Hơn một ngày sau vụ tai nạn trâu số 18 rượt đuổi chủ của mình là ông Đinh Xuân Hướng (47 tuổi, ở phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, TP.Hải Phòng), nhắc đến chuyện, hầu hết các nghệ nhân trâu chọi và chủ trâu tham gia vòng loại lễ hội chọi trâu năm 2017 đều bất ngờ và cho là sự cố đáng tiếc.
Ông Hoàng Gia Bổn - Thủ đền Long Sơn, nghệ nhân dân gian lễ hội chọi trâu Đồ Sơn (trú tại phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn) từng 2 lần có trâu vô địch lễ hội chọi trâu; năm nay ông có trâu số 08 tham gia lễ hội. Trao đổi với PV, ông Bổn cho biết: “Thực tế cho thấy, 27 năm tổ chức lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn rất an toàn. Việc ông Đinh Xuân Hướng bị chính trâu của mình húc chết là việc hi hữu từ trước đến nay mà giới chăn trâu chọi chúng tôi không nghĩ đến”.
Theo một số chủ trâu khác tại quận Đồ Sơn, trong quá trình huấn luyện trâu chọi, các chủ trâu phải luyện tập cho trâu quen với không khí lễ hội như: Nghe tiếng trống, nhận diện màu… Tuy nhiên, trâu số 18 lại dị ứng với màu vàng, màu đỏ, thấy 2 màu này là lồng lên, lao vào húc lung tung.
Anh N.Q.A - một chủ trâu từng nhiều năm có trâu tham gia giải cho biết, trước khi xảy ra sự việc đáng tiếc, trâu số 18 của ông Đinh Xuân Hướng được các chủ trâu và giới chọi đánh giá rất cao.
Về nghi vấn trâu 18 dùng chất kích thích trước trận đấu, nghệ nhân Bổn và các chủ trâu bày tỏ: “Từ trước đến nay, các chủ trâu đều không dùng bất cứ chất kích thích gì cho trâu để bảo đảm an toàn”.
Cũng liên quan đến sự cố trâu chọi húc chủ gây tử vong xảy ra ngày 1/7 tại Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2017, trước đó, UBND TP.Hải Phòng đã yêu cầu quận Đồ Sơn tạm dừng việc tổ chức Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2017, kiểm tra chất kích thích, tăng lực (nếu có) còn tồn dư trong trâu số 18, các trâu khác tham gia vòng đấu loại và công tác bảo đảm an ninh, an toàn trong lễ hội.
Lã Tiến