Lần đầu tiên, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam phối hợp với bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công bố báo cáo sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội trẻ em và thanh niên Việt Nam.
Hiện có khoảng 3 triệu trẻ em, thanh thiếu niên có nhu cầu về các dịch vụ sức khỏe tâm thần nhưng nhiều địa phương không có các dịch vụ này, thiếu chuyên gia tư vấn tâm lý cho các em. Điều đáng nói là có rất nhiều loại hình sức khỏe tâm thần ở trẻ em mà chúng ta ít biết đến hoặc thậm chí là không biết đó là một biểu hiện của sức khỏe tâm thần.
Theo báo cáo, tỷ lệ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần chung ở Việt Nam từ 8% đến 29% đối với trẻ em và vị thành niên, tùy theo tỉnh, giới tính và đặc điểm từng người. Các loại hình vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến nhất trong trẻ em Việt Nam là các vấn đề hướng nội (ví dụ như lo âu, trầm cảm, cô đơn) và các vấn đề hướng ngoại (ví dụ như tăng động và giảm chú ý). Tình trạng lạm dụng chất kích thích, đặc biệt là thuốc lá khá phổ biến ở đối tượng vị thành niên là nam giới, tới gần 40%.
Cũng theo kết quả nghiên cứu nói trên, tỷ lệ tự tử của thanh thiếu niên Việt Nam đang có khả năng gia tăng nhưng theo kết quả nghiên cứu là thấp so với các quốc gia trên thế giới. Trẻ em nữ dễ có suy nghĩ tự tử (cao gấp 2 lần nam giới) và gây tổn hại bản thân hay cô lập bản thân. Thanh niên từ 18 - 21 tuổi có ý định tự tử ở mức cao nhất.
Thứ trưởng bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan cho rằng, nhiều người dân, trẻ em có biểu hiện rối nhiễu tâm trí như lo âu, trầm cảm, cảm giác bị bỏ rơi do tác động kinh tế xã hội, gia đình vẫn chưa được quan tâm. Vì thế, cần phát triển các dịch vụ tư vấn tâm lý, dịch vụ hỗ trợ cho người có biểu hiện liên quan sức khỏe tâm thần; phổ biến kiến thức khoa học về hỗ trợ tâm lý. Được biết, hiện có khoảng 3 triệu trẻ em, thanh thiếu niên có nhu cầu về các dịch vụ sức khỏe tâm thần nhưng nhiều địa phương không có các dịch vụ này, thiếu các nhà tư vấn tâm lý cho các em.
N.Giang