Cứ nghĩ mà xem, chỉ một câu dạy/ nhắc nhở con như thế thôi – tôi tin là nó có độ phổ quát rất rộng trong đời sống của chúng ta – đã chứa đựng những thay đổi lớn trong quan niệm xã hội về sự học của đám thanh, thiếu niên.
Ngày xưa, cũng như “Khỏe là để bảo vệ Tổ quốc”, Học là để sau này trở thành những công dân tốt, đóng góp cho sự phát triển của đất nước, để chung tay giúp cho quốc gia Việt Nam có thể sánh vai với liệt cường khắp năm châu bốn bể. Còn bây giờ, cái gánh nặng của nhiệm vụ học, bổn phận học rõ ràng đã bớt đi. Học chỉ vì tương lai tốt của những người học (tức các thanh, thiếu niên) mà thôi. Như thế, thoạt nghe thì sự học bây giờ có vẻ ích kỷ, chỉ hướng đến sự vinh thân phì gia mà thôi. Nhưng ngẫm lại thì thấy nó... chẳng sai: mỗi một đứa trẻ đi học bây giờ mà trở thành một công dân có tương lai tốt trong mai sau, thì cả một thế hệ và các thế hệ đều có tương lai tốt, quốc gia trở nên giàu có mạnh mẽ là nhờ thế chứ nhờ gì nữa?
Ấy thế nhưng có thật “Các con học là học cho chính mình” không? Quan sát từ trong ra ngoài, từ hẹp đến rộng, từ các hiện tượng đơn lẻ đến bản chất tâm lý của vấn đề, tôi mới nhận thấy câu nói ấy chính là một kiểu “viên đạn bọc đường” về mặt diễn ngôn.
Đám học sinh phổ thông bây giờ, càng là con em ở các thành phố lớn càng thế: chúng học, là học cho sự lo lắng, những hy vọng, những viễn cảnh được vẽ ra ở phía chân trời tương lai, những khát khao về sự học mà cha mẹ chúng đã không thể thực hiện được ở bản thân mình hồi còn trẻ như chúng. Đấy, toàn bộ bí mật của đảo giấu vàng nằm ở đằng sau câu nói “Các con học là học cho chính mình”.
Phải nắm được điều này ta mới hiểu tại sao nói chung các bậc cha mẹ bây giờ không tiếc tiền, không tiếc thời gian công sức đưa đón để con hết học chính rồi học thêm, hết lò luyện này đến lò luyện khác, hết thầy nổi tiếng nọ đến thầy sáng giá kia. Khi mà bọn trẻ, sau tất cả những chuyện ấy, trả lại cha mẹ bằng những bảng điểm rực rỡ, những giải nọ giải kia của cấp quận huyện, thành phố, quốc gia, hoặc quốc tế, thì bao nhiêu vất vả tốn kém cũng chẳng qua... “là muỗi”. Họ được sống trong niềm hãnh diện, được mơn trớn bằng những lời khen của thiên hạ trước thành tích học tập của con. Họ dường như không để ý rằng với đứa trẻ, tất cả những cái đó mới chỉ là sự chuẩn bị ban đầu, đầy mong manh, và rồi đây cái cuộc đời tréo ngoe này lại đòi hỏi chúng nó những phẩm chất mà chẳng có lò luyện thi nổi tiếng hay thầy dạy thêm “có số có má” nào giúp được.
Trở lại với những đứa trẻ “học là học cho chính mình”. Cứ như tôi nhận thấy, kết quả nhãn tiền của việc phải học như thụi là chúng nó không có tuổi thơ. Chúng chỉ biết nhìn lên bảng của thầy hoặc nhìn vào gáy cha mẹ khi ngồi sau xe di chuyển từ trường nọ đến lớp kia, chứ ít khi nhìn lên trời để ngắm những đám mây vân cẩu bồng bềnh tha thẩn. Và chúng không có thời gian cho việc đọc sách. (Tôi chắc chắn điều này khi nhìn ngay vào con gái lớn của tôi, đang sinh viên năm thứ hai trường Đại học Bách Khoa, Hà Nội. Những năm phổ thông học túi học bụi “cho chính mình” – theo lời mẹ nó – đã khiến niềm say mê đọc sách của nó gần như mất sạch – lấy thời gian đâu mà đọc? – may thay, rốt cuộc thỉnh thoảng chị chàng vẫn có thể thức đêm để nghiền tiểu thuyết gia trinh thám thời thượng người Nhật Keigo Hirashino). Không đọc sách là... cực kỳ nguy hiểm, điều này tôi đã nói, đã viết nhiều lần nên tạm không bàn kỹ ở đây.
Hỡi các bậc làm cha làm mẹ đáng kính. Hãy làm sao đó để “các con học là học cho chính mình” theo một cách thật đích đáng. Xét cho cùng, cuộc đời của chúng nó là thuộc về chúng nó, ta không thể vô duyên nhào vào sống hộ được. Cho nên, lo cho con cái quá mức thì nó cũng dễ thành quá lố, lợi bất cập hại chứ chẳng đùa.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả