Những biến chứng nguy hiểm khi trẻ mắc thủy đậu
Mới đây, thông tin chị Hoàng Thị Tiêm (Hưng Yên) sau khi sinh con cả mẹ và con đều bị thủy đậu nhận được sự quan tâm. Theo lời của người mẹ, sắp đến ngày chuyển dạ thì chồng chị mắc thủy đậu. Sợ lây bệnh sang vợ và con, chồng chị đã chủ động cách ly trong sinh hoạt hàng ngày. Mặc dù vậy, sau khi sinh con, cả mẹ và con đều bị.
Hay hồi giữa tháng 7/2024, Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận điều trị cho 2 bệnh nhân sơ sinh mắc thủy đậu. Đáng chú ý, cả 2 bệnh nhân đều bị lây từ mẹ.
Trường hợp thứ nhất là bé trai 5 ngày tuổi ở Hà Nội, khởi phát xuất hiện những nốt phát ban và phỏng nước toàn thân.
Trước đó, mẹ của bé cũng phát hiện bị thủy đậu vào ngày thứ 3 sau khi sinh và đã cách ly ngay với con. Gia đình đưa bé vào bệnh viện và được chẩn đoán mắc thủy đậu.
Trường hợp thứ 2 là bé trai 2 tháng tuổi, cũng ở Hà Nội. Khoảng 3 ngày trước khi vào viện, bé bắt đầu xuất hiện những vùng nốt phỏng nước lan ra khắp mặt và toàn thân; ban phỏng nước mọc nhiều và lan nhanh, dày đặc. Bé còn có biểu hiện ho, khò khè sốt 38 độ nên được người nhà đưa vào viện.
Bên cạnh đó, cũng đã có không ít cha mẹ chủ quan khiến trẻ nguy kịch tính mạng do mắc thủy đậu được báo chí thông tin thời gian qua.
Trao đổi với Người Đưa Tin, BS. Lê Văn Thiệu - Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh thủy đậu (dân gian thường gọi là bỏng rạ) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do virus thủy đậu có tên Varicella zoster (VZV) gây nên.
Virus này có thể lây truyền từ mẹ sang con qua bánh rau khi mang thai hoặc trẻ mắc phải sau sinh do tiếp xúc với các giọt bắn trong môi trường chứa vi rút thủy đậu (lây truyền qua đường hô hấp) hoặc tiếp xúc trực tiếp với người chăm sóc bị nhiễm bệnh.
Thủy đậu ở trẻ sơ sinh là một bệnh nặng với nguy cơ tử vong cao lên đến 30% do tổn thương đa cơ quan.
Nếu không được điều trị bệnh kịp thời và đúng phác đồ thì trẻ có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như: Suy hô hấp, sốc nhiễm trùng nhiễm độc, bội nhiễm vi khuẩn, các biến chứng về thần kinh như: Viêm màng não, viêm tuỷ, viêm dây thần kinh thị giác, viêm đa dây thần kinh. Hoặc một số biến chứng khác như suy thượng thận, viêm cầu thận, tổn thương mắt, thậm chí là tử vong.
BS. Thiệu cho biết thêm, triệu chứng điển hình của thủy đậu là sốt, xuất hiện phỏng nước. Nhưng trước khi xuất hiện các triệu chứng này, có thể nhận biết trẻ sơ sinh bị thủy đậu bằng dấu hiệu như ngày đầu đã có thể xuất hiện các phỏng nước, đặc điểm của các phỏng nước của thủy đậu là xuất hiện từ trên đầu lan xuống mặt, xuống tay, xuống chân.
"Tức là sẽ xuất hiện từ cao đến thấp. Các phỏng nước đầu tiên có thể xuất hiện ở dưới chân tóc", BS.Thiệu cho hay.
Về việc chăm sóc trẻ sơ sinh mắc thủy đậu, BS.Thiệu cho rằng việc chăm sóc tại nhà rất cần thiết. Theo đó, cần đảm bảo trẻ được nghỉ ngơi đầy đủ, cung cấp đủ nước và dưỡng chất cho trẻ để tăng cường hỗ trợ hệ miễn dịch.
"Các nốt mụn nước có thể gây ngứa và khó chịu cho trẻ. Để giảm bớt cảm giác này, mẹ có thể sử dụng các loại kem dưỡng ẩm hoặc các sản phẩm dành riêng cho trẻ sơ sinh làm dịu da", BS.Thiệu hướng dẫn. Đồng thời khuyên mẹ nên cắt móng tay của tr ẻ để tránh việc trẻ gãi vào các nốt mụn, hạn chế nguy cơ nhiễm trùng.
Ngoài ra, cần chủ động theo dõi và hạn chế cho trẻ tiếp xúc với những người đang bị thủy đậu hoặc có triệu chứng nghi ngờ.
Đảm bảo vệ sinh cá nhân, môi trường sống sạch sẽ cũng góp phần lớn trong việc ngăn ngừa sự lây lan của virus.
Sốt cao liên tục, khó thở… cần đến viện ngay
Đặc biệt lưu ý, trường hợp trẻ sốt cao liên tục hay có dấu hiệu bất thường như khó thở thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay lập tức để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Để phòng bệnh thuỷ đậu cho trẻ sơ sinh, các bà mẹ nên tiêm phòng vắc-xin thủy đậu trước khi mang thai từ 3 đến 6 tháng.
Mẹ được tiêm phòng sẽ phòng bệnh cho mẹ và phòng bệnh cho cả con mình, vì kháng thể chống virus thuỷ đậu của mẹ sẽ theo đường máu vào nhau thai và cả theo đường sữa vào cơ thể bé, bảo vệ bé trong 12 tháng đầu đời.
Sử dụng các vật dụng sinh hoạt cá nhân riêng khi gia đình có người mắc bệnh: Khăn mặt, cốc, chén, bát, đũa. Vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9%.
Thay quần áo và tắm rửa hàng ngày bằng nước ấm sạch. Khi tiếp xúc phải đeo khẩu trang và rửa tay ngay bằng xà phòng.
Phòng tránh bệnh thủy đậu
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thủy đậu là bệnh lành tính, không có triệu chứng nặng nề ngoài những mụn nước nhưng rất dễ gây nhiễm trùng da nơi mọc mụn nước, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm não tuy ít xảy ra. Phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi...
Để chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện một số biện pháp sau: Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan.
Những trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 - 10 ngày từ khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.
Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường. Tiêm vắc-xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi.