Về vấn đề này, PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết mắc Covid-19 chính là đưa virus tự nhiên vào cơ thể và cơ thể sẽ phản ứng để tạo ra các kháng thể để chống lại virus trong khoảng thời gian nhất định.
"Theo các nghiên cứu, cũng tương tự như sau tiêm 3 mũi vắc-xin Covid-19, khoảng thời gian lưu trữ được kháng thể chống lại virus dài nhất là 6-9 tháng. Do vậy, sau khi trẻ mắc Covid-19 từ 3 tháng trở ra thì người dân có thể tiếp tục tiêm vắc-xin Covid-19 cho con trẻ để bổ sung nồng độ kháng thể chống lại virus trong cơ thể của trẻ em", PGS Điển chia sẻ trên Người Lao Động.
Cũng theo PGS Điển, tới đây chúng ta cũng chưa biết sẽ gặp thêm các biến chủng gì của virus SARS-CoV-2. Tuy vậy, trong giai đoạn hiện tại, hiệu quả của vắc-xin Covid-19 được đánh giá là rất là tốt trong việc giảm ca bệnh nặng và tử vong.
"Thậm chí, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang mong chúng ta phủ rộng vắc-xin phòng Covid-19 ở nhóm tuổi thấp hơn nữa nếu có nghiên cứu của nhà sản xuất đưa ra cho vắc-xin ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi", PGS Điển thông tin với VTC.
TS Đặng Thanh Huyền, Phó trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia cũng cho biết, hướng dẫn của WHO và Bộ Y tế nêu rõ, các trường hợp từng mắc Covid-19 hoặc nhiễm SARS-CoV-2 không triệu chứng khi hết thời gian cách ly có thể tiêm vắc-xin Covid-19.
Thực tế, nhiều người mắc bệnh có thể tái nhiễm do miễn dịch giảm hoặc do mắc chủng mới. Trong khi đó, vắc-xin Covid-19 chú trọng giảm tỉ lệ mắc bệnh nặng và tử vong do bệnh. Vì vậy, việc tiêm vắc-xin cho những người từng mắc bệnh là cần thiết. Tuy nhiên, với trẻ em, các gia đình nên để trẻ có thời gian hồi phục sức khỏe sau khi mắc Covid-19 để có đáp ứng tốt hơn với vắc-xin.
Đồng quan điểm, PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia, cho rằng, đối với trẻ mắc Covid-19, cũng giống người lớn, nên để sức khỏe phục hồi hoàn toàn mới tiêm vắc-xin.
"Tới đây nước ta sẽ tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Bộ Y tế đang nghiên cứu để đưa ra hướng dẫn cụ thể với nhóm trẻ này", PGS Hồng thông tin thêm.
Liên quan đến việc tiêm phòng Covid-19 cho trẻ, chuyên gia khuyến cáo, trước khi tiêm vắc-xin, cha mẹ hãy trao đổi với con trước về việc này và cho trẻ ăn uống đầy đủ trước khi tiêm, thực hiện quy định 5K tại điểm tiêm...
Sau khi tiêm chủng, cần cho trẻ ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút để theo dõi, phát hiện và xử trí kịp thời các phản ứng nghiêm trọng nếu có... Đồng thời các gia đình cần theo dõi liên tục sức khỏe của trẻ trong vòng 28 ngày sau tiêm, đặc biệt 48 giờ đầu.
Ngoài ra, cha mẹ cần chú ý:
- Luôn có người hỗ trợ bên cạnh trẻ 24/24 giờ, ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19.
- Không nên cho trẻ uống các chất kích thích ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng.
- Bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ.
- Nếu thấy trẻ bị sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm phụ huynh cần tiếp tục theo dõi, nếu sưng to nhanh thì đi khám ngay, không bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau.
- Thường xuyên đo thân nhiệt, nếu trẻ sốt dưới 38,5 độ C thì cởi bớt, nới lỏng quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn, uống đủ nước, không để nhiễm lạnh, đo lại nhiệt độ sau 30 phút.
Trong trường hợp trẻ sốt từ 38,5 độ C trở lên, cha mẹ có thể sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Nếu không cắt được sốt hoặc sốt lại trong vòng 2 tiếng cần thông báo ngay cho nhân viên y tế và đến cơ sở y tế gần nhất.
Minh Hoa (t/h)