Mùa xuân, Cao Bằng vẫn còn hơi lạnh. Cây cối xanh mướt một màu nõn nà, tràn đầy sức sống. Trên đường đến chợ, hai bên rực rỡ những sắc đào đỏ thắm xen kẽ với màu trắng muốt của hoa mơ hoa mận. Những loại hoa này của Cao Bằng đã nổi tiếng từ lâu lắm nhưng được tận mắt nhìn mới thấy hết vẻ đẹp của nó. Thân cây rất lớn, mọc tự nhiên bên đường, cành cây nâu mốc và quềnh quàng như cánh tay người già. Cái già nua của gỗ càng làm tôn lên vẻ trẻ trung, tươi tắn của những cánh hoa thắm mịn, trắng bông mơ màng trong sương sớm.
Phiên chợ Tết vùng cao khác hẳn những phiên chợ bình thường. Ở đó có sự hòa trộn những hương vị đồng quê ngào ngạt từ những nải chuối, thúng bưởi, những bó hương được xếp chồng lên nhau ngay ngắn vẫn còn vương mùi gỗ, bó “khinh phja” (gừng núi) lan tỏa khắp nơi…
Mới sáng sớm, trên những đỉnh đèo, đình dốc chon von đã thấp thoáng những bộ váy Mèo sặc sỡ. Bà con dân tộc ở xa nên phải dậy từ sớm trèo đèo, lội suối, thậm chí đi cả ngày đường mới đến nơi. Họ đến chợ bằng ngựa, xe máy, ô tô hoặc bằng chính đôi chân của mình. Những con ngựa nòi thấp nhưng dai sức và rất khỏe, nó thồ trên mình các loại hàng hóa để giao lưu ngày Tết.
Người bán, người mua khắp vùng đã đổ về chợ, dường như tất cả những sản vật tốt đẹp nhất đều được người ta dành dụm để góp vào sự phong phú của phiên chợ cuối năm. Tiếng đối đáp vội vàng của người đi chợ, tếng kêu của lợn, dê, bò, tiếng guốc ngựa lọc cọc, tiếng xe máy… Tất cả những âm thanh hòa vào nhau tạo nên một không khí rất riêng của phiên chợ vùng cao tỉnh Cao Bằng.
Chia sẻ với phóng viên, bà Nông Thị Tới, 43 tuổi ở huyện Hà Quảng hồ hởi cho biết: “Hôm nay, tôi đi chợ Tết không chỉ để mua sắm. Mà còn để gặp họ hàng, người thân lâu ngày không gặp rồi mời nhau về nhà để làm chén rượu ngô trò chuyện về những kỉ niệm xưa cũ”.
Trong phiên chợ Tết, ngoài các mặt hàng bày bán nhu yếu phẩm như: bánh kẹo, nước ngọt, quần áo… thì mặt hàng truyền thống như: thịt lợn, gạo nếp, lá gai, đỗ xanh, đường phên, giấy bản, hương... là những thứ không thể thiếu trên mâm cỗ cúng tổ tiên của người dân tộc Tày, Nùng. Trong đó là mặt hàng hương và giấy bản truyền thống.
“Hôm nay, bà bán được hơn trăm bó hương, giấy bản thì bán được gần 20 cân, một năm chỉ có mấy ngày đắt hàng như thế này thôi”, bà Nông Thị Năm, một tiểu thương bán mặt hàng truyền thống tại chợ Lương Thông, Hà Quảng, Cao Bằng chia sẻ.
Nhìn những nụ cười rạng ngời trên gương mặt của các bà, các chị, các cô gái, có lẽ việc bán được hàng hay không không còn là điều quá quan trọng. Niềm vui trong phiên chợ cuối năm giúp họ có thêm một mùa xuân ấm áp.
Chợ phiên cuối năm không chỉ là nơi để mua sắm các đồ dùng thiết yếu; mà còn là nơi để mọi người gặp gỡ, giao lưu, tâm tình... Nét văn hóa đặc biệt của những phiên chợ ngày Tết vùng cao đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Nếu một lần đặt chân đến Cao Bằng hay bất kỳ vùng miền núi Đông Bắc nào, hãy hòa mình vào không khí nhộn nhịp của chợ phiên để khám phá và cảm nhận nhịp sống rộn ràng, náo nức mà vẫn luôn mộc mạc, chân thành như chính mảnh đất và con người nơi đây.
PV