Chiều 1/5, Thượng tá Trần Việt Cường, Phó Công an huyện Tuy An (Phú Yên), cho biết cơ quan này đã báo cáo lên công an tỉnh vụ Lê Thoại Kỳ, người dẫn chương trình (MC) của Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Phú Yên (VTV Phú Yên), cùng học sinh Phan Nguyễn Hoài Nam giả danh công an ra đường chặn xe.
Đại tá Nguyễn Trung Nghĩa, Chánh Văn phòng Công an tỉnh Phú Yên cho biết, công an huyện Tuy An đang tiếp tục điều tra vụ việc.
Ngày 1/5, sau khi được công an cho về, trao đổi với báo chí, Kỳ nói là muốn cải trang thành công an để thực hiện phóng sự về tình trạng thanh thiếu niên nông thôn chạy xe máy chở nhiều người, chứ không có động cơ gì khác.
"Ngoài dẫn chương trình, tôi được VTV Phú Yên giao phụ trách thêm một số chuyên mục, trong đó có chuyên mục giao thông hằng ngày nên có tham gia thực hiện một số đề tài về giao thông. Trước đây, khi mang máy quay mini đi quay cảnh mấy thanh niên chở nhiều người chạy lạng lách, tôi bị một số thanh niên hăm dọa, đòi giết. Tôi chỉ nghĩ đơn giản mặc đồ công an để họ sợ, không dám đánh chúng tôi", Kỳ cho biết.
Về hai bộ đồ công an, Kỳ lý giải: "Một người bạn của tôi làm ở phòng Cảnh sát PCCC công an tỉnh Phú Yên mượn giúp để đi biểu diễn văn nghệ. Tôi lấy hai cầu vai cấp hàm thượng sĩ và hạ sĩ của các phát thanh viên chương trình truyền hình Vì an ninh Tổ quốc để trong phòng hóa trang của VTV Phú Yên gắn vào hai bộ đồ công an. Tôi nhờ học sinh Nam mặc đồ, đóng giả công an để đi cùng vì học sinh này giỏi võ, có thể tự vệ nếu bị người khác đánh. Ngoài ra, Nam còn có nhiệm vụ ghi lại biển số xe của những người bị tôi dừng xe. Tôi và Nam ba lần giả công an đến khu vực xã An Hòa, huyện Tuy An chặn xe vào ban đêm" - Kỳ nói.
Lê Thoại Kỳ dẫn một chương trình truyền hình của VTV Phú Yên. (ảnh lấy từ Facebook của Kỳ).
Giải thích việc chặn xe, Kỳ nói là "để tìm hiểu xem họ có giấy phép lái xe hay không, độ tuổi thế nào, nhằm phục vụ cho đề tài đang làm. Và sau khi quay xong, tôi báo cáo với giám đốc. Mặt khác, tôi cũng sợ lộ thông tin. Tôi suy nghĩ đơn giản và không có người hướng dẫn".
Một lãnh đạo VTV Phú Yên nói: "Nếu Kỳ báo cáo, với đề tài phức tạp như thế, chúng tôi sẽ có phương án triển khai, có quay phim chuyên nghiệp, có xe cộ đàng hoàng, lúc đó Kỳ chỉ tham gia với vai trò biên tập".
Trước đó, tối 29/4, công an xã An Hòa, huyện Tuy An bắt quả tang Kỳ và Nam đang mặc sắc phục công an, có gắn cấp hàm chặn, kiểm tra giấy tờ xe.
Kỳ là nhân viên hợp đồng vụ việc của VTV Phú Yên. Nhiệm vụ chính của Kỳ là dẫn chương trình thời sự; ngoài ra còn được phân công biên tập, thực hiện một số chuyên đề với sự giám sát của VTV Phú Yên. Ngay sau khi Kỳ bị công an làm việc, VTV Phú Yên đã cắt bỏ toàn bộ các chương trình truyền hình có Kỳ tham gia thực hiện.
Chuyên mục đưa ra vụ việc trên để bạn đọc cùng trao đổi. Hành vi tác nghiệp lạ đời của MC trên có vi phạm pháp luật không? Nếu có, sẽ xử lý như thế nào?
Trong số báo này, Người đưa tin giới thiệu bài viết của hai tác giả Nguyễn Văn Hiếu (Hà Nội) và Nguyễn Quốc Sử (Quảng Nam). Nếu như tác giả Nguyễn Văn Hiếu cho rằng cần xác định rõ động cơ và hậu quả của hành vi "tác nghiệp" lạ lùng của MC Thoại Kỳ thì tác giả Nguyễn Quốc Sử lại khẳng định MC Thoại Kỳ có dấu hiệu của tội hình sự.
Cần xác định rõ động cơ và hậu quả hành vi của Kỳ
Theo nội dung mà chuyên mục đưa ra, tôi thấy đây là kiểu hành vi tác nghiệp có một không hai của phóng viên nhà đài.
Không cần phải phân tích nhiều, cũng có thể thấy rõ hành vi của Lê Thoại Kỳ, người dẫn chương trình (MC) của Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Phú Yên (VTV Phú Yên) là vi phạm pháp luật.
Hầu hết phóng viên các báo, đài nếu làm chương trình, triển khai đề tài đều phải đăng kí đề tài và được sự cho phép của BBT (ban biên tập) mới được phép thực hiện. Tuy nhiên, với đề tài nhậy cảm như vậy, mà Kỳ tự ý tuyển người làm cùng đến lúc bị bắt thì cấp quản lý của tên này mới biết, như vậy việc làm của Kỳ, nhà đài Phú Yên không biết. Một lãnh đạo VTV Phú Yên nói: "Nếu Kỳ báo cáo, với đề tài phức tạp như thế, chúng tôi sẽ có phương án triển khai, có quay phim chuyên nghiệp, có xe cộ đàng hoàng, lúc đó Kỳ chỉ tham gia với vai trò biên tập". Như vậy là Kỳ vi phạm về kỷ luật công tác.
Có thể thấy, nội dung đề tài mà Kỳ thực hiện không nhất thiết phải dùng đến những đạo cụ đặc biệt như vậy. Lý do Kỳ biện hộ cho việc làm của mình cũng thật ngô nghê để họ sợ, không dám đánh. Kỳ tuyển thêm trợ thủ đắc lực giả danh cảnh sát là học sinh Phan Nguyễn Hoài Nam, giỏi võ chỉ để có thể tự vệ nếu bị người khác đánh.
Có thể thấy đây là hành vi quanh co chối tội của Lê Thoại Kỳ- nhân viên hợp đồng vụ việc của VTV Phú Yên. Hành vi của Kỳ thuộc quan hệ pháp luật nào cần phải xem xét hậu quả và mục đích thực của hành vi này. Nếu hành vi giả danh trên nhằm vào những người vi phạm để bắt họ nộp tiền thì Kỳ cùng đồng bọn đã có hành vi cưỡng đoạt tài sản. Để làm rõ vụ việc này cơ quan công an cần làm việc với người vi phạm mà Kỳ và Nam dừng xe để biết rõ hành vi tác nghiệp của MC nhà đài này.
Cơ quan công an cũng cần làm rõ việc quản lý quân trang, quân phục của lực lượng cảnh sát trong những trường hợp để xảy ra hậu quả như thế này.
Nguyễn Văn Hiếu
Lê Thoại Kỳ đã phạm tội giả mạo chức vụ, cấp bậc
Trong vụ việc trên, thì Lê Thoại Kỳ chỉ là nhân viên hợp đồng của VTV Phú Yên và lãnh đạo của VTV cũng không phân công Kỳ làm phóng sự về an toàn giao thông. Do vậy, việc Kỳ tự ý mặc đồ sắc phục công an để chặn xe người đi đường là đã vi phạm pháp luật và Kỳ phải tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
Theo quy định tại Điều 265 BLHS thì: "Người nào giả mạo chức vụ, cấp bậc thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm". Như vậy theo quy định trên, thì bất cứ người nào không phân biệt là phóng viên, nhà báo hay ai khác khi đã có hành vi giả mạo chức vụ cấp bậc thì đều vi phạm pháp luật. Trong vụ việc này thì Lê Thoại Kỳ và Nam đã ba lần giả công an đến khu vực xã An Hòa, huyện Tuy An chặn xe vào ban đêm. Để cho người dân tin mình là công an Kỳ đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng, đó là mượn hai bộ đồ công an có gắn cấp hàm thượng sĩ và hạ sĩ. Với hai bộ đồ trên họ đã thành công, lừa được một số người đi đường dừng xe lại cho họ kiểm tra giấy tờ. Hành vi của Lê Thoại Kỳ và Nam đã làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội, gây mất ổn định trong quản lý hành chính, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan công an huyện Tuy An.
Theo quy định của Bộ luật Hình sự, cho dù mục đích (theo như lời khai của Kỳ) của Kỳ khi thực hiện hành vi giả danh công an là nhằm thực hiện phóng sự về tình trạng thanh thiếu niên nông thôn chạy xe máy chở nhiều người, chứ không có động cơ vụ lợi hoặc động cơ gì khác, thì hành vi giả mạo công an của Kỳ và Nam cũng đã cấu thành tội giả mạo chức vụ, cấp bậc theo Điều 265 BLHS. Tuy nhiên các cơ quan có thẩm quyền cũng cần cân nhắc việc xử lý hình sự Lê Thoại Kỳ và Nam ở mức nào cho hợp tình, hợp lý. Bởi lẽ nhận thức pháp luật của Kỳ và Nam còn hạn chế (Kỳ mới chỉ tốt nghiệp THPT, Nam đang học lớp 12), do đó khi thực hiện hành vi này họ không biết rằng đó là hành vi vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, động cơ, mục đích của Kỳ là trong sáng, không vì lợi ích cá nhân mà vì công việc, muốn làm phóng sự phản ánh tình trạng vi phạm giao thông ở nông thôn nhưng do nghiệp vụ còn non kém nên mới để xảy ra vi phạm, và hậu quả của hành vi trên là chưa nghiêm trọng.
Vì vậy, cơ quan có thẩm quyền cần xem xét xử lý hình sự họ ở mức thấp nhất để vừa đảm bảo kỷ cương phép nước, vừa mang tính giáo dục, răn đe đối với họ.
Nguyễn Quốc Sử