Ngay sau đêm thứ ba với chủ đề “Thu tuổi thơ” và cũng là đêm cuối cùng trong chuỗi sự kiện văn hóa “Thu vọng Nguyệt” diễn ra với màn thắp sáng 500 chiếc đèn Trung thu của hàng trăm em nhỏ và gia đình.
Ba đêm “Thu vọng Nguyệt” gồm: Thu tinh hoa (29/9), Thu hội ngộ (30/9) và Thu tuổi thơ (1/10) diễn ra trong tiết trời đẹp của Hà Nội. Không gian lộng lẫy, cổ kính của Văn Miếu – Quốc Tử Giám trở nên không thua gì cung vua, phủ chúa, đó chính là điểm cộng lớn của “Thu vọng Nguyệt”.
Ước tính đã có hàng vạn người đến với sự kiện, hòa vào không khí Trung thu vừa truyền thống vừa hiện đại, cùng vui chơi, ngắm trăng và phá cỗ. Thu hút đông người tham dự nhất là khu tổ chức các trò chơi dân gian như nu na nu nống, ô ăn quan, kéo co, rồng rắn lên mây, nhảy bao bố, gánh thóc, bịt mắt đánh trống... Những hoạt động văn hóa dân gian tương tác với nghệ nhân như làm đèn ông sao, đèn kéo quân, mặt nạ giấy bồi, nặn tò he, làm bánh Trung thu cổ truyền, làm giỏ thị... cũng được nhiều phụ huynh và em nhỏ quan tâm.
Hàng loạt tiết mục biểu diễn nghệ thuật với chèo, ca trù, ả đào kết hợp âm nhạc hiện đại ở đêm khai mạc; quan họ hòa phối với nhạc điện tử ở đêm thứ hai; những khúc hát tuổi thơ trong trẻo ở đêm thứ ba… được đánh giá tích cực cả về tính giải trí và nghệ thuật. Cùng với đó, những bộ sưu tập áo dài lấy cảm hứng từ thơ ca, hội họa và văn hóa truyền thống Hà Nội của các NTK Anh Thư, Đức Hùng, Hà Linh Thư khiến đêm trăng trở nên thanh khiết, ngọt ngào cùng hương vị của trà, bánh, trái cây trên bàn tiệc.
“Thu vọng Nguyệt” đã không chỉ là phá cỗ trông trăng, tái dựng những nét đẹp của Trung thu truyền thống mà còn mang tới mùa thu của sự kết nối, đoàn viên, sẻ chia, tương thân tương ái.