Tuy nhiên đến nay, ông này vẫn chưa bị xử lý kỷ luật về Đảng và đình chỉ chức vụ theo quy định của Đảng và pháp luật, dù bản án đã có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày tuyên án trong khi ông Vấn không kháng cáo phúc thẩm.
Ông Nguyễn Chuyện, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Khánh Hòa cho biết, đảng viên bị kết án hình sự từ sáu tháng cải tạo không giam giữ, thì sau khi bản án có hiệu lực 15 ngày phải khai trừ ra khỏi Đảng, sau đó cơ quan quản lý Nhà nước sẽ kỷ luật cách chức vụ nếu có.
Trong khi đó ông Lê Quý Hải, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Huyện ủy Khánh Sơn cho biết, đã làm xong hồ sơ kỷ luật Đảng đối với ông Vấn, chỉ chờ Ban thường vụ huyện ủy họp.
Còn ông Trần Công Thiên, Giám đốc sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa nói rằng, chưa kỷ luật ông Vấn vì phải chờ kết quả xử lý kỷ luật Đảng. Khi được hỏi vì sao ông Vấn bị tuyên án hơn hai tháng nhưng vẫn không bị tạm đình chỉ chức vụ, ông Thiên nói: "Sở chưa nhận được bản án của TAND huyện Khánh Sơn nên không rõ ông Vấn bị kết án thế nào".
Về điều này, ông Nguyễn Thành Phấn, Chánh án TAND huyện Khánh Sơn cho biết, tòa đã gửi bản án cho Ban quản lý rừng phòng hộ Khánh Sơn và theo quy định pháp luật, ban này có trách nhiệm báo cáo sở NN&PTNT.
Ảnh minh họa
Cũng theo ông Phấn, khi ra cáo trạng truy tố ông Huỳnh Long Vấn, VKSND huyện Khánh Sơn đề nghị sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa tạm đình chỉ chức vụ đối với bị can này, song đề nghị trên không được thực hiện.
Ông Nguyễn Chuyện cũng cho hay trước đó khi làm Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Khánh Sơn, ông Vấn đã thiếu trách nhiệm trong quản lý để xảy ra việc rừng phòng hộ Khánh Sơn bị phá hoại nghiêm trọng.
Chuyên mục Thử tài tranh tụng nêu ra vụ việc trên đây để bạn đọc cùng trao đổi. Trong vụ việc nêu trên, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm chính?
Tiếp tục thử tài tranh tụng, trong số báo này, báo Người đưa tin giới thiệu bài viết của hai tác giả Nguyễn Văn Hiếu và Ánh Dương (Hà Nội). Trong khi tác giả Nguyễn Văn Hiếu nêu quan điểm cần xử lý kỷ luật cơ quan né tránh, đùn đẩy trách nhiệm thì tác giả Ánh Dương lại cho rằng cán bộ vi phạm pháp luật lại càng phải xử lý nghiêm khắc hơn.
Các bài viết này cũng khép lại phần tranh tụng đối với vụ việc trên. Rất mong nhận được những ý kiến trao đổi của bạn đọc đối với vụ việc mới mà chuyên mục đưa ra.
Xem xét trách nhiệm của người quản lý để xảy ra sai phạm!
Đảng viên vi phạm cũng cần phải xử lý công bằng. Tuy nhiên, không rõ vì lý do gì mà ông Huỳnh Long Vấn, Phó Giám đốc phụ trách ban Quản lý rừng phòng hộ Khánh Sơn (thuộc sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa), bị TAND huyện Khánh Sơn tuyên phạt một năm cải tạo không giam giữ về tội thiếu trách nhiệm trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng nhưng đến nay, ông này vẫn chưa bị xử lý kỷ luật về Đảng và đình chỉ chức vụ theo quy định của Đảng và pháp luật.
Căn cứ vào Quyết định số 94-QĐ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 15/10/2007 quy định xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Tại khoản 5, Điều 2 nguyên tắc xử lý kỷ luật quy định rõ: Đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự, không xử lý nội bộ; bị tòa án tuyên phạt từ cải tạo không giam giữ trở lên thì phải khai trừ; nếu bị xử phạt bằng hình thức thấp hơn, được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, bị xử phạt hành chính thì tùy nội dung, mức độ, tính chất, tác hại và nguyên nhân vi phạm mà xem xét xử lý kỷ luật đảng một cách thích hợp.
Như vậy chiểu theo quy định thì ông Vấn phải bị khai trừ Đảng, bãi miễn các chức vụ chính quyền.
Tại khoản 6 điều luật này cũng chỉ rõ: Kỷ luật Đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử lý của pháp luật. Đảng viên bị thi hành kỷ luật về Đảng thì cấp ủy quản lý đảng viên đó phải kịp thời chỉ đạo tổ chức Nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội có thẩm quyền, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật về Đảng, phải xem xét xử lý kỷ luật về hành chính, đoàn thể (nếu có) theo quy định của cơ quan Nhà nước và điều lệ của đoàn thể.
Khi các cơ quan Nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội đình chỉ công tác, khởi tố bị can hoặc thi hành kỷ luật đối với cán bộ, hội viên, đoàn viên là đảng viên thì phải thông báo ngay cho tổ chức đảng quản lý đảng viên đó biết. Chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, tổ chức đảng quản lý đảng viên phải xem xét, xử lý kỷ luật về Đảng.
Vụ việc mà báo ĐS&PL đưa ra thì những cá nhân, pháp nhân có liên quan đang có dấu hiệu đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Nếu xét về nhạy cảm chính trị khi cơ quan chức năng có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với đảng viên, cán bộ thuộc cơ quan của mình thì cấp trên trực thuộc về Đảng, chính quyền của ông Vấn phải xem xét kỉ luật, đình chỉ, tạm đình chỉ công tác của ông này. Vậy mà đến lúc tòa tuyên án rõ ràng cơ quan chức năng vẫn đợi báo cáo của cấp dưới. Ông Vấn vẫn nghiễm nhiên đương nhiệm. Để cán bộ, đảng viên vi phạm tới mức phải truy tố hình sự, cơ quan chủ quản về Đảng, chính quyền cũng phải xem xét trách nhiệm quản lý của mình.
Nguyễn Văn Hiếu
Cán bộ vi phạm càng phải xử lý nghiêm khắc hơn
Theo tôi được biết vụ ông Huỳnh Long Vấn, Phó Giám đốc phụ trách ban Quản lý rừng phòng hộ Khánh Sơn (thuộc sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa), bị TAND huyện Khánh Sơn tuyên phạt một năm cải tạo không giam giữ về tội thiếu trách nhiệm trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng vào ngày 17/1 nhưng đến nay, ông này vẫn chưa bị xử lý kỷ luật về Đảng và đình chỉ chức vụ theo quy định của Đảng và pháp luật (dù bản án đã có hiệu lực) không phải là duy nhất. Cách đây không lâu, dư luận ở Cà Mau cũng bất bình trước việc 5 cán bộ của huyện Đầm Dơi có liên quan đến vụ án phá rừng đang thụ án, nhưng vẫn được hưởng lương như bao công chức khác.
Vụ việc đã bị TAND tỉnh Cà Mau đưa ra xét xử sơ thẩm vào đầu năm 2012 và đến ngày 1/9/2012, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM đã tuyên phạt 5 cán bộ trên từ hai năm đến ba năm tù nhưng cho hưởng án treo. Theo giải thích của ông Lê Hoàng Bé, Giám đốc sở Nội vụ Cà Mau thì cơ quan này "đang gặp khó bởi theo NĐ 34/2011/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử lý kỷ luật đối với công chức, thì các trường hợp trên không thuộc diện bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc. Vì vậy dù các đối tượng trên bị đình chỉ công tác từ năm 2009 và đang thụ án, nhưng ngân sách vẫn phải trả lương hằng tháng cho họ. Theo luật nếu kết án thì họ đã mất quyền công dân, nhưng họ vẫn là công chức...". Vụ việc này đã bị dư luận địa phương phản ứng dữ dội.
Việc một người bị tòa án xử phạt về hình sự đương nhiên quyền nhân thân bị hạn chế không thể tiếp tục làm việc như một công dân bình thường, đặc biệt ở một số công việc mang tính chất thanh liêm, mẫu mực. Cách xử lý cán bộ của các cơ quan và chính quyền địa phương trong những vụ việc nêu trên là chưa thực sự nghiêm túc, khiến dư luận bức xúc khi thấy luật pháp không nghiêm minh.
Hơn ai hết, cơ quan trực tiếp quản lý ông Huỳnh Long Vấn (trực tiếp là ban Quản lý rừng phòng hộ Khánh Sơn và sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa) phải biết rõ nhất hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ do mình quản lý. Hơn nữa, quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự mà ông Vấn là bị cáo diễn ra công khai, không phải chỉ trong ngày một ngày hai. Do vậy, lẽ ra ngay khi phát hiện ông Vấn có hành vi vi phạm pháp luật đến mức bị khởi tố bị can, cơ quan chủ quản của ông này đã phải xem xét xử lý kỷ luật về mặt Đảng cũng như chức vụ của ông này. Tuy nhiên trên thực tế, đến khi đã có cả bản án có hiệu lực pháp luật rồi mà việc làm cần thiết này vẫn chưa được thực thi. Điều đó cho thấy sự quan liêu, thiếu trách nhiệm của cơ quan trực tiếp quản lý ông Vấn.
Theo quan điểm của tôi, thay vì "đá quả bóng trách nhiệm" cho nhau, đã đến lúc cơ quan có liên quan trong vụ việc này phải thẳng thắn thừa nhận thiếu sót của mình, lập tức ra quyết định xử lý kỷ luật đối với ông Vấn để trấn an dư luận, không thể để người dân mất niềm tin vào sự nghiêm minh của luật pháp. Đã là cán bộ, nhất là cán bộ quản lý vi phạm pháp luật lại càng phải xử lý nghiêm khắc hơn để làm gương.
Ánh Dương