Những ngày qua, miền Bắc đang phải trải qua đợt rét kỷ lục kể từ đầu mùa đông. Thậm chí có những địa phương nhiệt độ xuống dưới 0 độ, xuất hiện cả băng tuyết.
Theo báo Phụ nữ Việt Nam, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận gần 2.000 trẻ tới khám, chữa bệnh. PGS Trần Minh Điển – Phó Giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trong số bệnh nhân nhập viện, đa số mắc các bệnh về đường hô hấp, chủ yếu là các bệnh viêm phổi, viêm phế quản, viêm tai giữa.
PGS Điển cho biết, trẻ em là đối tượng nhạy cảm dễ đổ bệnh nhất khi xảy ra rét đậm hoặc giá rét kéo dài do trọng lượng cơ thể thấp, khả năng sinh nhiệt để duy trì nhiệt độ cơ thể hạn chế và dễ bị các biến chứng do nhiễm lạnh.
Biểu hiện thường gặp của trẻ khi đến khám là có thể buổi tối vẫn hoàn toàn khỏe mạnh, chơi đùa tốt nhưng đến đêm, khi ngủ bắt đầu sốt, khó thở, thở nhanh, gấp, đến sáng hôm sau tiếp tục sốt cao hơn, chảy nước mũi nhiều, bỏ ăn, thở khò khè.
Thời tiết thất thường, lạnh... là điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn phát triển khiến trẻ dễ mắc bệnh về đường hô hấp. Vì vậy, trong chế độ dinh dưỡng và chăm sóc trẻ các bậc phụ huynh cần đặc biệt lưu tâm đến những vấn đề sau để phòng tránh cũng như hạn chế mắc bệnh cho trẻ.
Những lưu ý khi chăm sóc trẻ
Theo báo Sức khỏe và Đời sống, các phụ huynh giữ ấm cho trẻ khi thời tiết trở lạnh, nhất là khi đưa trẻ đi chơi ngoài trời vào buổi tối hoặc sáng sớm.
Lưu ý các vị trí quan trọng như bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng cho trẻ và người chăm sóc trẻ; không cho trẻ mút tay, mút đồ chơi vì đây là con đường lây bệnh rất phổ biến; vệ sinh nhà cửa, bàn ghế, đồ chơi, quần áo cho trẻ thật sạch sẽ; giữ môi trường thông thoáng, tránh ẩm thấp; không cho trẻ tiếp xúc với người hút thuốc lá và không để trẻ hít phải khói thuốc.
Khi trẻ có các dấu hiệu của viêm nhiễm đường hô hấp như sổ mũi, ho, sốt nhẹ, cần chăm sóc và theo dõi. Có thể làm giảm các triệu chứng bằng thuốc hạ sốt, thảo dược giảm ho, tăng cường miễn dịch... Theo dõi tình trạng bệnh của trẻ sát sao sẽ giúp trẻ nhanh khỏi bệnh, không bị biến chứng.
Cha mẹ tuyệt đối không tự ý cho trẻ uống kháng sinh vì bệnh hô hấp lúc giao mùa chủ yếu khởi phát là do virus nên kháng sinh không có tác dụng. Lạm dụng kháng sinh có thể tác hại đến sức khỏe của trẻ do tác dụng phụ của thuốc, tăng nguy cơ kháng kháng sinh, đồng thời tước đi cơ hội rèn luyện miễn dịch của trẻ.
Ngoài ra, khi trẻ bị ho, sổ mũi, sốt hoặc bé có kèm theo biếng ăn, nôn trớ... các bậc phụ huynh nên đưa trẻ tới các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Phong Linh (tổng hợp)