Tránh tình trạng luật vừa ban hành đã thấy “vướng”

Tránh tình trạng luật vừa ban hành đã thấy “vướng”

Nguyễn Hoàng Yến

Nguyễn Hoàng Yến

Thứ 5, 22/07/2021 07:22

Đây là kiến nghị của ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga khi bàn về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.

Vẫn “nóng” câu hỏi: “Bao giờ có luật Đất đai (sửa đổi)?”

Trao đổi với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật bên hành lang Quốc hội chiều 21/7, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga - Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương – nhận định: Tôi cho rằng, Quốc hội đã bố trí một chương trình dự thảo luật pháp lệnh cho năm 2021, 2022 khá chi tiết.

Bà Nga cho biết, bà đặc biệt quan tâm đến luật Đất đai (sửa đổi). Bởi, luật Đất đai hiện hành đã nảy sinh nhiều vấn đề bất cập, vướng mắc, cần phải sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn hơn.

“Nếu không sớm sửa đổi thì các khó khăn, vướng mắc cũng chưa được thực hiện. Vì vậy, cần xem xét, sớm đưa luật Đất đai (sửa đổi) vào trong các kỳ họp sớm nhất này”, vị ĐBQH đoàn Hải Dương nói.

Tiêu điểm - Tránh tình trạng luật vừa ban hành đã thấy “vướng”

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (ảnh: H.B)

Trước đó, thảo luận tại hội trường chiều cùng ngày, một số ĐBQH cũng đã nêu ý kiến về dự thảo luật này.

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) cho rằng, có tình trạng một số dự thảo luật hết sức cấp bách nhưng theo phản ánh của nhiều cử tri và địa phương thì chưa được đưa ra sửa đổi kịp thời, điển hình là luật Đất đai.

Theo vị đại biểu đoàn Kiên Giang, luật Đất đai đã được đưa ra nhiều lần trong các chương trình kỳ họp của Quốc hội khoá XIV tuy nhiên cũng nhiều lần xin lùi thời gian để Chính phủ nghiên cứu thêm.

“Để thực hiện nghiêm chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cũng như để Quốc hội thoát khỏi thế bị động và nâng cao chất lượng làm luật, tôi kiến nghị Quốc hội cần có giải pháp khắc phục tồn tại nêu trên”, bà Bé nói.

Trong khi đó, ĐBQH Tô Văn Tám (đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum) lại có quan điểm riêng khi trao đổi về vấn đề này.

Ông Tám nói, về luật Đất đai (sửa đổi) đang được cử tri và nhân dân quan tâm, Chính phủ đề nghị cho ý kiến tại kỳ họp Quốc hội thứ Ba năm 2022 và thông qua tại kỳ họp thứ Tư năm 2022; UBTVQH đề nghị cho ý kiến tại kỳ họp thứ Tư và thông qua tại kỳ họp thứ Năm năm 2023. Đó là sự thận trọng có cơ sở bởi tính phức tạp và nội dung rộng lớn của vấn đề.

“Mặc dù Nghị quyết của Quốc hội có cho quan điểm mở là trong quá trình chuẩn bị nếu chất lượng tốt và tiến độ nhanh hơn thì UBTVQH sẽ trình Quốc hội xem xét để đẩy đẩy nhanh tiến độ thông qua ở hai kỳ họp. Tôi nghĩ rằng cần khẳng định phải thông qua tại ba kỳ họp bởi tính phức tạp cả về lý luận và thực tiễn của vấn đề sở hữu và vấn đề quản lý, sử dụng đất đai”, ông Văn Tám nêu quan điểm.

Sau khi nghe góp ý của các ĐBQH tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tiếp thu ý kiến của các đại biểu và cho biết, việc chuẩn bị chương trình xây dựng luật, pháp lệnh là sự tiếp nối nhất quán của Chính phủ cũ và mới.

Theo Bộ trưởng bộ Tư pháp, sẽ có một số dự án luật được Chính phủ tiếp tục bổ sung vào chương trình, riêng dự án luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật phức tạp, có nội dung tác động lớn tới xã hội, cần nhiều thời gian để nghiên cứu kỹ lưỡng, Chính phủ đưa dự án luật này vào chương trình là sự cố gắng rất lớn.

Xây dựng, điều chỉnh luật tránh phải “đưa vào” rồi “rút ra”

Nhấn mạnh một hạn chế trong công tác xây dựng luật những năm qua, ĐBQH Tô Văn Tám chia sẻ: Việc thể chế hoá nghị quyết của Đảng còn chậm, chậm từ chương trình hành động đến các quy định pháp lý. Nghị quyết 36 năm 2018 về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2013 tầm nhìn năm 2045 có bất cập khi việc cụ thể hoá bằng các quy định pháp lý để triển khai thực hiện còn chậm 17 tháng, theo báo cáo của Chính phủ.

Hay việc cụ thể hoá các quy định của Hiến pháp về quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội còn chậm.

Theo vị đại biểu đoàn Kon Tum, việc điều chỉnh chương trình xây dựng, điều chỉnh luật mà ta thường gọi là “đưa vào” và “rút ra” chưa đảm bảo về thời gian. Nội dung này, theo tờ trình của UBTVQH, là đã tồn tại nhiều năm và chưa được khắc phục.

Tiêu điểm - Tránh tình trạng luật vừa ban hành đã thấy “vướng” (Hình 2).

ĐBQH Tô Văn Tám

“Thực tiễn luôn luôn biến động, quá trình chấp hành, điều hành, quản lý phải bám sát thực tiễn để đề xuất ban hành hoặc sửa đổi bổ sung các quy định pháp lý tương ứng để đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Việc Chính phủ đề xuất việc điều chỉnh “đưa vào” hoặc “đưa ra” một dự án luật nào đó là có thể giải thích được. Nhưng như tờ trình của UBTVQH nhận định, nguyên nhân chủ yếu của việc này không phải khách quan mà chủ yếu là tổ chức thực hiện chưa tốt; kỷ cương kỷ luật, công tác xây dựng pháp luật chưa nghiêm; một số cơ quan được giao chủ trì chuẩn bị chưa thật sự chủ động, thiếu sự quan tâm đầu tư thoả đáng, chưa bám sát yêu cầu của luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; chưa chú trọng công tác tổng kết đánh giá tác động của chính sách đến đời sống kinh tế xã hội và môi trường v.v…

Phải chăng chúng ta chưa có cơ chế trách nhiệm rõ ràng, và nếu thế cần phải xem xét xây dựng cơ chế trách nhiệm pháp lý theo hướng cá thể hoá trách nhiệm trong quá trình chuẩn bị và trình dự luật trước Quốc hội”, ông Tám nêu câu hỏi.

Tại hội trường chiều cùng ngày, ông Lê Xuân Thân (ĐBQH đoàn Khánh Hoà) nhấn mạnh công tác xây dựng luật nên đáp ứng nhu cầu thực tiễn, nên xem xét sớm Luật về phòng bệnh và nâng cao sức khoẻ người dân, Luật về tình trạng khẩn cấp.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP.HCM) khẳng định công tác lập pháp là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Quốc hội và vẫn còn nhiều tồn tại bên cạnh những thành quả. Công tác lập pháp nên dành thời gian thảo luận nhiều hơn ở kỳ họp tới, cần đầu tư nguồn lực cho công tác này.

“Trong những tháng gần đây, Thủ tướng Chính phủ dành nhiều thời gian làm việc với các địa phương, bộ ngành, yêu cầu rà soát những chồng chéo, phải sửa đổi ngay, Đại biểu Quốc hội rất đồng tình với Thủ tướng và mong sớm nhận được báo cáo rà soát. Những báo cáo này khi được đưa vào báo cáo làm luật sẽ sát với thực tế hơn”, đại biểu Trần Hoàng Ngân phát biểu.

Vẫn bên hành lang Quốc hội chiều 21/7, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ trăn trở: Chúng ta đang phải đối mặt với dịch Covid-19, dịch bệnh không những khốc liệt mà còn có khả năng kéo dài, nên việc xem xét các dự án luật liên quan đến chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân cũng là yêu cầu đặt lên hàng đầu.

Nhận xét chung về công tác xây dựng pháp luật, bà Nga nêu quan điểm: “Xây dựng pháp luật là công việc rất quan trọng, đòi hỏi sự kỹ lưỡng ngay từ khâu chuẩn bị. Ngay từ hồ sơ xây dựng luật pháp, lệnh thì các cơ quan có liên quan đã phải chuẩn bị hết sức công phu, kỹ lưỡng.

Với các Uỷ ban của Quốc hội khi thẩm tra dự án luật cần vô cùng thận trọng, còn phải có sự đối chiếu và rà soát tất cả các dự án luật có liên quan, thậm chí phải mở rộng việc so sánh, đối chiếu với luật của nước ngoài để tránh sự chồng chéo, chất lượng xây dựng luật tốt hơn.

“Tránh tình trạng một bộ luật mới ban hành đã thấy vướng, luật chồng chéo lên nhau phải tiếp tục sửa đổi như vậy chất lượng xây dựng luật không cao, luật đi vào cuộc sống quá nhiều vướng mắc”, bà Nga nói.

 

Trong chương trình kỳ họp thứ Nhất Quốc hội khoá XV, chiều 21/7, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Tờ trình về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.

Tiếp đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đọc dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chương trình nói trên.

Theo đó, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 sẽ được bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của luật Thống kê; đồng thời điều chỉnh lùi thời gian trình đối với dự án luật Thanh tra (sửa đổi).

Năm 2022, dự kiến Quốc hội sẽ thông qua 09 dự án luật và một dự thảo Nghị quyết; đồng thời cho ý kiến đối với 07 dự án luật khác.

 

Hoàng Yến – Hoàng Bích

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.