Những bé gái tật nguyền bị những kẻ vô nhân tính xâm hại đang gióng lên hồi chuông báo động về đạo đức xã hội, tình người.
Xâm hại rồi định thủ tiêu bé thiểu năng
Vụ việc bị phanh phui gần đây nhất xảy ra vào 20h ngày 22/8. Cháu Phan Thị Phúc (sinh năm 1996 ở xã Đại Bản, An Dương, Hải Phòng) đang đi bắt cua ở đồng thì bị 2 chú họ và một người làng cưỡng hiếp rồi vứt xuống ruộng nhằm thủ tiêu. May mắn cháu Phúc thoát chết và sự việc được phanh phui.
Sau này, khi khai trước tòa, những kẻ hiếp dâm trên nói rằng vì nghĩ cháu Phúc bị thiểu năng, không biết gì nên đã… ra tay.
Cháu Nguyễn Thị X (Hưng Yên) bị ông lão hàng xóm xâm hại nhiều lần.
Cuối tháng 6, tại xã Hồng Nam, TP Hưng Yên đã xảy ra vụ việc tương tự. Theo lời bà ngoại của bé bị hại thì khoảng 13h ngày 26/6, bà đang nằm nghỉ trưa thì nghe tiếng ú ớ phát ra từ gian nhà nhỏ phía dưới. Tưởng đứa cháu tật nguyền bị đau nên bà vội vàng chạy xuống thì đập vào mắt là một cảnh tượng ông Bùi Công Trình (55 tuổi, trú tại xã Hồng Nam, TP Hưng Yên) đang thực hiện hành vi giao cấu với cháu mình mới 11.
Tại CQĐT, bước đầu ông Trình đã khai nhận hành vi đồi bại của mình. Theo đó, ông Trình khai đã 4 lần hiếp cháu bé. Để dụ dỗ cháu Thanh, ông Trình còn cho cháu xem clip sex...
Tháng 4, VĐV võ thuật Phùng Đăng Huấn (SN 1990), ở phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội vốn là bạn của chị gái Na và biết rõ Na là người bị thiểu năng trí tuệ. Lợi dụng hôm cưới bạn mình, không ai để ý đến cô bé ngờ nghệch này nên Huấn đã rủ bé Na vào nhà nghỉ để giao cấu. Sau khi vự việc vỡ lở, Huấn bị cơ quan công an bắt khẩn cấp.
Tháng 3, Đặng Ngọc Độ, sinh năm 1956, bảo vệ một nhà nghỉ trên địa bàn phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, Hà Nội, thấy cháu Trần Ngọc Giang, 15 tuổi, bị thiểu năng trí tuệ hay đi qua lại nơi đây đã nổi thú tính. Liên tục trong 2 ngày 12 và 1/3/2013, Độ đã gọi bé gái vào nhà nghỉ và đưa cháu lên tầng 2 và thực hiện hành vi đồi bại. Sự việc chỉ bị phát hiện khi mẹ cháu bé tắm cho con.
3 vụ đồi bại với trẻ thiểu năng xảy ra trong tháng 5
Sáng ngày 30/5/2013, lợi dụng lúc nhà vắng người, chỉ còn mình bé gái Vũ Phương T (sinh năm 2000 ở Thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) bị thiểu năng đang thơ thẩn chơi một mình nên chồng của dì T, Huỳnh Mến (Sinh năm 1971, quê Đồng Nai) đã rắp tâm giở trò đồi bại nhưng không thành. Sợ bại lộ nên ông chú rể thú tính đã ném cháu bé xuống giếng với ý định giết người diệt khẩu. Rất may sau đó, bé T đã được cứu kịp thời và tố cáo kẻ thủ ác.
Cháu T sợ hãi người lạ sau khi bị gã bệnh binh xâm hại.
Ngày 21/5, thôn Phong Cầu 1, xã Đại Đồng, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng, ông Sảnh vừa đi khỏi thì ông Đỗ Trọng Liêm (76 tuổi, ngụ thôn Lạng Côn, xã Đông Phương cùng huyện) đến và kéo cháu nội của bạn vào giường giở trò đồi bại.
Đứa bé dở điên dở dại, quần áo xộc xệch, mặt mũi nhem nhuốc đã kêu khóc, van lạy đến lạc giọng nhưng vẫn không thoát. Khoảng nửa tiếng đồng hồ sau, ông Sảnh về, chứng cảnh đồi bại trên đã tống và cứu cháu gái.
Cháu Nguyễn Thị X, sinh năm 1996, ở thôn Thúy Lâm (xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) bị ông lão hàng xóm L.V.Đ. (67 tuổi) cưỡng hiếp nhiều lần. Đến khi X mang thai tới tháng thứ 6, bụng đã lùm lùm thì mẹ bé mới sinh nghi, mang con đi khám và vụ việc bị phát hiện.
Phần lớn trẻ bị xâm hại là người khuyết tật
Báo cáo Tình hình Trẻ em Thế giới năm 2013 với chủ đề Trẻ em Khuyết tật cho biết trẻ em khuyết tật là nhóm ít có khả năng được chăm sóc y tế hoặc được đi học nhất.
Trẻ em khuyết tật nằm trong nhóm những trẻ em dễ bị tổn thương nhất bởi bạo lực, xâm hại, bóc lột và xao nhãng, đặc biệt là khi trẻ bị dấu diếm hoặc bị gửi vào các trung tâm. Trên thực tế, rất nhiều em rơi vào trường hợp này do sự kỳ thị của xã hội hoặc do không đủ chi phí nuôi dưỡng trẻ.
Theo thống kê của Bộ LĐTB&XH, trong 10 nhóm trẻ cần được chăm sóc, bảo vệ đặc biệt ở Việt Nam, thì trẻ khuyết tật là nhóm lớn nhất với tổng cộng 1,2 triệu trẻ, chiếm 86% và chiếm khoảng 7,8% dân số Việt Nam hiện nay.
TS Nguyễn Thị Kim Quý, cố vấn đường dây tư vấn bảo vệ trẻ em, bộ Lao động Thương binh Xã hội, cho biết, thực tế, số trẻ khuyết tật bị xâm hại tình dục khá nhiều và chủ yếu rơi vào các em chậm phát triển trí tuệ. Chính đường dây bảo vệ trẻ từng tư vấn cho nhiều phụ huynh có con rơi vào cảnh này.
Cô bé thiểu năng co rúm người mỗi lần có ai nhắc đến sự việc.
Bà chia sẻ, dù bị chậm phát triểnt rí tuệ nhưng các em vẫn có những nhu cầu bản năng. Đôi khi nhu cầu này còn mạnh mẽ hơn cả người bình thường vì các em không biết biết điều tiết năng lượngcủa mình vào việc gì khác. Vì lý do này, nhiều khi, sau khi bị lạm dụng, bị khơi dậy bản năng.
Nhà tâm lý Kim Quý cho biết, không ít phụ huynh rơi vào bi kịch này không biết trút nỗi đau, sự giận dữ vào đâu lại quay ra đánh mắng con, khiến trẻ càng hoảng sợ và ảnh hưởng đến tâm thần, thậm chí bỏ đi, khiến nguy cơ bị lạm dụng càng cao.
Bác sỹ Nguyễn Thu Hà, phó giám đốc Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật làng Hòa Bình, Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: “Năm 2013, Trung tâm phối hợp cùng bệnh viện phụ sản Hà Nội đình sản nữ cho 6 cháu đều ở độ tuổi từ 15 đến 17. Chi phí đình sản do nhà nước tài trợ, gia đình chỉ phải chi trả tiền thuốc cho các cháu sau khi đình sản. Việc đình sản hoàn toàn không ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe của các cháu và tránh rủi ro cho các cháu khi bản thân không nhận thức và điều khiển được hành vi của mình”.
Nguyễn Thị Thu Hương (Trung tâm nghiên cứu và phát triển Giáo dục đặc biệt, trường Đại học Sư phạm Hà Nội)