Gồng mình gánh chi phí
Từ xa xưa, giới quý tộc châu Âu được coi là những người tiên phong cho trào lưu tặng quà. Thói quen tặng những món quà nhỏ nhưng ý nghĩa cho những ngày lễ đáng nhớ trong đời người đã trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống của họ. Ngày nay, quà tặng đã thâm nhập vào Việt Nam và trở thành một trào lưu thu hút nhiều bạn trẻ, nhiều cặp vợ chồng và những người có điều kiện kinh tế khá trở lên. Tuy nhiên không ít những món quà theo lối Tây hóa này lại không phù hợp, khiến người nhận không mặn mà và "bỏ qua".
Đây là một xuất quà tặng đáp lễ của tiệc cưới.
Bạn Thu Minh (quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng) chia sẻ chuyện nhận quà từ ngày trọng đại của đời mình như sau: "Khách mời đến dự tiệc đông đủ với những món quà trên tay. Quà tặng của tập thể, cá nhân... đủ cả. Quả thật, khi kiểm quà, nhiều món quà làm chúng tôi ngỡ ngàng vì không biết sẽ sử dụng như thế nào? Với những món quà thông dụng thì không biết dùng đến bao giờ mới hết. Thế là phải nhờ người quen đem đi “ký gửi, hóa giá””.
Theo Thu Minh, quà của những người thân thiết là thiết thực và ý nghĩa nhất. Họ biết mình đang thiếu gì và cần gì. Với những quà tặng mang tính trào lưu, quả thật, người nhận chẳng biết nói thế nào?
Đồng quan điểm với Thu Minh, đôi bạn Anh Tuấn - Hương Lan cho biết: "Chúng mình là những người sinh ra, lớn lên trong những gia đình theo phong cách sống của phương Tây nên rất coi trọng việc tặng quà cũng như quà đáp lễ. Sinh nhật cô em gái mình, ngoài mời khách đến dự hơn 10 bàn ở khách sạn, bố mẹ mình yêu cầu mình phải mua quà tặng đáp lễ lại thịnh tình của khách đến dự tiệc. Đau đầu tìm quà tặng, cuối cùng, mình cũng tìm ra phương án tối ưu. Mẹ mình đồng ý chi mỗi suất quà tặng đáp lễ là 100.000 đồng. Mình cứ nghĩ mãi, liệu có ai "ghét" món quà tặng đáp lễ nhỏ mọn này không nhỉ? Họ có thể vứt đi... Còn những món quà tặng trong những ngày trọng đại của gia đình mình, không phù hợp, mình thường cho chị giúp việc mang đi "hóa giá" lấy tiền ăn phở buổi sáng".
Thấy chúng tôi tò mò về tên món quà tặng trong diện hay bị đem đi "ký gửi, hóa giá" (tức bán - PV), Tuấn và Lan cho biết: "Phong phú lắm các chị à! Nhiều nhất là rượu ngoại, cốc, chén, ly, các loại bát ăn, phích nước, bộ xoong nồi nấu ăn, thậm chí cả bếp gas, nồi cơm điện. Bếp gas, nồi cơm điện là quà tặng có giá trị nhưng nhiều người phải "ký gửi" vì họ đã sắm rồi, thừa ra, không có chỗ chứa, lâu không dùng, bị hỏng...".
Khách mời phát hoảng với quà "độc"
Hiện nay, khách mời ở một số tiệc cưới cũng nhận được quà tặng đáp lễ rất phong phú. Một thực trạng đáng buồn là dường như văn hóa tặng quà và nhận quà của người Việt chưa được "người trong cuộc" nhận thức đúng đắn. Ở vị trí một vị phụ huynh đã từng tham dự khá nhiều đám cưới là con của bạn bè mình, bác Thanh Thức (ở Hoàng Cầu, Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi hoàn toàn ủng hộ hình thức tặng quà và quà tặng đáp lễ bởi điều đó thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau giữa chủ và khách. Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ lựa chọn quà tặng theo hình thức đại trà nên không phù hợp với từng đối tượng khách mời".
Bác Thức than thở: "Cả 1 tuần liền đi đám cưới, cả tuần đó nhận quà đáp lễ là thú nhồi bông, móc chìa khóa kiểu dáng và màu sắc của tuổi thiếu niên... Tôi đành đưa cho người giúp việc đi "ký gửi". Số tiền bán được, tôi cho người giúp việc luôn".
Ngoài cái sự không dùng được món quà đáp lễ ấy, bác Nguyễn Văn Minh (ở Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội) nói thêm về sự không phù hợp của quà tặng. Bác Minh phân tích: "Chúng tôi già cả, đi dự lễ cưới, lễ tân gia, ngày kỷ niệm về... ôm một con thú nhồi bông, một cái hộp to tướng thì không phù hợp với người cao tuổi. Có con thú nhồi bông còn được in trái tim đỏ chót với dòng chữ "I love you"”.
Bác Minh bày tỏ quan điểm: "Tôi không phản đối cũng không cổ vũ cho trào lưu tặng quà và đáp lễ quà tặng khi đến dự một sự kiện nào đó. Tùy tình hình tài chính và mối thân quen của từng cá nhân mà mỗi người có cách bày tỏ tình cảm qua giá trị quà tặng khác nhau. Quà tặng là riêng tư, đối tượng tặng quà và đáp lễ quà tặng cũng khác nhau vì thế không nên mua quà tặng đáp lễ theo kiểu "đồng dạng"”.
Một số đôi uyên ương rất thích tặng quà đáp lễ gây sốc. Theo bạn Phương Anh (ở Phố Huế, Hà Nội) thì thủ trưởng cơ quan mang bệnh tim nhưng Hoài Anh - một nhân viên của cơ quan rất thích tất cả những gì liên quan đến sốc. Biết thủ trưởng "dị ứng" (thực ra là sợ - PV) chuột, Anh liền làm món quà đáp lễ ngày cưới của mình trong hộp bí ẩn, là con chuột giả nhưng được gắn lò xo tặng riêng thủ trưởng. Khi mở hộp ra, con chuột này sẽ nhảy bổ vào mặt. Kết quả là thủ trưởng của Anh ngất tại đám cưới. Người đưa thủ trưởng vào bệnh viện cấp cứu, người mặt xanh tái, đám cưới trở nên vô duyên vì chủ nhân thích sốc.
PV Người đưa tin đến dãy phố chuyên in thiệp cưới ở Hàng Gà (Hà Nội) và phát hiện ngoài in thiệp cưới, họ có kèm dịch vụ quà tặng đáp lễ. Chị Thu Hà, chủ shop quà tặng đáp lễ cho biết: "Quà đáp lễ phổ biến hiện nay là các loại thiệp cảm ơn kèm theo một vài viên kẹo socola được cho vào một chiếc túi nhỏ. Giá mỗi phần quà này khoảng trên dưới 17 ngàn/suất".
Minh Anh, nhân viên ngân hàng tại Hà Nội cho biết, đã từng tham dự nhiều đám cưới, khi cô dâu chú rể tặng quà cám ơn, nhiều khách bỏ lại bàn không cầm về, còn thiệp thì bị vứt đi ngay dưới sảnh... Theo Minh Anh, cảm ơn bằng lời nói là được. Minh Anh đã từng chứng kiến đám cưới người bạn ở khách sạn Công Đoàn, quà tặng đáp lễ là tấm khăn mùi xoa xinh xắn thêu hoa của đôi uyên ương bị vứt vương vãi trên mặt bàn, xen lẫn với vỏ tôm, vỏ quýt, xương gà rất phản cảm.
Theo Minh Khang, chủ một nhà hàng quanh năm nhận đặt tiệc cưới thì hiện nay có nhiều nhà hàng "khuyến mại" quà cảm ơn cho các đôi uyên ương. Đó là những đôi đặt bàn tiệc lớn. Giá trị quà đáp lễ chỉ 5.000 - 6.000 đồng, được gói xinh xắn là đôi thiên nga bằng bông, móc chìa khóa trái tim, hoa khô, kẹo, chuông lục lạc kết nơ... Tuy nhiên, Minh Khang đưa ra lời khuyên cho các cặp đôi là những món quà xì tin này chỉ hợp với giới trẻ, để bữa tiệc có ý nghĩa, làm hài lòng mọi quan khách thì gia chủ phải đặt quà tặng riêng cho người lớn tuổi, trung niên, khách đặc biệt... |
Linh Nhi