Trước sự gia tăng bất thường số trẻ lây sùi mào gà trên địa bàn huyện Khoái Châu, Hưng Yên cũng như chờ kết quả điều tra dịch tễ để tìm căn nguyên gây bệnh, nhiều phụ huynh tỏ ra bất an, tá hỏa đưa con đến viện khám bệnh.
Theo các chuyên gia y tế, nếu sùi mào gà ở người lớn đa phần là do lây truyền qua con đường tình dục, còn trẻ thường mắc bệnh khi lây từ người chăm sóc trực tiếp. Tại bệnh viện, nhiều trường hợp được phát hiện lây trực tiếp từ bố mẹ. Bệnh cũng tự lây truyền từ tổn thương do HPV gây ra ở vùng niêm mạc hoặc da, truyền từ mẹ bị nhiễm HPV sinh dục trong quá trình sinh nở. Đặc biệt, trẻ có thể mắc sùi mào gà do lây nhiễm từ đồ dùng như khăn, đồ lót bị nhiễm HPV, hoặc can thiệp y tế (như chít hẹp bao quy đầu) không đảm bảo điều kiện vô trùng.
Nhận định về nguồn lây và phác đồ điều trị cho trẻ, bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung (bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp) cho biết: “Trẻ chủ yếu lây bệnh qua đường tiếp xúc (cần theo dõi các nguồn lây nhiễm ở các vị trí khác như đường miệng, niêm mạc) nên sự xâm nhập của virus không mạnh như lây truyền qua đường tình dục ở người lớn. Tuy vậy, những biểu hiện sùi mào gà ở người lớn và trẻ không có sự khác biệt.
Biện pháp điều trị sùi mào gà đó là việc kết hợp áp dụng phương pháp ngoại khoa nhằm chấm dứt các biểu hiện bệnh (ngăn chặn bệnh phát triển, biến chứng, lây lan), đồng thời dùng thuốc kháng virus giúp ức chế virus phát triển, ngăn chặn nguy cơ bệnh tái phát…”.
Về liệu pháp điều trị, một bác sỹ trung tâm Nam học (bệnh viện Việt Đức) chia sẻ: “Trên thực tế, phương pháp dùng để điều trị bệnh sùi mào gà ở trẻ không khác so với người lớn. Tuy nhiên, cơ thể trẻ non nớt, sức đề kháng kém nên quá trình thực hiện cần tuân thủ một quy trình và nguyên tắc khắt khe.
Trước tiên, các bác sĩ sẽ thăm khám, kiểm tra tình trạng sức khỏe, mức độ tổn thương từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, hiệu quả. Điều trị sùi mào gà ở trẻ em chủ yếu là uống thuốc, bôi thuốc, điều trị tại chỗ ức chế virus được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, điều trị sùi mào gà ở trẻ em bằng thuốc bôi có tỷ lệ tái phát khá cao.
Trong trường hợp bệnh nhân không đáp ứng với thuốc bôi tại chỗ, các bác sĩ có thể sử dụng phương pháp áp lạnh, laser, cắt bỏ tổn thương. Những biện pháp này sẽ gây đau và trong một số trường hợp để lại các sang chấn tâm lý cho bệnh nhi. Trẻ thường khó hợp tác nên bác sĩ sẽ phải tiến hành gây tê, gây mê”.
Cũng theo vị chuyên gia nam học này, điều trị sùi mào gà phải mất thời gian lâu dài, thăm khám định kỳ, thường 2 - 3 tuần/lần. Bệnh sùi mào gà nếu được điều trị dứt điểm có thể tránh được biến chứng, nhưng nếu để tình trạng bệnh kéo dài có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.
“Với những bệnh nhi ở ở Hưng Yên tình trạng bệnh nặng, bề mặt bị tổn thương thì phải can thiệp đốt laser, sau đó dùng các loại thuốc bôi kháng virus tại chỗ. Điều trị cho trẻ, cái khó nhất là khi cần sự can thiệp đốt điện, laser phải tiến hành gây tê, gây mê toàn thân và có thể nguy hiểm đến tính mạng của trẻ”, vị bác sĩ này nói.
N.Giang