Giới hội họa thường gọi Đặng Phương Việt với cái tên thân mật "Việt sen". Việt là họa sỹ đã dành suốt quãng đời theo đuổi nghệ thuật của mình để vẽ sen. Yêu sen, chơi sen, vẽ sen, nghĩ về sen... dường như ngần ấy vẫn chưa đủ cho cái tình yêu Việt dành cho sen. Từ yêu sen, Việt tìm đến thế giới của đạo Phật, đồng thời gia nhập nhóm họa sỹ - phật tử Mặc Hương. Theo Việt, sen gắn với tình yêu đất nước, con người Việt Nam mới thực sự mang ý nghĩa tròn đầy, viên mãn.
Họa sỹ Đặng Phương Việt
Dạo chơi với màu sắc
Đặng Phương Việt thường nói vui, mình là trai phố cổ chính hiệu. Có lẽ, vì thế mà Việt bộc lộ cốt cách tao nhã trong từng thời khắc thưởng ngoạn sen. Theo nếp nhà, thói quen sinh hoạt trong gia đình Việt, vào mùa sen, không lúc nào thiếu một bình hoa sen hồng - thứ sen chính hiệu Hồ Tây, được cha anh cất công tìm mua từ sáng tinh mơ. Thói quen thưởng trà sen vào mỗi buổi sáng dường như cũng trở thành truyền thống của gia đình anh. "Trà sen pha như thế nào, vào thời điểm nào… mới đạt tới độ tinh của trà, mới thể hiện cốt cách của người thưởng nó, sẽ nói lên giá trị của sen trong đời sống", Việt nói.
Anh tâm sự: "Tôi yêu sen, sống đời vì sen và mỗi cuộc "phiêu" ấy được tái hiện như một sự dạo chơi với màu sắc là sen". Nhiều người thưởng thức tranh sen của Đặng Phương Việt đều tỏ ra vô cùng thú vị, bởi anh vẽ sen đấy nhưng đâu đó vẫn thấp thoáng những đường nét cách điệu khiến người xem như lạc bước từ hiện thực sang hoài nghi. Việt chia sẻ: "Sen trong tranh tôi là hình tượng để người họa sỹ biểu đạt trạng thái tâm thức. Mỗi sự dụng công trong từng đường nét, màu sắc, hình khối đều là sự thăng hoa của cảm xúc". Không ít người lần đầu tiên thưởng thức tranh Việt có ấn tượng không phải vì tranh đẹp mà vì sự… rối mắt, vì yêu sen. Anh không phủ nhận thế mạnh của mình là khả năng sử dụng màu sắc đạt tới độ "cuồng phiêu".
Sen trong tranh Việt không đơn giản với hai gam màu thực ngoài đời: Trắng và hồng trên nền lá xanh. Cũng là sen trắng nhưng lại được tái hiện giữa một biển màu sắc với dụng ý cốt làm bật lên cái tinh thần của sen đang phát lộ. Hay để vẽ nhụy sen, anh không dùng màu vàng ươm tươi trẻ mà táo bạo mượn thứ màu cam đang ngả dần sang màu đỏ ối để tái hiện. Trái tim tham lam của người họa sỹ này dường như muốn ôm tất cả những sắc màu của cuộc sống vào trong tranh. Vì thế, sen trong tranh anh vẫn thấy thấp thoáng đâu đây những sắc màu chưa từng có ở đầm sen thực ngoài đời. Kia là sắc vàng của cánh đồng lúa chín, sắc tím đỏ của ráng chiều, thậm chí cả sắc áo chàm của các thiếu nữ vùng cao…hay những tông màu nóng có phần hơi dị.
Việt không phủ nhận chất liệu sơn dầu vốn là chất liệu quen thuộc trong hội họa, nhưng để "điều khiển" được màu sắc theo đúng ý tưởng của mình cũng như "chế ngự" được chúng trên không gian rộng, hẹp của từng thước toan đòi hỏi người họa sỹ phải có bản lĩnh nghệ thuật. Anh không tham màu mà chủ yếu sử dụng lối kỹ thuật vẽ mỏng, từng lớp, vờn tỉa từng ly từng tí kết hợp với phun và tạo cấu trúc bề mặt (texture) từ trước. Vì thế, đặc điểm chung của lối chơi màu trong tranh Việt là những tạo hình lớp màu mỏng, tan loãng vào nhau nên nếu nhìn thoáng qua có những cánh sen trong suốt tựa như bóng kính. Bí quyết tạo chiều sâu nghệ thuật trong tranh anh chính là cách sử dụng chất liệu acrylic với lợi thế cho phép người họa sỹ chồng màu nhiều lớp, nhưng vẫn làm nổi bật lên lớp màu và cấu trúc hình lớp dưới.
Tranh sen Đặng Phương Việt là cuộc dạo chơi của màu sắc
"Duyên lành" của dòng tranh Phật pháp
Đặng Phương Việt cho biết, sen chính là cơ duyên đưa mình đến với đạo Phật. Anh từng có thời gian dài lấy Tùng lâm hương tích (chùa Hương Tích - Hà Tây cũ) làm nơi ăn chốn ở. Anh tâm sự, việc gặp gỡ và được thượng tọa Thích Minh Hiền - chủ trì chùa Hương Tích khai sáng nhiều về thế giới đạo Phật chính là một duyên lành. Từ đó, anh nhìn sen, sống với sen khác với cái nhìn trước đây mà trên chất liệu sơn dầu quen thuộc, anh đã phả vào đó cách chơi màu mang hơi hướng thanka và đồ hình mandala Tây Tạng. Anh thường có thói quen mở âm nhạc Phật giáo trong khi vẽ những tác phẩm mỹ thuật mang tâm linh Phật giáo. Chính việc sống theo Ngũ giới giúp sự thăng hoa nghệ thuật trong tranh anh đạt tới độ thoát tục.
Thiên hướng Phật pháp thể hiện rõ trong tranh Đặng Phương Việt chính là ở những mảng khối. Dường như trong tranh anh khó tìm thấy khe hở tái hiện cái tĩnh lặng của mặt hồ bởi lá sen, thân sen, đài sen... đua nhau phủ kín cả mặt toan. Việt không chủ ý vẽ một cánh sen rơi hay một bông sen lạc giữa cõi trần mà loài hoa thanh khiết này luôn trong trạng thái đua nhau mọc vươn lên cao mãi, những cánh sen mỏng manh cũng theo chiều hướng siêu thoát khỏi bùn lầy.
Việt tiết lộ: "Nói theo cách nhà Phật, những thân sen là biểu tượng hướng tới sự giải thoát nên mỗi nhịp vươn lên là một nấc thang đánh dấu khát khao hướng tới vẻ đẹp toàn bích...".
Đối với Đặng Phương Việt, hình tượng sen từ lâu đã là quốc hoa trong anh, bởi ý nghĩa thiêng liêng cao đẹp ẩn chứa trong đó. Mượn câu chú "Án ba ni bát minh hồng" của nhà Phật mang ý nghĩa khuyến khích sự khơi gợi những gì tinh túy nhất trong hoa sen phát lộ, anh cho biết thêm: "Hoa sen cho mình rất nhiều về nghệ thuật, về cả đời và đạo, bởi ở đời mỗi con người là bông hoa sen. Mỗi người sẽ chọn lối tỏa hương khác nhau theo lối khơi gợi những tinh túy trong mình để dâng cho đời".
Nổi tiếng trong giới họa sỹ với những bức tranh sen nhưng Đặng Phương Việt nhưng dường như sự xuất hiện trước công chúng của anh có phần hơi e dè. Việt thật thà chia sẻ, hiện tại những bức tranh "để đời" hầu như không còn nằm trong tay anh. Việc trao gửi những đứa con tinh thần cho bạn bè hầu như chỉ dựa trên một chữ tình trong nghệ thuật. Phần lớn tranh của anh được sao chép nhiều để phục vụ một lượng công chúng chuyên chơi tranh "nhái" khá lớn trong xã hội. Bên cạnh niềm vui tự an ủi về sức nóng trong tranh mình tại những của hàng chuyên bán tranh chép ở Hàng Trống, Hàng Bông (Hà Nội)…, anh cũng không giấu nổi sự lo ngại cho một thứ mốt thưởng thức nghệ thuật dễ gây "què quặt" tâm hồn của một lớp người trong xã hội. Và, đó chính là lý do anh chọn lối tỏa sáng theo cách "thu mình" lại như hiện nay. |
Linh Nhi