Tòa nhận định mặc dù bị cáo Đạt có 2 tiền án tội trộm cắp nhưng đã được xóa án, mặt khác đã ra tự thú, khắc phục hậu quả,... nên phải cho bị cáo có cơ hội sửa sai, án treo cũng đã đủ tác dụng giáo dục. Tại phiên tòa, đại diện VKSND TP. HCM nhận định việc Đạt đột nhập vào nhà nạn nhân trộm nhiều tài sản là có động cơ, có kế hoạch rõ ràng nên đề nghị tuyên y án 1 năm tù, tuy nhiên HĐXX đã bác đề nghị này.
Đạt là tài xế taxi hãng Vinasun và đã hai lần bị tòa tuyên án tù về tội trộm cắp. Chiều 27/8/2012, Đạt lái xe chở gia đình anh Nguyễn Thành Sơn (ngụ phường Tân Quý, quận Tân Phú) đi dạo công viên. Trên đường đi, Đạt tình cờ nghe con gái anh Sơn nói rạng sáng mai sẽ lên máy bay đi du học nước ngoài. Từ đây, Đạt cố tình đậu xe taxi gần nhà anh Sơn để đợi con gái anh Sơn gọi xe Đạt chở ra sân bay.
Rạng sáng ngày 28/8/2012, anh Sơn gọi taxi hãng Vinasun thì Đạt đã đậu sẵn trước cửa. Gia đình anh Sơn kêu Đạt chở ra sân bay Tân Sơn Nhất và chờ anh tiễn con rồi chở về. Tuy nhiên Đạt từ chối và nói rằng có khách đang gọi. Đạt lái xe đến nhà anh Sơn và dùng kiềm cộng lực bẻ khóa, cuỗm đi một số tài sản như điện thoại iphone, ipad, laptop, CPU, trang sức... với tổng trị giá được giám định 18 triệu đồng.
Sau đó, Đạt đem số tài sản vừa trộm được ra trung tâm quận 1 bán được 11 triệu đồng. Tuy nhiên, toàn bộ hành vi của gã tài xế gian manh đã được camera nhà bên cạnh ghi lại. Anh Sơn đã mang đoạn ghi hình kẻ trộm đột nhập vào nhà trình báo công an. Biết không thể thoát được nên Đạt ra trình diện công an.
Hành vi ra trình báo này được tòa cấp phúc thẩm là tự thú chứ không phải là đầu thú. Bản án được nhiều người dự khán đặt câu hỏi liệu cho một kẻ nhiều lần trộm cắp hưởng án treo có phải là một cách giáo dục tốt và thể hiện tính răn đe của pháp luật?
Tòa cho rằng án treo cũng đủ tác dụng giáo dục đối với bị cáo.
Theo kết quả điều tra, Đỗ Tấn Đạt (SN 1981, ngụ tại Bình Chánh, TP.HCM) là tài xế của một hãng taxi ở TP. HCM, chiều 27/8/2012, được tổng đài thông báo có khách, Đạt lái xe taxi đến nhà anh Nguyễn Thành Sơn (ngụ phường Tân Quý, quận Tân Phú) chở con gái và cháu của anh Sơn đi dạo công viên. Trên đường đi, Đạt tình cờ nghe con gái anh Sơn nói chuyện với người trong gia đình là sáng mai cả nhà sẽ ra sân bay. Đạt nảy sinh lòng tham nên khi cả nhà anh Sơn đi tiễn con gái, Đạt đã lẻn vào nhà để cướp tài sản. Đến rạng sáng ngày hôm sau, anh Sơn gọi taxi để đưa cả nhà ra sân bay.
Trước đó, Đạt đã cố tình đậu sẵn taxi trước cửa nhà, nghĩ là hãng taxi điều xe đến, nên anh Sơn chẳng nghi ngờ gì và cả nhà cùng lên xe ra sân bay. Đến nơi, anh Sơn đề nghị tài xế đậu xe chờ cả nhà cùng đi tiễn con gái xong thì chở về nhưng Đạt không đồng ý và viện lý do đi chở khách gấp. Ngay sau đó, Đạt lái xe quay trở lại nhà anh Sơn dùng kìm cộng lực cắt khóa cửa chính đột nhập vào nhà. Đạt lục soát, lấy trộm một ĐTDĐ hiệu iPhone 3G, 1 máy tính bảng, 4 sợi dây trang sức, 4 giỏ xách và 6 ví cầm tay. Ngoài ra, Đạt gỡ luôn máy camera chống trộm ở nhà anh Sơn và tháo gỡ 1 CPU để thủ tiêu chứng cứ trước khi tẩu thoát.
Đạt chạy đến đường Lê Thị Hồng Gấm (Q.1) bán số tài sản vừa trộm được với giá gần 11 triệu đồng. Tuy nhiên, Đạt không ngờ căn nhà bên cạnh có kết nối hệ thống camera chống trộm với nhà anh Sơn. Sau khi xảy ra vụ trộm, anh Sơn đã trình báo công an kèm băng hình camera đã quay lại được.
Ngày hôm sau, biết hành vi của mình bị bại lộ, Đạt đã đến cơ quan công an tự thú và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Trước đó, Đạt bị tòa sơ thẩm xử phạt 1 năm tù về “tội trộm cắp tài sản”. Với lý do, bị cáo là lao động chính trong gia đình, nuôi con nhỏ, hoàn cảnh khó khăn nên Đạt đã làm đơn kháng cáo xin được hưởng án treo.
Tại phiên tòa, Đạt khai nhận, bị cáo làm tài xế taxi đã được 7 năm, đồng lương hạn hẹp không đủ trang trải cho gia đình nên Đạt mới nảy sinh ý định đi trộm tài sản. Riêng chiếc kìm cộng lực có được là do trước đó, Đạt chở một hành khách làm thợ công trình để quên trên xe. Xét thấy, bị cáo đã thành thật khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện ra tự thú và đã khắc phục bồi thường cho bị hại 30 triệu đồng, phía bị hại cũng đã làm đơn bãi nại cho bị cáo.
Hiện vụ việc đang gây nhiều tranh cãi về mặt pháp lý. Có ý kiến là: Người mới bị công an nghi ngờ phạm tội, chưa bị khởi tố bị can, bắt tạm giam ra trình diện, khai báo hành vi phạm tội thì là đầu thú hay tự thú? Đồng thời, trong vụ án trên đã có sự nhận định khác nhau giữa tòa sơ thẩm và tòa phúc thẩm về tình tiết Đạt đầu thú hay tự thú.
Tại phiên phúc thẩm, đại diện VKS cho rằng việc Đạt đột nhập vào nhà nạn nhân trộm nhiều tài sản là có kế hoạch từ trước. Vì thế, mức án một năm tù mà tòa sơ thẩm tuyên là thỏa đáng, cần giữ nguyên. Tuy nhiên, tòa phúc thẩm lại có quan điểm khác. Theo tòa, bị cáo ra tự thú chứ không phải đầu thú như cấp sơ thẩm nhận định, đã khắc phục hậu quả đáng kể (30 triệu đồng trong khi tài sản trộm chỉ có giá trị 18 triệu đồng). Vì thế, tòa nghĩ nên cho bị cáo có cơ hội sửa sai, việc cho hưởng án treo cũng đã đủ tác dụng giáo dục.
Thử tài tranh tụng trong số báo này, giới thiệu bài viết của luật sư Hà Huy Phong, theo quan điểm của luật sư Phong trong vụ án trên thì cơ quan chức năng nên có hướng dẫn đề xuất cụ thể.
Cần có hướng dẫn ra trình diện, khai báo hành vi phạm tội là đầu thú hay tự thú
Tôi thấy trong vụ việc tranh tụng mà báo Nguoduatin.vn đưa ra rất hay và có nhiều tình tiết cần phải bàn đến. Để hiểu được nội dung vụ việc thì chúng ta phải hiểu thế nào là “Tự thú” và thế nào là “Đầu thú”. “Tự thú” là tự mình nhận tội và khai ra hành vi phạm tội của mình, trong khi chưa ai phát hiện được mình phạm tội. Người nào bị bắt, bị phát hiện về một hành vi phạm tội cụ thể, nhưng trong quá trình điều tra đã tự mình nhận tội và khai ra những hành vi phạm tội khác của mình mà chưa bị phát hiện, thì cũng được coi là tự thú đối với việc tự mình nhận tội và khai ra những hành vi phạm tội của mình mà chưa bị phát hiện.
“Đầu thú” là có người đã biết mình phạm tội, nhưng biết không thể trốn tránh được nên đến cơ quan có thẩm quyền trình diện để cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, theo Thông tư liên ngành số 05/TTLN ngày 2/6/1990 của bộ Nội vụ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, toà án nhân dân tối cao, bộ Tư pháp “Hướng dẫn thi hành chính sách đối với người phạm tội ra tự thú”, thì các trường hợp này đều được coi là tự thú. Tuy hướng dẫn các trường hợp này đều được coi là tự thú để xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nhưng không hướng dẫn cụ thể trong trường hợp nào thì áp dụng khoản 1, trong trường hợp nào thì áp dụng khoản 2 Điều 38 BLHS 1985 (nay là Điều 46 BLHS 1999).
Để áp dụng đúng và thống nhất tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong các trường hợp trên đây, toà án nhân dân tối cao hướng dẫn cụ thể như sau: Nếu người phạm tội tự mình nhận tội và khai ra hành vi phạm tội của mình, trong khi chưa ai phát hiện được mình phạm tội thì áp dụng tình tiết giảm nhẹ “tự thú” quy định tại khoản 1 Điều 46 BLHS 1999 đối với người phạm tội.
Nếu có người đã biết hành vi phạm tội của người phạm tội nhưng biết không thể trốn tránh được nên người phạm tội đến cơ quan có thẩm quyền trình diện thì áp dụng khoản 2 Điều 46 BLHS năm 1999 để xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội. Cũng cần chú ý là trong trường hợp này, nếu người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải hoặc có những việc làm khác thuộc trường hợp được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tương ứng quy định tại khoản 1 Điều 46 BLHS năm 1999.
Chính vì đặc tính chủ động ra nhận tội khi chưa bị phát hiện nên hành vi tự thú luôn được đánh giá cao hơn đầu thú. Người phạm tội tự thú sẽ giúp việc điều tra, giải quyết vụ án được nhanh chóng, hiệu quả hơn rất nhiều. Vì thế, điểm o khoản 1 Điều 46 BLHS quy định tự thú là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Theo Điều 47 BLHS, nếu có từ hai tình tiết giảm nhẹ thuộc khoản 1 Điều 46 BLHS trở lên thì người phạm tội có thể được tòa áp dụng mức án dưới khung hình phạt truy tố.
Còn việc đầu thú cho thấy người có hành vi phạm tội có tư tưởng hướng thiện, đã nhìn nhận ra lỗi lầm, ăn năn hối cải, mong muốn giải quyết vụ việc theo đúng pháp luật và chủ động chịu trách nhiệm về hành vi sai phạm của mình. Hành vi đầu thú thường được xem là “tình tiết giảm nhẹ khác” theo khoản 2 Điều 46 BLHS (do tòa xem xét nhưng phải ghi rõ trong bản án). Tuy nhiên, các tình tiết giảm nhẹ do tòa xem xét theo khoản 2 không phải là căn cứ để tòa áp dụng mức án dưới khung hình phạt truy tố.
Dù hướng dẫn phân biệt đầu thú với tự thú của TAND tối cao khá rõ nhưng thực tế đã phát sinh những tình huống như trường hợp của Đạt làm các thẩm phán khó áp dụng, dễ gây tranh cãi. Vì vậy, theo quan điểm của cá nhân tôi trong vụ việc trên TAND tối cao nên có hướng dẫn rõ là trong trường hợp nghi can (mới bị nghi ngờ phạm tội, chưa bị khởi tố bị can, bắt tạm giam) ra trình diện, khai báo hành vi phạm tội thì là đầu thú hay tự thú.
LS Hà Huy Phong