Không gian chia sẻ của giới trẻ?
Confessions có nghĩa tiếng Việt là lời thú tội, từng "làm mưa, làm gió" tại Mỹ và Singapore. Nó xuất hiện trên mạng xã hội Tumblr từ năm 2011, trào lưu này là biến thể của dịch vụ như PostSecret, một dự án được thành lập bởi Frank Waren. PostSecret cho phép các thành viên gửi bí mật của họ bằng cách giấu tên trên một tấm postcard tự làm, đăng tải chúng lên website hoặc sử dụng cho các mục đích khác như phát hành sách.
Trào lưu này lan nhanh sang Việt Nam nhờ ý tưởng của Minh Sia (sinh viên đại học SMU - Singapore, hiện là chủ tịch của ChaoVietNam SMU) cùng nhóm du học sinh và FTU Confesions, Ams Confessions đã được khai sinh tại facebook.
Cách thức hoạt động của các trang này khá đơn giản: Bạn viết lời thú nhận rồi gửi tới email, tin nhắn tới người quản trị trang, sau đó đợi duyệt, xử lí thông tin và đăng tải. Tại FTU Confessions, số lượt người quan tâm tăng lên chóng mặt.
Nội dung thú nhận về tình cảm như: "Yêu là phải nói cũng như đói phải ăn". Thế nên, bây giờ anh sẽ nói trước, sau đó đi ăn... Cô gái đi giày nâu, giờ em ở đâu?". Đó là thú nhận của nam sinh đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội. Hay lời bày tỏ của sinh viên đại học Bách khoa: "Tôi là sinh viên năm nhất... Do bên Bách khoa confessions nhận được rất nhiều sự quan tâm của girl (nữ giới) nên hôm nay mình đại diện cho boy (nam giới) sang đáp lễ. Girl rất năng động, thân thiện, dễ hoà đồng.
Boy Bách khoa lại trầm lặng, pha chút tự ti, nhưng chẳng hiểu sao lại rất hiểu nhau, là duyên phận, ý trời". Bên cạnh đó là lời thú nhận về lớp học, thầy cô, gia đình, những mong muốn, lời tâm sự cần động viên như: "Mệt mỏi quá rồi!!! Mẹ ơi con muốn trốn về tuổi thơ, trốn về bên mẹ... Chắc bố mẹ biết con thế này thì sẽ thất vọng lắm... Học năm môn thi lại bốn môn... Con xin lỗi vì không cố gắng, con xin lỗi vì không chịu học hành nhưng khả năng của con chỉ có thế. Con không hiểu vì sao mình lại khăng khăng vào cái trường này, vào cái khoa này... FMT thật sự quá sức với con... Con biết nói gì với mọi người khi kiên quyết từ bỏ con đường mà mọi người đã vạch sẵn, để đi trên con đường không giống ai này... Con biết làm gì đây...".
Ảnh minh họa.
Nhắc tới "cơn sốt" này, Hoài Thương (sinh viên đại học Hà Nội) chia sẻ: "Thực sự, đây là trào lưu khá thú vị. Bạn trẻ được thổ lộ mọi tâm tư, suy nghĩ mà không sợ bị trêu chọc và được tương tác nhờ các comment (bình luận). Ngoài ra, tại confession trường mình có rất nhiều mẩu thú nhận hài hước, đọc xong thấy vui và sảng khoái".
Phạm Liên (sinh viên đại học Luật Hà Nội) thì cho rằng: "Trào lưu này cho bạn biết được những lời nói thật về tình cảm của người khác, hay có thể đọc những lời tâm sự thú tội đó, phát hiện ra điểm chung, những ý nghĩ giống nhau". Hữu Nhân (đại học Thương Mại, Hà Nội) bày tỏ: "Nói ngắn gọn là tôi thích trào lưu này. Nó tạo cho tôi không gian đọc, chia sẻ và quan tâm từ mọi người cùng trường dù không quen biết, tạo cảm giác không cô độc".
TS. Nguyễn Ngọc Oanh (Phó trưởng khoa Quan hệ quốc tế - học viện Báo chí - Tuyên truyền) giải thích: "Nó là sự thay đổi thế hệ, trước viết nhật kí, nay phơi bày nỗi niềm để mọi người cùng biết. Đó là hậu quả quá trình con người sử dụng mạng xã hội và làm quen với thế giới ảo. Theo tôi thì không hẳn đã không tốt. Nó chỉ phản ảnh thực trạng, đối chiếu với chuẩn mực đạo đức thì thấy có gì đó không bình thường. Con người sống gấp, ít thời gian, sống thực dụng hơn thì điều này có thể bình thường".
Thật - ảo khó lường
Bên cạnh những ưu điểm thì trào lưu này đang bộc lộ những mặt trái, ảnh hưởng trực tiếp tới tinh thần và hành động của giới trẻ. Lời thú nhận trước khi đăng tải đã được sàng lọc qua admin - người quản trị trang, nhưng cũng không tránh khỏi những "hạt sạn". Ví dụ, lời thổ lộ muốn "vỗ mông" thầy giáo của một sinh viên đại học. Việc thổ lộ những suy nghĩ, tình cảm yêu mến với thầy cô là đáng trân trọng nhưng cách dùng từ, cũng như thái độ thoải mái, đôi khi là "con dao hai lưỡi".
Nhắc tới điều này, thầy Nguyễn Ngọc Lâm - giảng viên trường ĐH Hà Nội, chia sẻ: "Trào lưu này sẽ tốt và tích cực nếu các bạn sử dụng nó với đúng mục đích là thú nhận những cảm xúc, suy nghĩ của mình về ai, hay về một sự việc nào đó mà không dễ công khai trước công chúng. Tuy nhiên, sau một vài confessions, tôi đã đọc thì nhận thấy, nhiều người đang cố để "mình cũng có confession".
Vì thế, nhiều phần viết có nội dung chưa phù hợp, đôi khi còn phản cảm... Cá nhân tôi không hề muốn tên mình được nhắc đến trong những confession như vậy. Bởi nó có thể sẽ là "ngòi nổ" cho hàng loạt các comment không nhiều thiện chí khác".
Một số trang ra đời khiến các bạn trẻ có suy nghĩ lệch lạc, một fanpage có tên 18+ Confssions, chủ trương tạo nên một môi trường lành mạnh cho những người dùng facebook để họ có cái nhìn khác về tình dục, có những kiến thức lành mạnh về chữ X thứ 3 và góp phần hỗ trợ cho nỗ lực của giáo dục giới tính tại Việt Nam. Đặc biệt, sử dụng tên ảo, hòm thư ảo để gửi lời thú nhận khiến chúng ta không thể kiểm soát được tính xác thực của thông tin. Do đó, rất nhiều bạn trẻ đã phải khổ sở trần tình những hiểu lầm không đáng có khi "dính" tên trong confession tiêu cực.
Thích thú với trào lưu này, một sinh viên đại học Ngoại thương Hà Nội bình luận: "Tôi có gửi một vài confession, ngày nào cũng thấp thỏm chờ đăng. Ngoài ra, tôi cũng đọc các lời thú nhận khác và bình luận nữa". Quách Vân (du học sinh tại Đức) cho hay: "Ở Đức chưa có trào lưu này, nhưng là sinh viên mình nghĩ chúng ta nên hành động nhiều hơn. Thổ lộ những thầm kín mong giải tỏa là điều tốt, bạn nhận được sự chia sẻ nhưng tất cả chỉ là ảo, trong mạng lưới vô hình. Nói ra thì dễ, nhưng làm thế nào mới quan trọng. Việc công khai tâm sự cho mọi người cùng biết, nhưng chính bạn không dám trực tiếp đối mặt thì có ích gì".
Thật vậy, giới trẻ có quyền, nghĩa vụ và đầy đủ khả năng để tạo dựng tương lai cho chính mình, theo kịp thời đại không có nghĩa là đắm chìm và phụ thuộc vào nó. Các bạn đang sống thật trong thế giới ảo nhưng lại sống ảo trong chính thế giới thật qua trào lưu này. ư
Thực tế, tại Hanu Confessions, có admin thổ lộ: "Phong trào đã trầm và nhạt đi nhiều. Mỗi lời thú nhận không được hưởng ứng, cũng không nhiều người gửi điều muốn nói tới nữa. Điều đó là tất yếu, mới thì sẽ được chú ý, đến khi hết thời rồi thì mấy ai bận tâm".
Hải Yến