Trẻ rất cần điểm tựa để có niềm tin

Trẻ rất cần điểm tựa để có niềm tin

Thứ 5, 27/12/2012 23:45

Trong cuộc sống nhiều căng thẳng và áp lực như hiện nay một số kết quả nghiên cứu trên thế giới cho thấy số vụ tự tử tăng gấp 60% so với 50 năm qua. Dự báo đến năm 2020, số người chết vì tự tử trên toàn cầu sẽ tăng thành 1,5 triệu mỗi năm, đặc biệt ở các nước đang phát triển.

Điều đáng lo ngại là độ tuổi có hành vi tự tử đang bị trẻ hóa, tập trung chủ yếu vào lứa tuổi 15-25. Dự báo của Tổ chức Y tế thế giới, đến năm 2020 tự tử sẽ là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở các nước phát triển và hàng thứ 2 ở các nước đang phát triển.

Trẻ em bây giờ khác xưa

TS. Lê Khanh, một chuyên gia đã có nhiều năm nghiên cứu tâm lý con người bày tỏ quan điểm: Có thể nói, không có một hiện tượng nào dễ giải thích, nhưng lại khó có thể nói một cách đích xác về các nguyên nhân như hành vi tự tử nơi trẻ vị thành niên, bởi vì nếu nhìn một cách chung chung đó là sự thiếu hụt trách nhiệm từ gia đình, nhà trường và xã hội. Nhưng từ trong vô thức của chính các em có nguy cơ tự tử lại là sự đánh mất lòng tự trọng, những giá trị sống, mà điều này thì lại do rất nhiều yếu tố về môi trường giáo dục và từ những hiện tượng xã hội xung quanh các em. Từ những chuyện nhỏ cho đến những chuyện lớn, khi các em đã mất niềm tin vào những người xung quanh thì việc mất đi niềm tin vào bản thân là điều đương nhiên. Vì khi không còn sự quý trọng giá trị bản thân thì việc hủy hoại thể xác là điều không quá khó hiểu.

Pháp luật - Trẻ rất cần điểm tựa để có niềm tin

TS tâm lý học Lê Khanh

Để có thể ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng này, trước hết đứng về góc độ gia đình, lứa tuổi có nguy cơ tự tử cao là từ 12 - 18 tuổi lại chính là giai đoạn mà các em muốn chứng tỏ sự tự chủ của mình. Các em luôn có tư thế phản ứng lại những điều mà chúng cho rằng đó là sự áp đặt của người lớn. Và đôi khi cảm thấy rất cô đơn, rất yếu đuối để cần lắm một lời hỏi han, khích lệ, sự cảm thông của cha mẹ chứ không phải là sự chiều chuộng hay quát mắng. Chính sự vô tâm hay cách ứng xử thiếu sâu sắc và thận trọng của cha mẹ khiến cho các em hoang mang để từ đó có những phản ứng thiếu suy nghĩ.

Như vậy, một mặt gia đình phải biết tôn trọng tính tự chủ của các em, mặt khác cần có sự cảm thông và nâng đỡ những lúc các em lo lắng trước những áp lực về học tập hay trong quan hệ với bạn bè. Các em cần sự tán thưởng về những cố gắng của mình, cũng rất dễ suy sụp trước những lời phê bình, miệt thị của những người xung quanh. Đặc biệt là đối với những gia đình Việt Nam thì các em gái tự tử nguy cơ cao hơn vì những phản ứng từ những áp lực kể cả sự coi thường của người lớn, khiến điều kiện để giải tỏa những ức chế trở nên khó khăn hơn.

Chính vì vậy mà gia đình sẽ có khả năng giảm thiểu nguy cơ tự tử ở các em nếu cha mẹ biết tập cho các em tính tự chủ, biết quý trọng giá trị bản thân. Các em không chỉ cần sự yêu thương mà cần phải nhận được sự tôn trọng qua những gì cụ thể làm được trong khả năng của mình.

Đối với nhà trường, hiện nay không chỉ áp lực học tập, mà đôi khi cách ứng xử của các giáo viên đã tạo ra những tổn thương hết sức sâu sắc về tâm lý cho các em mà họ không nhận ra. Nhưng chính bản thân người giáo viên cũng lại chịu rất nhiều áp lực về thành tích giảng dạy. Chính vì thế, một mặt cần tăng cường những kiến thức về tâm sinh lý và sự hiểu biết về kỹ năng sống của giới trẻ cho giáo viên và những nhà giáo dục. Mặt khác, việc giảm đi những áp lực học tập và thành tích không cần thiết cho cả thầy lẫn trò cũng là một điều đáng quan tâm với những biện pháp cụ thể chứ không bằng những lời hô hào.

Giáo dục, trau dồi kỹ năng sống cho trẻ

Đã có nhiều trường hợp có nguy cơ tự tử mà chúng tôi từng gặp, phần lớn là do việc nhìn nhận và đánh giá sai về những thái độ và phản ứng của trẻ. Điều khó khăn lại là sự thuyết phục các bậc phụ huynh có được sự thay đổi về nhận thức về cách ứng xử, vì đó mới là tác động hiệu quả để làm giảm đi phản ứng thái quá nơi các em. Chỉ khi nào môi trường sống có những biến chuyển tích cực thì tâm trạng hoang mang, chán nản, mất định hướng của các em mới giảm thiểu. Bên cạnh đó việc khuyến khích các em tham gia các hoạt động tập thể ngoài gia đình cũng giúp cho các em xây dựng được những giá trị của bản thân để vượt qua được những khủng hoảng đưa đến tình trạng đau lòng này.

Cũng đồng quan điểm này, TS. Huỳnh Văn Sơn, GV Khoa Tâm lý giáo dục, ĐH Sư phạm TP. HCM cho rằng: Việc một số bạn trẻ tự tử là do cảm thấy chới với và quá bế tắc trong cuộc sống. Khi gặp sự cố hay khủng hoảng, kỹ năng sống hạn chế làm các bạn khó có thể vững vàng đương đầu nên cách lựa chọn bỏ chạy bằng cái chết là điều có thể xảy ra. Đó là chưa kể đến những lý do khác như: cảm thấy không ai hiểu mình, cảm thấy chán nản, mất niềm tin, bạn trẻ cảm nhận rằng mình không còn điểm tựa...

Một số cái chết vô duyên vì bị ảnh hưởng và tác động tiêu cực bởi suy nghĩ chủ quan, bởi một vài cá nhân thiển cận khi cho rằng mình làm như thế cho đáng... Đó là chưa kể sự tác động của kiểu tự tử dây chuyền, tự tự tập thể lan tràn trên mạng, phương tiện khác...

Giải pháp căn cơ vẫn xuất phát từ gia đình. Gia đình cần tạo niềm tin và gần gũi, hết lòng chăm sóc và bảo ban, sát cánh với con em trong những tình huống khác nhưng tuyệt đối không xúc phạm trẻ.

Mặt khác, việc lồng ghép những kỹ năng sống và các hoạt động rèn luyện bản lĩnh của con trẻ là điều thực sự cần thiết hiện nay. Chúng ta đang chú trọng giáo dục toàn thể cho trẻ nhưng lại chỉ hướng trẻ đến những kiến thức toàn diện về mặt văn hóa. Thực ra, nên đưa những kiến thức thuộc về kỹ năng sống để định hướng cho trẻ những giá trị cần phải trân trọng và những điều không thể làm để trẻ có những phân tích đúng đắn nhất trong tư tưởng khi bắt đầu giai đoạn trưởng thành. Có như vậy sẽ hạn chế được những suy nghĩ lệch lạc của giới trẻ dẫn đến tình trạng tự tử đáng buồn diễn ra ngày càng tăng trong thời gian vừa qua.

Thu Văn


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.