Hiện đang là thời điểm giao mùa, thời tiết lạnh rồi chuyển sang nóng đột ngột khiến cơ thể chưa kịp thích ứng dễ bị bệnh. Đặc biệt, trẻ nhỏ thường dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, cúm…
Thông tin với Người Đưa Tin, BS.Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi Hội truyền nhiễm Tp.HCM cho biết, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi Đồng 1 (Tp.HCM) cho biết, cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính, bệnh lây qua đường hô hấp với biểu hiện trẻ sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, hắt hơi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh hiện nay chủ yếu do các chủng virus cúm A và cúm B.
Trong khi đó, có nhiều loại virus gây bệnh viêm đường hô hấp cùng lưu hành như: Adeno, hợp bào hô hấp RSV... trẻ có thể nhiễm nhiều chủng virus cùng lúc hoặc khỏi bệnh này mắc bệnh kia. Điều này là do trẻ chưa có miễn dịch đầy đủ nên khi mắc bệnh thường kéo dài, tái đi tái lại.
“Đa số các trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp là do virus, người lớn không viêm hô hấp như trẻ nhỏ là do người lớn có hệ miễn dịch hoặc có tiêm phòng”, BS. Khanh cho hay.
Các triệu chứng của bệnh đường hô hấp như: Thở mệt, khò khè. Tuy nhiên, nếu không may bị bội nhiễm trên vi khuẩn thì tùy vào từng tác nhân sẽ bị rầm rộ và nặng hơn so với những con vi khuẩn khác.
Theo BS.Khanh, thông thường, đa số bệnh nhi mắc bệnh viêm đường hô hấp có thể điều trị tại nhà nếu vẫn bú được, chơi và sốt không cao. Tuy nhiên, cần lưu ý nếu thấy bệnh nhi thở nhanh hơn theo lứa tuổi hoặc thở ngực lõm xuống thì cần đưa ngay đến các cơ sở y tế.
Trong thời tiết giao mùa thời tiết nóng ẩm như hiện nay, BS. Khanh cho rằng cần làm sao giảm nóng, giảm độ ẩm, dùng điều hòa và có thể thêm điều hòa độ ẩm. Ngoài ra, cần uống đủ và đều nước trong ngày.
“Khi trẻ ăn ngủ cần làm sao cho môi trường mát, thông thoáng. Lưu ý trong tiết trời nắng nóng khi ra ngoài đường đảm bảo cho trẻ không bị sốc nhiệt”, BS.Khanh nói.
Bên cạnh đó, chuyên gia cho rằng khi phụ huynh muốn sử dụng thuốc cho trẻ thì chỉ nên sử dụng những thuốc thông thường, hạ sốt, giảm ho thảo dược, nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý.
“Đặc biệt lưu ý không lạm dụng kháng sinh để tránh tình trạng kháng kháng sinh, gặp tác dụng phụ, khiến bệnh kéo dài hoặc trở nặng hơn”, BS. Khanh cho hay.
Theo chuyên gia, dù trẻ mắc bệnh và có biểu hiện bệnh giống các lần trước nhưng cha mẹ không nên sử dụng lại đơn thuốc cũ cho con, tránh bỏ lỡ thời gian vàng điều trị.
Để phòng, chống các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, chuyên gia truyền nhiễm cho biết, phụ huynh cần cho trẻ rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng; hướng dẫn trẻ che miệng, mũi khi ho, hắt hơi, đeo khẩu trang và hạn chế tiếp xúc nơi đông người.
Ngoài việc tiêm chủng đầy đủ theo lịch, bố mẹ nên cho con tiêm các vắc-xin cúm, phế cầu nếu có đủ điều kiện để tăng cường hệ miễn dịch, đảm bảo cho trẻ ăn uống đầy đủ các nhóm chất, hạn chế đồ chiên rán, nhiều dầu mỡ, ăn thêm trái cây để bổ sung vitamin và khoáng chất.