Hè về, thay bằng việc ép con cái đi học thêm, các bậc phụ huynh ở thành phố lại tất bật mang con cái về quê. Khi trẻ phố về quê cũng là lúc trẻ quê được ra phố để biết “vị” Hà thành. Nhiều đứa trẻ quê còn mạnh dạn đi kiếm tiền qua việc bán hàng rong, đánh giầy.
Trẻ được hòa mình với thiên nhiên (Ảnh minh họa)
Ra phố chơi, kiếm sống và... tránh đòn
Mỗi dịp nghỉ hè, đường phố Hà Nội như trở nên đông vui nhộn nhịp hơn với sự xuất hiện của khá nhiều em nhỏ từ 5 - 15 tuổi đi bán kẹo, bán tăm, ăn xin. Theo tìm hiểu của PV, không ít trong số đó là trẻ em từ các vùng quê nghèo khó tranh thủ nghỉ hè, ra phố kiếm tiền phụ giúp gia đình.
Đang ngồi uống nước tại phố Lê Đại Hành, (Hai Bà Trưng, Hà Nội), tôi giật mình bởi tiếng mời: “Cô mua cho con gói kẹo cao su nhé. Con tính giá rẻ thôi. Cô mở hàng cho con đi...”. Trước mặt tôi là hai bé trai khoảng 6 - 8 tuổi với bộ dạng nhút nhát, sợ sệt. Sau một hồi trò chuyện, tôi được biết cháu tên Đạt, mỗi khi nghỉ hè, chúng đều ra phố sống với mẹ. “Đây là lần thứ 3 chúng cháu ra Hà Nội. Lần nào ra, chúng cháu cũng theo mẹ đi bán hàng. Năm nay do đã quen đường và đã lớn, mẹ cho cháu và em trai đi bán kẹo cao su rong cùng nhau để sang năm mỗi đứa đi một hướng. Ba lần ra Hà Nội nhưng chưa lần nào chúng cháu được mẹ cho đi chơi vì mẹ phải kiếm tiền cho chúng cháu ăn học và nuôi ông bà nội già ở quê. Nhà cháu nghèo. Nhiều hôm mẹ cháu bán hàng đến 8 giờ tối mới về nhà trọ”, em kể. Đạt còn nói thêm, nhiều hôm đi bán hàng, hai anh em rủ nhau vào công viên xem các bạn chơi. Với chúng, được chơi các trò đu quay, ô tô đụng... chỉ là một giấc mơ.
Mỗi khi hè về, Nguyễn Thị Hằng 13 tuổi (Hưng Yên) tranh thủ nghỉ hè ra phố sống với bố và cũng để… tránh những trận đòn vô cớ của mẹ. Hằng kể: “Bố mẹ em ly hôn năm em học lớp 5. Mỗi khi lên Hà Nội, em được bố cho đi chơi khắp nơi: công viên nước, công viên Thủ Lệ, Bờ hồ... Sau mấy tháng hè, em không muốn về quê bởi em rất sợ mẹ. Gần như tuần nào em cũng bị mẹ đánh hoặc chửi bới vài lần”.
Những đứa trẻ quê nghỉ hè ra phố, mưu sinh hay du ngoạn trong mấy tháng hè giúp chúng trưởng thành hơn trong lối sống và nhận thức. Một số phụ huynh cho rằng, đây cũng là dịp để con cái họ hiểu những khó khăn trong cuộc sống và cố gắng học tập.
Về quê để... giải ngố
Mỗi dịp nghỉ hè, nhiều đứa trẻ thành phố lại háo hức được về quê thăm thú họ hàng, khám phá thiên nhiên. Trong số đó, có những đứa lần đầu tiên đặt chân về quê nên cái gì với chúng cũng hết sức lạ lẫm.
Chị Lê Thùy Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi để Tôm - con trai 7 tuổi ở lại quê với ông bà ngoại nhân dịp nghỉ hè. Cháu vốn là đứa nhút nhát, không thích tiếp xúc với ai, suốt ngày mê vi tính. Sợ con không quen, tôi ở lại 3 ngày để hướng dẫn cháu thích nghi với cuộc sống ở quê. Mấy ngày đầu con trai gọi về cho mẹ liên tục nhưng mấy ngày nay, cu cậu không nghe điện tôi gọi vì mải đi chơi. Hỏi thăm mới biết sau một tuần, cu cậu đã thích nghi với cuộc sống ở quê, nhanh nhẹn và bớt ngây ngô hơn”.
Kể về ngày đầu tiên Tôm về quê, chị Dương cho biết: “Khi về đến đầu làng, thấy mấy người đang lúi húi dưới ruộng, Tôm giật mình hỏi: “Mẹ ơi, mấy người kia lớn rồi mà vẫn chơi trò trốn tìm kìa mẹ”. Nhìn theo cánh tay con, tôi không khỏi giật mình. “Những người nông dân kia đang xới đất cho cây đay, không phải chơi trò trốn tìm”, tôi giải thích. Tôm hỏi tiếp “Cây rau đay nhà mình vẫn ăn hả mẹ? Sao cây ở đây to và non thế, lại không có màu tím tím nữa”. Khi đi qua chiếc lò gạch đang nung, khói bốc lên, Tôm hét toáng, mặt tái mét: “Cháy, cháy nhà!”. Nghe con nói, tôi thấy mình thật có lỗi bởi mấy năm qua không dạy con kiến thức về thiên nhiên, quê quán...
Khác với Tôm, bé Bin 10 tuổi con chị Nguyễn Thị Nga (Hai Bà Trưng, Hà Nội) sau một lần được về quê vào dịp hè năm ngoái, lại tiếp tục đòi về. Bé kể, ở thành phố, không được đi ra ngoài chơi, chỉ ở nhà với người giúp việc. Trong khi đó, về quê được đi khắp nơi. Vừa được nghỉ hè, cháu náo nức giục bố mẹ cho về quê chơi và dự định xin ông bà cho một góc đất nhỏ để trồng rau.
Với một số phụ huynh khác, ngoài lí do cho con về quê gửi trẻ, họ cho trẻ về để xả stress sau những ngày vất vả học hành. Bên cạnh đó các cháu sẽ rèn luyện sức khỏe, lòng yêu thương, được sống trong môi trường trong lành. Điều đó, với các cháu đang tuổi lớn, đang hoàn thiện nhân cách là hết sức cần thiết và bổ ích.
“Về quê giúp trẻ cảm nhận thiên nhiên tốt hơn” Nhìn nhận vấn đề này, cô giáo Trần Thị Mến, giáo viên dạy văn, Trường Trung học cơ sở Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội cho rằng: Nghỉ hè cho trẻ về quê là điều rất cần thiết trong việc giáo dục tình yêu con người, thiên nhiên. Đó còn là sự phát triển toàn diện khả năng sáng tạo trí tuệ cho các em. Chỉ có biết rõ và cảm nhận về những điều xung quanh mình, trẻ mới phát triển được hết các khả năng trong học tập. Ví dụ như có về quê, được chứng kiến dòng sông trong xanh hay cảnh thanh bình của làng quê chúng mới miêu tả sắc nét, có hồn. Ngược lại, nếu không biết, không cảm nhận và nhìn thấy sự vật thật sự thì chúng không thể phát huy được khả năng tư duy của mình, do bị thụ động vào sách tham khảo...”. |
Hồng Mây