Tai nạn thương tâm
Theo thông tin chúng tôi nhận được, vụ đuối nước thảm khốc khiến 4 nạn nhân thiệt mạng đã xảy ra vào khoảng 16h chiều 1/6 tại khu vực suối Thần Sa, đoạn gần chân thác Mưa Rơi thuộc địa phận xóm Kim Sơn, xã Thần Sa, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Đớn đau thay, cả 4 người thiệt mạng đều là sinh viên ưu tú của những trường đại học lớn tại Hà Nội và bị tử nạn khi tham gia đoàn tình nguyện nhân ngày Quốc tế thiếu nhi.
Thác nước Mưa Rơi nơi xảy ra sự cố khiến 4 người trong đoàn tình nguyện tử nạn.
Theo đó, ngày 1/6, đoàn tình nguyện đến xã Thượng Nung (huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) để tặng quà cho học sinh địa phương. Sau chương trình làm việc, trên đường về, đoàn đã dừng chân ở khu vực suối Thần Sa, đoạn gần chân thác Mưa Rơi để chụp ảnh lưu niệm. Do không nắm bắt được tính chất dòng chảy và địa hình của suối nên 6 người trong đoàn đã bị sa chân xuống vực sâu, bị nước cuốn trôi.
Ngay lúc đó, một số người trong xã đã dũng cảm lao xuống và nỗ lực cứu sống được 2 nạn nhân. Do nước chảy xiết, xoáy và có vực sâu nên không thể cứu được 4 người còn lại. Đến khoảng 18h cùng ngày, lực lượng tìm kiếm đã vớt được xác nạn nhân đầu tiên là Nguyễn Mạnh Tú, SN 1993, thường trú ở huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội, là sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.
Do trời tối, dòng chảy của suối tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nên công việc tìm kiếm 3 nạn nhân còn lại buộc phải tạm dừng. Lãnh đạo huyện Võ Nhai cũng ngay lập tức chỉ đạo đan mành, đóng cọc tại cầu tràn Thần Sa, cách thác Mưa Rơi khoảng 2km, nhằm không để thi thể các nạn nhân trôi đi xa và bố trí lực lượng trực cả đêm. Lực lượng tìm kiếm phải buộc móc câu vào một đầu sào rồi kéo lướt rà trên khu vực lòng suối, trong vòng 1km, tính từ nơi gặp nạn.
Được biết cả 4 nạn nhân đều thuộc đoàn tình nguyện "Chắp cánh ước mơ" gồm tổng cộng 21 thành viên, trong đó 17 người hiện đều là sinh viên các trường đại học tại Hà Nội. Đơn vị tổ chức tình nguyện là Công ty TNHH Lotte Cinema Việt Nam.
Trao đổi với PV Báo điện tử Người đưa tin qua điện thoại, ông Lường Văn Đa (Phó Chủ tịch UBND xã Thần Sa) cho biết bản thân ông và một số người dân trong xã đã không quản ngại hiểm nguy lao xuống dòng nước lớn để cứu người, tuy nhiên chỉ cứu được 2 trong số 6 người gặp nạn. Sau đó, xã Thần Sa huy động toàn bộ lực lượng dân quân cùng với cán bộ của trạm Kiểm lâm Thần Sa và đông đảo nhân dân tích cực tham gia tìm kiếm. "Đến 17h, huyện Võ Nhai huy động lực lượng cứu hộ gần 40 người đến hiện trường tham gia tìm kiếm cùng lực lượng tại chỗ. Tuy nhiên, do nước chảy mạnh, xoáy và có vực sâu, nên không thể cứu được 4 người còn lại", ông Đa buồn bã cho biết.
Sau đó không lâu, đích thân phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên - ông Đặng Viết Thuần cũng đã đến hiện trường để chỉ đạo các lực lượng nỗ lực tìm kiếm ba nạn nhân còn lại.
Đến khoảng 8h30' ngày 2/6, thi thể của nạn nhân thứ hai được tìm thấy ở gần vị trí gặp nạn, dưới độ sâu khoảng 1,5 - 2m. Nạn nhân được xác định là Nguyễn Bá Trung, SN 1992, quê huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Trung hiện là sinh viên trường đại học Ngoại thương Hà Nội. Thi thể được tìm thấy với nhiều vết thương bầm, dập được xác định do va đập. Thi thể của hai nạn nhân còn lại lần lượt được tìm thấy lúc 12h trưa và 16h cùng ngày, cách vị trí gặp nạn ban đầu khoảng 300 - 400m. Hai nạn nhân còn lại được xác định là Lê Việt Phương, SN 1993, thường trú ở TP. Vinh, tỉnh Nghệ An, là sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông và Nguyễn Thị Ngọc Anh, SN 1993, thường trú ở tỉnh Hưng Yên, là sinh viên Học viện Kỹ thuật Quân sự.
Ngay sau đó, thi thể bốn nạn nhân đã được gia đình chuyển về quê an táng.
Bàn học đơn sơ của chàng sinh viên tài năng Nguyễn Mạnh Tú.
Trốn bố mẹ đi làm tình nguyện
Không thể diễn tả hết nỗi đau đớn của những người trong cuộc trong vụ tai nạn thảm khốc hôm 1/6. Với gia đình những nạn nhân xấu số, nỗi đau đó dường như lại càng tăng lên gấp bội. Đối với họ, những con người trẻ tuổi vừa mất đi đều là những người con ngoan, trò giỏi, là niềm tự hào vô bờ bến của mỗi gia đình.
Nghẹn ngào bên di ảnh của em trai, chị gái của sinh viên Nguyễn Mạnh Tú (SN 1993, thường trú ở huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội, sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông) nức nở: "Em tôi đi làm tình nguyện, làm việc tốt mà còn không dám nói với gia đình, sợ bị mắng vì đi xa, tội nghiệp em tôi quá".
Theo lời kể, trưa ngày Tú gặp nạn, bố mẹ gọi điện hỏi thăm thì cậu con trai vẫn trả lời rằng đang ở trường học. Ai ngờ, sau đó mấy tiếng đồng hồ, tin dữ ập đến, cướp đi sinh mạng của cậu sinh viên hiền lành ngoan ngoãn, là niềm tự hào của cả gia đình. Đến chiều 2/6, thi thể của em Tú được gia đình đưa về an táng tại nghĩa trang quê nội ở thôn Đào Nguyên, xã An Thượng, Hoài Đức, Hà Nội trong sự thương xót của những người chứng kiến. Ở làng quê này, ai cũng biết Tú là một thanh niên ngoan ngoãn, học hành giỏi giang lại là sinh viên một trong những trường đại học hàng đầu tại Hà Nội, là tấm gương cho rất nhiều đàn em noi theo.
Lặng đi bên tách trà đã nguội ngơ nguội ngắt, bác Nguyễn Mạnh Quyết, bác họ của Tú, rớm nước mắt khi nhớ lại giây phút gia đình đến xã Thần Sa (Thái Nguyên) nơi xảy ra vụ việc để nhận thi thể của Tú. Đường xa, khó đi lại nên đến tận 3h sáng gia đình mới đến nơi. Do địa hình hiểm trở, xe ô tô không vào được tận nơi, gia đình phải thuê xe ôm để đi, còn phải đi bộ một quãng đường dài mới đến được khu vực bốn sinh viên gặp nạn. Do đến muộn, khu vực bị nạn lại hẻo lánh, không thuê được xe, gia đình đành chờ đến 5h sáng mới thuê được xe để đưa thi thể Tú về quê nhà.
Nhớ lại quãng đường đưa Tú về quê, người thân của nam sinh xấu số đã không cầm được nước mắt. Do khu vực bị nạn nằm ở vùng sâu, hẻo lánh, đường sá đi lại khó khăn, xe ô tô đã không tiếp cận tận nơi để chở thi thể. Bất đắc dĩ, gia đình phải đi mua vải, quấn vào người Tú, rồi bế lên xe máy vượt qua đoạn đường hiểm trở để đưa thi thể Tú ra vị trí xe ô tô chờ sẵn. Khi nhắc đến quãng đường đưa thi thể Tú về, ai cũng xót xa, đã gặp nạn thương tâm, lại không có điều kiện để được đưa thi thể về nhà sớm nhất. Đến gần trưa, thi thể Tú đã được đưa về đến quê nhà tại Hoài Đức, Hà Nội. Lần trở về này của Tú không phải là dáng dấp của một cậu sinh viên cao lớn, mà là sự ra đi bất ngờ để lại cho gia đình hàng xóm niềm tiếc thương vô hạn.
Bài học đau xót cho các nhà tổ chức
Trong căn nhà nhỏ, chị Nguyễn Thị Minh (chị gái Tú) chỉ cho chúng tôi góc học tập giản dị của Tú rồi nghẹn ngào cho biết, nhà hẹp, nên góc học tập của Tú được bố trí giản dị ngay tại phòng khách. Từ ngày lên đại học, Tú rất năng nổ trong các hoạt đồng đoàn thể của trường. Tuy nhiên, vì tính tình nhút nhát nên Tú không mấy bộc lộ cho người thân biết mà thường chỉ tâm sự với chị gái. "Tôi biết em mình vẫn thường hay tham gia các phong trào tình nguyện, bản thân tôi và gia đình cũng luôn ủng hộ việc làm đó vì đó là một hành động cao đẹp của thanh niên hiện nay. Tuy nhiên, cũng rất mong muốn qua sự việc đáng buồn này, các đơn vị khác hãy lấy đó làm bài học kinh nghiệm cho công tác tổ chức", chị Minh bày tỏ.
Long Nguyễn - Ngọc Trần