Nếu trẻ sai, là do cha mẹ chúng hết. Chỉ là nhiều cha mẹ sẽ không đồng ý với tôi. Rằng họ là người cha, người mẹ vô cùng tử tế, họ đã vô cùng nỗ lực. Nhưng trẻ con mà, chúng không nghe lời cha mẹ, chúng bị bạn bè lôi kéo (bởi các cha mẹ nhà người ta không dạy dỗ con tử tế). Lớn hơn, chúng bị xã hội này dạy hư bởi chính những người lớn không ra gì chúng gặp, thấy trên đường. Nhiều hơn cả thì là bởi giáo dục Việt Nam không ra hồn khi môn Giáo Dục Công Dân không được chú trọng, thầy cô chỉ chạy theo thành tích, điểm số mà không giáo dục trẻ nên người. Tiên học lễ, hậu học Văn đã không còn nữa trong môi trường giáo dục Việt Nam. Một vòng tròn đổ lỗi không bao giờ dừng lại.
Trẻ con thì biết cái gì. Nên lũ trẻ chưa bao giờ được tôn trọng, lắng nghe cả. Lũ trẻ được phân loại trẻ ngoan- trẻ hư theo thước đo: Nghe lời cha mẹ, người lớn, thầy cô. Ý kiến của chúng không bao giờ được ghi nhận vì “trẻ con thì biết cái gì mà nói”. Vì ý kiến nêu ra không được đón nhận nên trẻ con sẽ mãi là trẻ con, mãi không biết cái gì. Không có quyền thì sẽ không phải chịu trách nhiệm. Và nếu chúng sai lầm đó cũng là điều dễ hiểu. Nhiều cha mẹ nói là dạy con nhưng chủ yếu chỉ là áp dụng các hình phạt là chính. Như đòn roi nếu con hư, hỗn. Như quát mắng nếu con không nghe lời. Như trừng phạt kinh tế để con phải thần phục cha mẹ. Ngay cả khi biết những hình phạt đó không có giá trị giáo dục, họ cũng sẽ nói rằng họ chịu thôi: Làm cha mẹ thời nay khó quá. Là bất lực trước việc con mình phá làng phá xóm, đua xe, đánh bạn hay trăm thứ hư hỏng khác.
“Trẻ con thì biết cái gì” trở thành cái câu đắng đót vậy, nhiều lựa chọn cảm xúc khi nói ra. Khi thì là chống chế, lúc thì là áp đặt, lại có khi thành tiếng thở dài thúc thủ của chính những bậc làm cha, làm mẹ. Có khi lại là tiếng mỉa mai của người đời dành cho chính những cha mẹ đang bênh hư con mình. Người đời còn “man rợ” khi nói câu: Nếu bạn không dạy con bạn, xã hội sẽ dạy con bạn. Cứ như thể cái xã hội này tanh mùi máu.
Hôm qua, khi tham gia tọa đàm trực tiếp trên sóng VOV1, tôi có nói về ước mơ của tôi: Lũ trẻ được dạy về Trí Tuệ Cảm Xúc từ chính những người cha, người mẹ, người thầy và cả đám người lớn chúng ta nữa. Trí Tuệ Cảm Xúc không chỉ là cách kiểm soát cảm xúc hay quản lý cảm xúc mà còn là lòng thấu cảm trong trẻ. Dạy trẻ cách quan tâm đến cảm xúc người đối diện chứ không chỉ cảm xúc của chính bản thân mình. Một đứa trẻ thành công trong tương lai là một đứa trẻ có trí tuệ cảm xúc.
Một đứa trẻ không có trí tuệ cảm xúc là một đứa trẻ ích kỷ, chỉ biết đến bản thân mình. Thậm chí, chúng còn không quan tâm đến chính bản thân chúng. Đó là lý do có những đứa trẻ gieo mình từ bỏ cuộc sống mà không quan tâm đến nước mắt đớn đau của cha mẹ, người thân. Nó ích kỷ đến mức không quan tâm đến mạng sống của nó. Bằng việc đua xe, đánh nhau hay tệ hơn, chấm dứt cuộc đời. Bởi mạng sống của chúng như thứ đồ chơi tùy nghi chúng sử dụng. Nhất thời cạn nghĩ chúng có thể vứt bỏ nó. Lạng lách trên đường, tạt đầu ô tô, sử dụng chất kích thích…
Trẻ con thì biết cái gì. Phải! Chúng có thể không biết nhiều thứ nhưng có những thứ chúng cần phải biết, cần phải “nhồi nhét” vào đầu chúng ngay từ bé. Áp đặt cũng được. Cưỡng ép cũng được. Là những điều này:
1. Mạng sống của con là quan trọng nhất. Con là tất cả của bố mẹ. Mọi sai lầm đều có thể sửa, trừ mạng sống. Hãy giữ chặt lấy nó lâu nhất có thể. Hãy nhìn những đứa trẻ ung thư đang cố níu giữ mỗi ngày.
2. Hãy nhìn những gì cha mẹ làm để trở nên tốt đẹp hơn mỗi ngày. Những gì bố mẹ làm sai, bố mẹ sẽ xin lỗi và sửa chữa, mỗi ngày, trước sự chứng kiến của con. Bố mẹ có thể chưa hoàn hảo nhưng bố mẹ đang nỗ lực tốt lên mỗi ngày. Vì con!
3. Con nhận ra cảm xúc của mọi người xung quanh mình không? Tại sao họ có cảm xúc như vậy? Hãy trò chuyện với con về cảm xúc của mọi người xung quanh. Đó là cách giúp con học nhận diện cảm xúc cho cả chính bản thân trẻ.
4. Chúng ta có thể làm gì trong trường hợp này? Hãy cùng con học cách giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Không phải là con phải làm thế này hay con không được thế kia. Mà là cho con nhiều lựa chọn cùng kết quả để con chọn kết quả đúng bằng những hành động, ứng xử đúng.
5. Trao quyền lực cho con đi kèm trách nhiệm. Khen thưởng vì trách nhiệm của con thay vì chỉ khen thưởng kết quả. Con dọn nhà sẽ được khen vì trách nhiệm của con với gia đình chứ không chỉ là việc con đã dọn nhà.
Cha mẹ ơi, chúng ta sẽ thôi nói câu: “Trẻ con thì biết cái gì” được không?
Anh Chánh Văn