Theo các BS, việc này sẽ dẫn đến những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng cho sức khoẻ của trẻ như tăng khả năng mắc bệnh trĩ, ung thư, thậm chí tử vong...
Theo các BS, có rất nhiều lý do khiến trẻ nhịn đi đại tiện. Đó có thể là cảm giác khó chịu từ lần đi cầu phân cứng sau một đợt ốm ngắn hoặc đơn giản chỉ là nỗi sợ phải bước vào một nhà vệ sinh không mấy sạch sẽ.
Đôi khi trẻ mải chơi và tìm cách lờ các cơn mót, cố nhịn để khỏi phải ngắt quãng trò chơi yêu thích. Một số trẻ chọn cách nhịn đại tiện để phản đối việc học ngồi bô.
Hành vi này có thể dẫn tới táo bón, đi ngoài bị đau và thậm chí khiến phân tắc nghẽn hoàn toàn, trẻ thường xuyên bị són một lượng phân nhỏ ra ngoài.
Nếu tình trạng tắc phân kéo dài quá lâu, trực tràng và đại trạng sẽ bị giãn căng, biến dạng và không còn khả năng co bóp đẩy phân ra ngoài. Việc nhịn đại tiện trong thời gian dài khiến ruột già bị phình to, chèn ép khoang ngực dẫn đến đau tim, thậm chí còn xô lệch vị trí những nội tạng khác. Do không phát hiện sớm để đi điều trị kịp thời nên tình trạng càng trở nên nặng nề, tăng nguy cơ mắc ung thư đường ruột, sa trực tràng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Việc nhịn tiểu của trẻ nhỏ sẽ khiến nước tiểu ứ đọng trong bàng quang lâu ngày sẽ là môi trường cho vi khuẩn xâm nhập và gây nhiễm trùng đường tiết niệu. Từ nhiễm trùng có thể gây biến chứng sẹo thận, tiền cao huyết áp. Việc nhịn tiểu làm trào ngược bàng quang niệu quản gây nhiễm trùng thận, dẫn đến suy thận, có thể gây tử vong. Nhịn tiểu cũng là tác nhân gây sỏi đường niệu, tạo thói quen tiểu són, tiểu rắt, vỡ bàng quang…
Để giảm thiểu những căn bệnh do nhịn đi đại tiểu tiện, cần tạo thói quen đi đại tiện hằng ngày, vào một khung giờ nhất định. Giải quyết ngay khi cảm thấy buồn đi vệ sinh. Ngoài ra, cần tăng cường uống nước, ăn rau củ… để việc đào thải trở nên dễ dàng hơn.
Dấu hiệu trẻ nhịn đi đại tiện
Cha mẹ có thể dễ dàng nhận biết những dấu hiệu của một trẻ nhịn đi đại tiện đó là bé lắc lư uốn éo, đi nhón gót, bắt chéo đùi hay ngồi chồm hỗm. Các tư thế này giúp kéo căng trực tràng và đại tràng dưới, giữ phân ở lại.
Trẻ tìm cách chặn cơn mót đi đại tiện có thể có các biểu hiện:
- Đột nhiên ngừng mọi hoạt động.
- Trốn vào một chỗ hoặc đi ra khỏi phòng.
- Người cứng đơ, dướn căng.
- Đứng nhón chân, cơ mông thít chặt.
- Đột nhiên ngồi xuống sàn hoặc ngồi chồm hỗm.
- Nhăn mặt hoặc thay đổi giọng nói.
- Toát mồ hôi hoặc trở nên nhợt nhạt.
- Không có khả năng chú ý tới bạn.
Theo Tiền Phong