Theo từ lóng tiếng Anh, "flex" có nghĩa khoe khoang quá mức, gây khó chịu. Cụm từ này xuất hiện nhiều trong lĩnh vực rap, được các rapper sử dụng và hình thành thể loại rap flex rất phổ biến.
Loại hình âm nhạc này dùng để chỉ hành động khoe mẽ quá đà về vật chất, thành tựu như tiền bạc, xe sang hay một đôi giày hiệu...
Thế nhưng, thời gian gần đây, giới trẻ Việt biến tấu "flex" trở thành xu hướng công nhận bản thân, tạo nên khuynh hướng khoe khoang tích cực với nhiều phong cách mới mẻ, hài hước.
Trào lưu này được giới trẻ quan tâm và hưởng ứng mạnh mẽ, điển hình như tốc độ của group "Flex đến hơi thở cuối cùng" đã cán mốc 1,3 triệu người tham gia chỉ trong thời gian ngắn.
"Flex" sao cho ngầu?
Cách để giới trẻ Việt xây dựng môi trường "flex" với quy mô lớn và có nhiều người tham gia như kể trên là nhờ vào tính hài hước của lứa tuổi, họ tạo dựng sân chơi khoe khoang như cách một cầu thủ chơi bóng đá.
Một người để "flex" thành công cần có một người kiến tạo, đã có người kiến tạo thì việc của bạn là ghi bàn với việc kể tên những chiến tích của bản thân ở khía cạnh nào đó, bao gồm trình độ học vấn, tài chính cá nhân, năng lực trong mọi ngành nghề, nhà đẹp xe sang...
Theo Kim Nguyên, một gen Z tham gia nhóm "Flex đến hơi thở cuối cùng" trên mạng xã hội cho rằng việc "flex" những kết quả của chính bản thân là hình thức khác để công nhận chính mình: "Vào group tôi thấy nhiều người bằng tuổi mình giỏi quá chừng, đó cũng là động lực để tôi cố gắng hơn. Tôi cũng thấy vui vẻ và hài hước trước nhiều pha kiến tạo và ghi bàn của mọi người, không bị khoe mẽ khiến người ta khó chịu mà cảm thấy ngưỡng mộ nhiều hơn".
Mặt khác, kể từ khi trào lưu "flex" rộ lên, câu nói xuất hiện nhiều nhất là "tự dưng thấy áp lực quá". Không ít người trong hội nhóm "Flex đến hơi thở cuối cùng" cảm thấy bản thân nhỏ bé trước những thành tựu của người khác, vô hình trung tự tạo áp lực cho bản thân dù không xuất phát tự sự ganh tị với nỗ lực của bất kỳ ai.
"Xuất phát ban đầu của tôi của là sự ngưỡng mộ, lâu dần tôi trở nên áp lực khi ngày càng có nhiều bài flex chứng minh thu nhập và trình độ học vấn. Tôi không thấy mình ganh tỵ mà chỉ thấy mình chưa đủ cố gắng, lắm lúc cũng muốn tham gia trào lưu này nhưng nhìn lại tôi thấy các thành tích của mình chưa là gì cả. Tôi chỉ nghĩ là mình cần nỗ lực hơn để một ngày nào đó cũng là nhân vật chính được flex đến mọi người", Văn Nam (22 tuổi) chia sẻ.
Tham gia trào lưu này, không ít người có sức ảnh hưởng trong giới trẻ như Khánh Vy, Hoa hậu Lương Thuỳ Linh, Jenny Huỳnh, Phương Mỹ Chi, Hoàng Dũng... cũng "góp vui" với nhiều thành tựu khác nhau. Người hài hước flex về cuộc dạo chơi sân khấu hoa hậu thế giới và lọt top 12 chung cuộc, người dí dỏm khoe sở hữu shop slime lúc 12 tuổi...
Không chỉ có những người nổi tiếng tham gia "flex" mới nhận được những lượt tương tác lớn, các cá nhân khác với thành tích học tập đáng nể, số dư tài khoản hàng tỷ đồng khi chỉ mới ngoài tuổi 20 đều thu hút hàng chục nghìn lượt thích và bình luận.
Lấm lem nét hoen ố nếu "flex" không đúng cách
Trò chuyện cùng Người Đưa Tin, Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Vui, giảng viên khoa Tâm lý học trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn (ĐHQG Tp.HCM) đưa ra quan điểm về khuynh hướng "flex" dưới góc nhìn tâm lý học.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Vui cho rằng, trên thực tế việc được thể hiện những thứ bản thân đang có là không sai, nó sẽ sai khi chúng ta cố ý khoe những cái chúng ta không có và có ý đồ xấu, như lên mặt kiêu căng với người khác, hạ thấp người khác...
Tiếp theo là khoe khoang sai thời điểm, khi mà thuật ngữ áp lực đồng trang lứa đang xuất hiện với tần suất rất cao và chúng ta cố gắng đánh vào tâm thế đó chẳng hạn.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Ngọc Vui cũng nhấn mạnh: "Trước khi chúng ta nói về câu chuyện khoe mẽ, chúng ta sẽ phải hiểu và thống nhất rằng bản chất việc khoe mẽ thể hiện bản thân là không xấu, tuy nhiên tính phù hợp sẽ quyết định nó xấu hay không xấu".
Chia sẻ về khuynh hướng khoe khoang tích cực đang được giới trẻ hưởng ứng, Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Vui bày tỏ, đã dùng từ tích cực nghĩa là mình phải mặc nhiên điều này là tốt cái đã.
"Theo tháp nhu cầu của Maslow, con người của mình có nhu cầu sinh lý, an toàn, sau khi được đáp ứng rồi mình có nhu cầu được giao lưu xã hội, được thuộc về những tổ chức. Sau đó, có nhu cầu thể hiện ra điều khiến bản thân cảm thấy tôn trọng và xã hội cảm thấy tôn trọng.
Xét theo tháp nhu cầu của Maslow, cho nhu cầu được thể hiện ra nó không xấu, tuy nhiên khi thế giới phẳng và con người có xu hướng sống ảo nhiều hơn, mình càng có không gian để khoe thành tựu của bản thân dễ khiến người khác có cái nhìn méo mó về cuộc sống toàn màu hồng, trong khi quy luật cuộc sống thì sẽ không hề có một cuộc sống toàn màu hồng không thôi.
Nếu trào lưu khoe mẽ được giới trẻ ủng hộ và ủng hộ một cách thuần tuý giống như hình tượng sống chết với điều đó, thì tôi tin nó sẽ gây ra những cái nét hoan ố về văn hoá, giá trị truyền thống và chuẩn mực đề cao sự khiêm nhường, đề cao nhu cầu của người khác thay vì bản thân mình", Thạc sĩ nguyễn Thị Ngọc Vui nói.
Nhìn chung, câu chuyện khoe khoang, thể hiện thành tích bản thân được Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Ngọc Vui cho rằng cần được nghiên cứu dưới nhiều góc độ khác nhau nữa, còn dưới góc độ tâm lý thì nó gần như là nhu cầu của con người.