Kỷ niệm buồn nơi bệnh viện
Chúng tôi gặp bà trong một ngày tháng Mười giữa trời Sài Gòn hiu hiu cái lạnh. Trong căn nhà cạnh giáo xứ Hoàng Mai, bà Lan kể về những vui buồn của cuộc đời mình. Bà Lan cho biết, bà sinh năm 1958. Bà cũng không nhớ quê gốc của mình ở đâu, chỉ biết mình sinh ra tại Sài Gòn. Nghe đâu, bố của bà là người Bắc, cũng vì nghèo, lao lực mà chết khi bà vẫn còn nhỏ. Vì những việc làm cao đẹp của mình, bà đã nhận được những bằng khen như: "Có thành tích trong phong trào "Dân vận khéo" năm 2013", "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, năm 2013", "Thành tích tham gia hiến máu tình nguyện 20 lần trở lên của thành phố".
Bà Lan trong một lần đi hiến máu.
Đã bước vào tuổi ngũ tuần, cuộc đời bà cũng đã trải qua bao nhiêu vui buồn không thể nhớ hết. Nhưng có một kỷ niệm buồn mà mãi đến tận bây giờ bà vẫn không thể quên được. Bà kể, lúc ấy bà khoảng 23 tuổi. Trong một lần đứa con còn nhỏ của bà bị sốt xuất huyết phải đến bệnh viện, cần mua một chai nước màu vàng (sau này bà mới biết là chai nước chống đông máu - PV). Lúc đó còn một chỉ vàng trong tay, bà đã tháo ra bán để chữa trị cho con mình. Một lúc sau có một người phụ nữ đi một mình mang con tới, lúc đó đã 21h tối. Bà thấy bác sỹ cũng nói với cô ấy là cần phải mua chai này, nhưng người phụ nữ đó không có đủ tiền.
Lúc đó, bà Lan đang đi loanh quanh ở hành lang. Thấy thế, người phụ nữ này mới nhờ bà ôm đứa bé để về nhà lấy tiền. Thế là cứ như vậy, bà ôm đứa bé suốt đêm. Đến khoảng 4h sáng thì người phụ nữ đến nơi, nói với bác sỹ là đã đủ tiền mua chai nước ấy. Nhưng khi bác sỹ bế đứa trẻ và nâng mi mắt của bé lên thì phát hiện là đứa bé đã bị chết từ khi nào. Bà nhớ lại: "Trời ơi, lúc đó nghe vậy tôi sợ quá, lăn đùng ra ngất xỉu lúc nào cũng không biết". Bà nghĩ, chỉ vì không có tiền mà những người nghèo mới phải chịu cảnh như vậy. Bà nhớ lại lúc đó bác sỹ có nói là có thể đổi máu lấy chai nước màu vàng ấy, nhưng tại vì người phụ nữ đi một mình nên không có cách nào khác. Những người xung quanh cũng chẳng ai đứng ra giúp cô ấy cả. Giọng bà buồn: "Tôi cứ áy náy mãi, cũng vì lúc đó tôi còn trẻ quá không nghĩ ngợi gì cả. Nếu không thì...".
Thời gian bẵng đi, tuổi già đến với bà Lan từ khi nào chẳng hay. Năm 1995, bà nghỉ hưu thôi không còn làm giáo viên nữa. Nhận được tin ấy, những người bên phường 15 (quận Gò Vấp), và bên hội Phụ nữ phường đến nhà động viên tham gia làm công tác, nhưng bà từ chối, chỉ nhận làm bên hội Phụ nữ và bên hội Chữ thập đỏ của phường. Lúc này, cũng vì công việc nên bà có cơ hội tiếp xúc với nhiều người phụ nữ nghèo khổ, nhiều hoàn cảnh gia đình bất hạnh. Cũng từ đó, ký ức về người phụ nữ, về đứa trẻ chết trên tay năm nào như trỗi dậy, khiến động lực muốn làm gì đó giúp đỡ những người nghèo trong bà càng mạnh mẽ. Ý nghĩ đi hiến máu nhân đạo cũng từ đó mà xuất phát.
Đầu tiên, bà lặng lẽ đi hiến một mình. Bà chia sẻ: "Lần đầu tôi cũng sợ lắm. Chiều hiến xong, tối về thấy mệt nên nói với chồng: "Mình ơi, chắc tôi chết. Mình mua phở cho tôi ăn đi". Nhưng không ngờ sáng hôm sau chẳng thấy mệt gì nữa, càng ngày bà càng béo ra, da dẻ thì ngày một hồng hào. Sau đó, bà tiếp tục đi hiến, nhưng rồi nhận thấy có quá nhiều người cần máu miễn phí, chỉ một mình bản thân bà làm thì quá ít. Vì thế, sau đó bà về động viên chồng, con, bạn bè cùng đi hiến. Đến nay, gia đình bà từ chồng, hai người con trai, một người con gái ai cũng đi hiến máu cả rồi. Vì thế, ở khu phố nơi bà sống, mọi người gọi gia đình bà là gia đình hiến máu. Bà cho biết: "Con gái út của tôi năm ngoái mới có 17 tuổi cũng đã tham gia hiến máu. Tới bây giờ, nó đã hiến được 4 lần rồi".
Bà Phạm Thị Lan giữa đời thường.
Vận động mọi người hiến máu từ thiện
Xứng danh "kiện tướng hiến máu" Ông Nguyễn Văn Thiêng, Chủ tịch hội Chữ thập đỏ phường 15 (quận Gò Vấp) chia sẻ: “Từ khi bà ấy về làm, hội Chữ thập đỏ phường 15 phát triển hẳn lên. Năm nào cũng nhận được bằng khen xuất sắc. Để làm được như bà ấy không phải là dễ. Phải là người có cái tâm tốt thì mới được mọi người tin tưởng, làm theo. Bà ấy tình nguyện hiến máu cứu người từ năm 1995, đến nay không biết bao nhiêu lần rồi. Bà xứng đáng là "kiện tướng hiến máu””. |
Cứ mỗi sáng ra, căn nhà nằm ngay bên con đường nhỏ đông đúc lại mở toang các cánh cửa. Một khung cảnh thật vui nhộn. Ngồi trước cửa nhà bà là những người phụ nữ bán cá, bán đậu, bán rau cười nói vui vẻ... Họ đa số là những người nghèo khổ từ nơi xa đến buôn bán kiếm sống. Đang nói chuyện với chúng tôi, bà chỉ tay về một người phụ nữ bán đậu phụ ở gần đó: "Đây, bà bán đậu này tôi chỉ lấy năm trăm chỗ ngồi bán chứ chưa đến một nghìn. Gọi là lấy cho có thế thôi chứ... Tại nhà cô ấy nghèo quá...".
Bà Đỗ Thị Bích, một người từ miền Tây xa xôi lên đây, đang ngồi bán cá, tôm kể: "Tôi đi hiến máu đến nay cũng đã được 10 lần rồi. Chúng tôi buôn bán ở đây đa số đều là người nghèo, nên muốn làm gì đó để giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ thôi. Lúc đầu cũng muốn đi hiến nhưng không có ai hướng dẫn, sau đó được cô Lan hướng dẫn. Cô Lan là người tốt, giúp đỡ chúng tôi rất nhiều. Lúc đầu tôi không có chỗ buôn bán, sau rồi được cô ấy giúp đỡ. Ban đầu đang khó khăn, cô ấy không lấy tiền. Sau này làm được thì cô ấy lấy ngày 15 ngàn đồng. Cô ấy cứ như là cô tiên vậy".
Ánh mắt hiền từ, bà Lan nhìn ra trước cửa, nơi những người phụ nữ đang bận rộn với công việc buôn bán của mình, tâm sự: "Những người đàn bà ngồi bán ở đây, đa số đều là người nghèo. Người thì chồng chết, người thì chồng ăn nhậu, chơi bời, người thì chồng bệnh tật không lo được cho gia đình”. Bà chia sẻ: "Cũng do hoàn cảnh đưa đẩy chứ người phụ nữ nào chẳng muốn mình ở nhà chăm sóc gia đình, con cái. Mình không thương họ thì mình thương ai. Tôi để cho họ chỗ buôn bán, cũng là vừa giúp họ, vừa giúp mình.
Đội ngũ những người sẵn sàng đi tham gia hiến máu tình nguyện do bà Lan vận động đến nay đã khoảng vài trăm người. Trong đó, chỉ tính riêng những người phụ nữ ngồi bán hàng trước cửa nhà bà, những người trong khu phố 3 (phường 15, quận Gò Vấp) đã lên đến vài chục người rồi. Hiện nay, tại viện Tim TP.HCM, bà Lan dán một tờ giấy, có ghi số điện thoại, với nội dung là cho máu từ A đến Z, miễn phí hoàn toàn. Ai cần thì gọi điện đến, sau đó bà sẽ đi động viên và dẫn một vài người nữa cùng đi. Bà Lan chia sẻ: "Chúng tôi chỉ đến hiến xong rồi người ta đưa cho ổ bánh mì và hộp sữa rồi về chứ cũng chẳng biết họ là ai. Nhiều khi người ta còn đưa phong bì cho chị em, nhưng chị em không nhận".
Hàn Sơn