Không bị kiểm soát, vô danh, và hầu như không giới hạn, internet cung cấp cơ hội vô tận cho các hoạt động tội phạm trong đó có buôn bán trái phép ĐVHD.
Những phát hiện được công bố trong báo cáo “Giết bằng bàn phím: Một điều tra về buôn bán ĐVHD bất hợp pháp trên World Wide Web” năm 2008 cho thấy 7.122 lượt đấu giá trực tuyến, quảng cáo và rao vặt với tổng giá trị được rao bán là 3.87 triệu USD.
Ảnh minh họa: Shutterstock.com
Khảo sát của Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoãng dã (WCS) trong tháng 7 và 8/2012 tại Việt Nam cho thấy việc buôn bán ĐVHD trên internet là phương thức phổ biến để quảng cáo, buôn bán mẫu vật các loài ĐVHD trái phép như sừng tê giác, mật gấu, ngà voi, cu-li, khỉ, rùa, rắn, các loại cao từ xương, và nhiều loài có được nhập khẩu không có giấy phép để làm thú nuôi cảnh, làm thuốc và thực phẩm.
Kết quả nghiên cứu cho thấy số lượng loài của Việt Nam bị buôn bán nhiều hơn với 68% so với 32% các loài ngoại nhập. Mục đích bán các loài ĐVHD phần lớn để làm cảnh với 84%, thực phẩm 9% và làm đồ dùng, trang trí, trang trại, và làm thuốc.
Khảo sát cũng cho thấy có 22/33 trang web có nội quy cấm buôn bán, trao đổi, quảng cáo động vật quý hiếm nhưng đây cũng chính là những trang web đăng thông tin về buôn bán ĐVHD.
TP Hồ Chí Minh đứng đầu về số website có đăng tải thông tin về buôn bán ĐVHD với 24% và TP Hà Nội là 15%.
Trong số 108 loài ĐVHD xuất hiện trong buôn bán trực tuyến, 24% là loài được pháp luật Việt Nam bảo vệ; 24% được công ước quốc tế bảo vệ; 17,6% số loài bị đe dọa trên toàn cầu, tiêu biểu như hổ, voi, rùa núi vàng, rùa đầu to, rùa đất spengle, khướu bạc má, cá sấu.
Ảnh minh họa: Profauna.org
Trên thế giới, việc buôn bán các loài hoang dã trực tuyến được xác định gồm các diễn đàn về sở thích như chim cảnh, lan, thú cảnh, v.v.; các trang web đấu giá; các trang web chuyên về quảng cáo; kết hợp với các trang web khác. Mẫu vật được rao bán và tìm mua rất đa dạng bao gồm cả con sống hay những mẫu vật có giá trị như ngà voi, sừng tê giác, xương hổ, chim cảnh, thú, vẹt, linh trưởng, san hô, trai ốc.
Qua các nghiên cứu trong thời gian gần đây cho thấy việc sử dụng hình thức buôn bán trực tuyến qua internet được xác định là một trong những yếu tố làm tăng và thuận tiện hơn cho việc buôn bán trái phép các loài động vật, thực vật hoang dã.
Năm 2013, interpol phát hành một báo cáo cuộc điều tra về ngà voi buôn bán trực tuyến ở chín nước Châu Âu được gọi là dự án Project Web và kết quả cho thấy hàng trăm mặt hàng ngà voi trị giá ít nhất khoảng 1.450.000 EURO chỉ trong hai tuần.
“Việc bùng nổ buôn bán các loài hoang dã trên internet sẽ thay đổi phương thức buôn bán truyền thống, kèm theo đó sẽ là các tuyến đường và phương thức buôn gian, bán lận hiện đại có cơ hội phát triển”, ông Đỗ Quang Tùng, Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam, nói.
“Mua bán động vật hoang dã trên mạng đang trở thành trào lưu và phương thức này sẽ gia tăng trong 5 – 10 năm tới nếu không có các biện pháp quản lý, kiểm soát khi mà số người Việt Nam sử dụng internet gia tăng từ 30,5 triệu người năm 2011 lên 58% người vào năm 2016”, TS Scott Roberton, Giám đốc Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã (WCS) tại Việt Nam, cho biết tại hội nghị đầu tiên năm bộ ngành liên quan và ban quản trị các trang website, diễn đàn về mua bán cùng bàn cách phòng chống việc lợi dụng internet để buôn bán trái phép ĐVHD.
Theo TS Scott Roberton, việc lợi dụng internet nhằm buôn bán ĐVHD đã diễn ra trong thời gian dài mà chưa được ưu tiên quan tâm, trong khi trên thế giới đây là đây là một mặt trận bị giám sát chặt chẽ và Việt Nam đang rất nỗ lực trong việc bảo tồn các loài ĐVHD quý hiếm.
Hiện nay một số nước đã và đang thực hiện các chương trình, chiến lược quốc gia về kiểm soát buôn bán trái phép các mẫu vật loài hoang dã trên internet, đồng thời có các quy định của pháp luật về việc nghiêm cấm rao bán trái phép các loài hoang dã thuộc CITES; nhiều nước đã thực hiện việc đánh giá buôn bán các loài hoang dã trên internet, có các thoả thuận với các trang web về việc không rao bán các loài thuộc CITES trái phép, thực hiện các chương trình tuyên truyền, xử phạt các vi phạm về quảng cáo trên internet. Mặc dù vậy hầu hết các nước thành viên đều cho rằng rất khó kiểm soát hoạt động này và hạn chế trong việc giám sát. Đặc biệt là hầu như không đánh giá được quy mô, mức độ của việc buôn bán điện tử, đồng thời cũng có rất nhiều cách để người bán có thể quảng cáo, rao bán hàng cấm mà không xử lý được.
Ảnh minh họa: Profauna.org
Để đấu tranh với tình trạng buôn bán trái phép trên internet, Ban Thư ký CITES đã có thoả thuận với interpol để có chương trình hợp tác riêng về lĩnh vực này và tại trang web của CITES cũng có cửa sổ riêng về buôn bán điện tử, đồng thời cũng đưa ra nghị quyết về quản lý buôn bán trực tuyến với những nội dung chính yêu cầu các nước thành viên thực hiện như thực hiện việc đánh giá về việc sử dụng internet đối với mức độ buôn bán loài hoang dã; Tăng cường các cam kết chính trị để ưu tiên cho đấu tranh với tội phạm loài hoang dã; Các nước thành viên CITES cần làm việc với các trang web đề nghị cấm toàn bộ việc buôn bán trực tuyến các loài thuộc Phụ lục I của CITES; Xây dựng và thực hiện các chương trình, chiến lược về kiểm soát internet, truyền thông, giáo dục, tuyên truyền; Cần có sự tham gia và phối hợp của các cơ quan quản lý chuyên ngành và các cơ quan thực thi pháp luật; Thiết lập cơ chế hợp tác giữa các cơ quan quản lý internet với Cơ quan quản lý CITES và các cơ quan thực thi luật; Xây dựng các quy định của pháp luật điều chỉnh về quảng cáo, rao bán và buôn bán các loài hoang dã trái phép trên internet; Đảm bảo các giao dịch, quảng cáo đối với loài hoang dã trên internet phải có đầy đủ nguồn thông tin và dễ dàng tiếp cận; Có cơ chế xử lý người đăng quảng cáo đang ở nước mình nhưng lại quảng cáo ở nước khác; Thực hiện các điều tra về sự liên kết giữa tội phạm loài hoang dã với internet, giám sát các trang chủ, máy chủ/trạm.
Theo yêu cầu của CITES thì tới nay Việt Nam vẫn chưa có những đánh giá hay hành động cụ thể nào để kiểm soát tình trạng quảng cáo, rao mua/bán các loài hoang dã, đặc biệt là các loài thuộc Phụ lục I trên internet.
Đại diện WCS kiến nghị cần tăng cường quản lý việc đăng ký và nội dung các trang web về buôn bán, diễn đàn; ban quản trị trang mạng cần xem xét việc đưa quy định, luật về bảo tồn ĐVHD vào website và thường xuyên theo dõi các chủ đề về buôn bán ĐVHD; tăng cường hợp tác giữa ban quản trị website và các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực thi pháp luật về bảo tồn ĐVHD.
Theo Thiên nhiên