Trao thêm quyền cho công an xã: "Phải có đơn vị kiểm soát quyền lực"

Trao thêm quyền cho công an xã: "Phải có đơn vị kiểm soát quyền lực"

Nguyễn Thị Thúy

Nguyễn Thị Thúy

Thứ 4, 06/10/2021 08:00

VKSND Tối cao vừa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (BLTTHS).

Đỡ dồn việc cho đơn vị cấp trên

Đáng chú ý, Dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 146 BLTTHS theo hướng bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với công an xã (tương đương với trách nhiệm của công an phường/thị trấn, đồn công an). Cụ thể, sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 146 BLTTHS như sau:

“Công an xã, phường, thị trấn, đồn công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền”.

Theo quy định của BLTTHS hiện hành, “Công an xã có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai ban đầu và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.”.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Bùi Văn Xuyền - Đại biểu Quốc hội khóa XIV cho rằng: Nhà nước đã có quy định bổ sung công an chính quy về xã, cho nên công tác điều tra theo quy định của BLTTHS cũng cần phải có sự thay đổi.

“Công an chính quy được đào tạo bài bản, tổ chức theo quy định của Luật, vì vậy cũng nên giao cho họ những thẩm quyền nhất định để đảm bảo công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình thực tiễn”, ông Bùi Văn Xuyền phát biểu.

Ông Bùi Văn Xuyền cho rằng cần cân nhắc giao cho Công an xã những việc sát thực tiễn, phù hợp với khả năng, thẩm quyền của đơn vị, bởi số lượng người vẫn còn khá ít.

Bên cạnh đó, đi liền với việc giao quyền thì phải có đơn vị kiểm soát quyền lực, có thể là cơ quan công an, VKSND cấp trên bởi theo tố tụng, mọi hoạt động tư pháp đều có cơ quan kiểm sát. Do vậy, các hoạt động tố tụng của cấp xã cũng cần phải có việc thanh tra, kiểm tra để đảm bảo tính minh bạch, công tâm, khách quan.

Cùng trao đổi về nội dung này, ông Nguyễn Đức Hòa – nguyên Trưởng Công an xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội đánh giá quy định như vậy sẽ rất tốt, phù hợp với tình hình thực tiễn và đỡ dồn việc cho đơn vị cấp trên.

Theo ông Hòa, hiện nay hầu như công an xã đều là lực lượng chính quy nên được phân công thêm quyền này hoàn toàn hợp lý. Trước khi chuyển hồ sơ đi, cấp cơ sở cần cụ thể hóa hồ sơ ban đầu.

“Trước đây, khi tiếp nhận đơn tố giác, tin báo của người dân thì lực lượng công an xã vẫn tiến hành các bước như lấy lời khai rồi sau đó chuyển lên cấp trên giải quyết. Nếu đầu vào không chuẩn thì sẽ gây khó khăn trong quá trình điều tra”, ông Hòa cho biết.

Giúp thống nhất nhiệm vụ Công an cấp xã

Dưới góc nhìn của nhà làm luật, Luật sư Hoàng Việt Hà – thuộc Công ty Luật Bảo Tín (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, theo quy định của Bộ luật tố tụng hiện hành, có thể thấy sự khác nhau giữa trách nhiệm giải quyết tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của công an phường, thị trấn, đồn công an và công an xã là khác nhau.

Góc nhìn luật gia - Trao thêm quyền cho công an xã: 'Phải có đơn vị kiểm soát quyền lực'

Luật sư Hoàng Việt Hà – thuộc Công ty Luật Bảo Tín.

Cụ thể, công an xã không có thẩm quyền thực hiện công việc tiến hành kiểm tra và xác minh sơ bộ, mà thay vào đó là việc lấy lời khai ban đầu. Những thủ tục cụ thể của cơ quan công an cấp xã trong quá trình từ khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (sau đây gọi là tố giác tội phạm) đến khi chuyển toàn bộ biên bản, tài liệu về việc tố giác tội phạm cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền từ trước khi Bộ luật tố tụng hình sự 2015 có hiệu lực thì chưa được quy định cụ thể.

“Có thể thấy, nhiệm vụ của cơ quan công an cấp xã chưa được quy định cụ thể, gây ra sự không thống nhất trong bước đầu giải quyết thủ tục tố giác tội phạm. Trong khi thực tế, chính cơ quan này đa phần tiếp xúc trực tiếp với người tố giác, đưa tin báo về tội phạm, tiếp cận hiện trường... Không chỉ vậy, Công an xã đóng vai trò quan trọng trong việc phối hợp với cơ quan điều tra có thẩm quyền, trong nhiều trường hợp, rất cần thiết phải cung cấp thông tin ban đầu của vụ án, ghi nhận hiện trạng, tang chứng, vật chứng... cơ bản những hoạt động này đều là tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ”, Luật sư Hà cho hay.

Theo quy định hiện hành, sự phân biệt về nhiệm vụ của công an xã và công an phường, Công an thị trấn, Đồn công an trong việc giải quyết ban đầu nội dung tố giác tội phạm, sẽ dẫn đến những khó khăn, hiểu lầm không cần thiết đối với nhiệm vụ của cơ quan Công an xã, lúng túng trong việc hoàn thiện văn bản tố tụng của cơ quan chức năng giai đoạn này.

Nếu như không có sự khác biệt đáng kể giữa nhiệm vụ của cơ quan công an cấp xã trong việc giải quyết tố giác tội phạm, thì việc sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 146 BLTTHS 2015 theo hướng: Bổ sung nhiệm vụ cho Công an xã thêm quyền "tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ" sẽ thống nhất nhiệm vụ của các cơ quan công an cấp xã nói chung.

Theo Luật sư Hà: Việc tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ là những hoạt động cần thiết để Công an xã lập biên bản, hoàn thiện hồ sơ tố tụng quan trọng trong quá trình giải quyết tố giác tội phạm. Để tiến hành một cách thống nhất những nhiệm vụ của cơ quan công an xã, cần có hướng dẫn cụ thể trong quá trình tập huấn, nâng cao nghiệp vụ của ngành. Những hoạt động kiểm tra, xác minh sơ bộ phải liên quan trực tiếp đến nội dung tố giác tội phạm, không xâm phạm những quan hệ xã hội khác không liên quan, nhưng vẫn cần đảm bảo tính nhanh chóng, chính xác, công bằng và minh bạch.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.