nghiệp, đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng, thời gian qua chính sách thu hút đầu tư phát triển kinh tế của chúng ta đã huy động được một lực lượng lớn các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước tham gia vào các lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh. Hạ tầng, đất đai phục vụ cho sự phát triển của các doanh nghiệp, về cơ bản các địa phương đáp ứng được nhu cầu.

Tiêu điểm - Tránh tình trạng 'chuyển đổi sang đấy rồi cho cỏ mọc mà không sử dụng'

Toàn cảnh phiên họp chiều ngày 30/10 bàn về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025).

Đất đai là nguồn tài nguyên hết sức đặc biệt

Phát biểu giải trình làm rõ một số vấn đề các ĐBQH nêu tại phiên họp trực tuyến chiều 30/10, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh: “Đất đai là một nguồn tài nguyên hết sức đặc biệt, không gian để phát triển, nếu chúng ta không quy hoạch sử dụng đất đai thì dẫn đến tình trạng các yêu cầu phát triển. Đặc biệt, là đáp ứng yêu cầu để phát triển kinh tế - xã hội của chiến lược 10 năm sẽ có độ trễ rất lớn và ảnh hưởng rất lớn đến phát triển của đất nước. Hiện nay, quy hoạch đất đai sẽ đi trước một bước và là nền tảng để định hướng cho các quy hoạch và định hướng không gian. Về đất trồng lúa, để đảm bảo không chỉ vấn đề an ninh lương thực mà đất lúa chính là đảm bảo giữ hệ tài nguyên đất đai, giá trị đất đai đặc biệt, thổ nhưỡng đặc biệt, hàng triệu năm mới tạo ra được và khi đã thay đổi không lấy lại được. Bởi vậy, chúng ta vẫn cương quyết giữ trên 3,5 triệu hecta. Đây cũng là một không gian dự trữ cho con cháu trong nhiều thế hệ khác, chứ không phải chỉ riêng đất trồng lúa. Nếu bây giờ mà khai thác hết không còn không gian đất để cho các thế hệ sau có nhu cầu phát triển…”.

“Trong một thời gian ngắn, diện tích lấp đầy các khu công nghiệp rất nhanh, hiện nay đã lấp đầy được 75%, tuy nhiên theo đánh giá thì không được đồng đều. Có những nơi tỉ lệ lấp đầy rất thấp, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa… những tỉnh chưa thu hút mạnh mẽ được đầu tư. Còn có nhiều nơi, các khu công nghiệp đã chật cứng, nhu cầu đất đai cho các khu công nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh là cần thiết”, đại biểu Lâm phân tích.

Nhìn từ những khía cạnh trên, đại biểu Lâm cho rằng, quy hoạch lần này chúng ta phải tính toán cho 10 năm, tầm nhìn đến năm 2050 và cụ thể kế hoạch cho 5 năm. Vì vậy, để đáp ứng các nhu cầu phát triển cho 30 năm tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tính toán, cân nhắc thận trọng, thấu đáo tính dài hơi để đảm bảo cho nguồn lực phát triển không bị ách tắc. Vì mặt bằng là khâu thiết yếu cho sự phát triển sản xuất kinh doanh.

“Có thể nói, thời gian qua diện tích đất dành cho công nghiệp bước đầu đáp ứng, nhưng ở nhiều nơi nhu cầu đã trở nên cấp bách. Bởi, diện tích dự trữ đất không còn. 5 năm, 10 năm tới có thể là một sự bùng nổ về kinh tế, đặc biệt là xu thế chuyển dịch sản xuất ở một số khu vực về Việt Nam thông qua chiến lược hấp dẫn, mời gọi đầu tư thu hút được “chim đại bàng” đến làm tổ... Vì thế, phải đảm bảo cho họ điều kiện thuận lợi, trước tiên là về mặt bằng sản xuất kinh doanh”, đại biểu Lâm bày tỏ.  

Đại biểu Lâm cũng cho rằng, việc quy hoạch tính toán phải rộng dài hơn là phù hợp. Tuy nhiên, quy hoạch như thế, nhưng thực hiện đến đâu thì phải căn cứ vào tình hình thực tế, thực tiễn nhu cầu phát sinh chứ không phải cứ quy hoạch vậy là ta chuyển đổi.

“Cho nên, hoàn toàn yên tâm rằng không phải chúng ta chuyển đổi một cách phí phạm, cứ chuyển đổi sang đấy rồi cho cỏ mọc mà không sử dụng gì… Chuyển đổi đất công nghiệp nếu đáp ứng được đầy đủ, phù hợp thì đây là một chiến lược rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội trong nhiều chu kỳ tiếp theo”, đại biểu Lâm nhấn mạnh.

Khi đã chuyển đổi không thể phục hồi lại được

Còn với việc chuyển đổi đất trồng lúa theo tờ trình của Chính phủ về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 quy hoạch đến 2030, diện tích đất trồng lúa và lúa kết hợp với các cây lương thực có 3,568 triệu ha, giảm 349 nghìn ha. Việc chuyển đổi đất trồng lúa diện tích lớn như vậy khiến nhiều ý kiến băn khoăn lo lắng rằng khi đất trồng lúa chuyển đổi thành công thì khó khôi phục lại.

Tiêu điểm - Tránh tình trạng 'chuyển đổi sang đấy rồi cho cỏ mọc mà không sử dụng' (Hình 2).

ĐBQH Trần Văn Lâm trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội. Ảnh Công Luân

Về điều này, đại biểu Lâm cũng đồng tình: “Đất trồng lúa khi đã chuyển đổi không thể phục hồi lại được, cho nên trong quá trình chuyển đổi phải thực sự thận trọng, chuyển đổi khi thực sự cần thiết. Tuy nhiên, cũng phải tính toán một cách tổng thể để sử dụng hợp lý hài hoà đất đai để phát triển kinh tế xã hội. Trong khi nhu cầu đất cho công nghiệp, phát triển đô thị lớn như vậy, mà chúng ta không có đất dành cho lĩnh vực này thì không phát triển được”.

Theo đại biểu đoàn Bắc Giang, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã phải tính toán, cân nhắc để xác định một tỉ lệ đất đai hợp lý chuyển đổi cho chiến lược năm 2050. Đảm bảo, tính toán rằng diện tích đất trồng lúa đến giai đoạn đó còn bao nhiêu, vì chúng ta phải giữ được diện tích để đảm bảo an ninh lương thực, cả đất đô thị, đất công nghiệp đến giai đoạn năm 2050 cũng đã được tính toán.

“Vì thế, việc chuyển đổi vẫn nằm trong tính toán, quy hoạch của chúng ta để đảm bảo an ninh lương thực, đảm bảo đất phục vụ cho các nhu cầu kinh tế xã hội khác. Việc chuyển đổi tính toán làm sao cho hiệu quả nhất, phải xác định một cơ cấu hợp lý đến cuối kỳ. Trên cơ sở cơ cấu đó mới xác định trong kế hoạch nhiệm kỳ 5 năm, từng năm một thì được phép chuyển đổi bao nhiêu. Cho nên, chúng ta cũng không nên vội vàng nhìn vào các con số mà lo lắng”, đại biểu Trần Văn Lâm cho hay.

Hạn chế mức thấp nhất chuyển đổi đất lúa sang đất khu công nghiệp

Cho ý kiến về chuyển đổi đất trồng lúa tại phiên thảo luận trực tuyến chiều 30/10, ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (Đoàn Nam Định) cho rằng: “Về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030 Chính phủ trình diện tích đất trồng lúa là 3,56 triệu hecta, giảm hơn 348.000 hecta. Tuy nhiên, trong số diện tích sẽ được chuyển sang đất phi nông nghiệp thì có tới 48.000 hecta đất lúa chuyển sang đất làm khu công nghiệp. Theo tính toán của các nhà khoa học thì mỗi hecta đất nông nghiệp dành cho khu đô thị, khu công nghiệp thường kéo theo khoảng 1 đến 2 hecta đất liền kề không sử dụng được do ô nhiễm nước, khí thải. Do đó, tôi cho rằng mặc dù về lâu dài để phát triển kinh tế thì cần phải có quỹ đất dành cho khu công nghiệp nhưng cần hạn chế đến mức thấp nhất việc chuyển đổi đất lúa sang đất khu công nghiệp, vì đất này khó có thể bảo đảm quay trở lại trồng lúa”

 

Hoàng Bích - Công Luân

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.