Trẻ từ 13 đến 16 "yêu nhau": Có nên coi là tội phạm?

Trẻ từ 13 đến 16 "yêu nhau": Có nên coi là tội phạm?

Thứ 5, 27/12/2012 23:49

– “Ở thành thị lứa tuổi này, một số em đã có quan hệ khác giới sớm, nên những trường hợp không phải là hiếp dâm thì những trường hợp giao cấu tự nguyện với lứa tuổi từ đủ 13 đến dưới 16 nên cân nhắc không coi là tội phạm", luật sư Mai Bích Ngân chia sẻ.

Một trong những vấn đề trọng tâm tại một cuộc hội thảo mới đây bàn về việc sửa đổi bổ sung Bộ luật Hình sự là bảo vệ quyền con người và quyền cơ bản của công dân. Xoay quanh vấn đề này, xuất phát từ thực tế một số vụ án cụ thể, có ý kiến cho rằng, chúng ta nên cân nhắc việc truy tố trách nhiệm hình sự đối với những đối tượng có hành vi giao cấu với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi nếu có yếu tố thuận tình và có quan hệ tình cảm, yêu đương. Trong bối cảnh hiện nay, đây quả là vấn đề còn gây nhiều tranh cãi...

Pháp luật - Trẻ từ 13 đến 16 'yêu nhau': Có nên coi là tội phạm?

Một số trẻ phải ra tòa vì "yêu" trẻ vị thành niên

Án phạt đang "quá nặng" với "trẻ yêu nhau" ?

Xin bắt đầu vấn đề tranh cãi trên bằng một số trường hợp cụ thể. Đó là trường hợp của bị cáo Nguyễn Văn Thuyết (SN 1992) ở Hà Đông, Hà Nội. Đây là một trường hợp với những hành vi phạm tội khiến những cán bộ tiến hành tố tụng có nhiều suy nghĩ.

Theo cáo trạng của VKSND quận Hà Đông (Hà Nội), nội dung vụ án như sau: Chiều ngày 31/3/2011, cháu Nguyễn Thị Minh T, SN 1997, do bị mẹ đánh, nên T đã lấy 1 triệu đồng của mẹ rồi đem theo quần áo bỏ đi. Khi đi T điện thoại cho cho Nguyễn Văn Thuyết (là người yêu của T) nói có ý định bỏ nhà đi. Thuyết khuyên T không nên bỏ nhà đi, nhưng T không nghe và hẹn gặp Thuyết ở đình An Thắng, phường Biên Giang (Hà Đông).

Sau đó Thuyết và T đi taxi đến nhà nghỉ Hoa Linh cùng trên địa bàn. Tại đây Thuyết đã có hành vi giao cấu với T (khi đó T mới 14 tuổi). Khi phát hiện sự việc, mẹ T đã làm đơn tố cáo Thuyết lên cơ quan công an. Sau đó VKSND quận Hà Đông đã có cáo trạng truy tố Nguyễn Văn Thuyết về tội Giao cấu với trẻ em.

Tiếp đó Thuyết bị TAND quận Hà Đông tuyên án 15 tháng tù về tội danh trên. Trớ trêu thay, ngay sau khi HĐXX tuyên án, mẹ bị hại T một mực xin rút đơn tố cáo Thuyết vì thấy giữa Thuyết và con gái mình có tình cảm thực sự. Tuy nhiên đề nghị này đã không được Tòa chấp nhận, Thuyết vẫn phải thụ án 15 tháng tù theo đúng quy định của BLHS.

Theo Tiến sỹ Hoàng Văn Hùng - Trưởng bộ môn Luật Hình sự, Đại học Luật Hà Nội cho biết: Đối với trường hợp như trên, người phạm tội tuổi còn rất trẻ (19 tuổi) áp dụng hình phạt tù là quá nặng. Theo tôi, trong trường hợp này nên thay vào đó là hình thức giáo dục khác như cho hưởng án treo (Điều 60 BLHS) đối với thời hạn tù dưới 3 năm hoặc áp dụng theo Điều 58 khoản 1 BLHS (giảm mức hình phạt đã tuyên).

Trường hợp Nguyễn Văn Hải sau đây là một bi kịch trớ trêu khác. Trong một dịp công tác, PV Người đưa tin đã gặp Nguyễn Văn Hải (SN1992) tại trại giam Ngọc Lý (Bắc Giang). Theo lời kể của Hải: "Năm 2010 em có yêu bạn gái tên Trần Thu P (SN1997) ở Tân Yên, Bắc Giang. Lần đó, P gọi điện rủ em đi chơi uống cà phê. Sau đó vì trời mưa nên em và P ngủ lại nhà nghỉ.

Sáng hôm sau, khi em đang trên đường chở P đi học thì gặp mẹ P. Ngay sau đó mẹ P đưa em ra công an và tố cáo em đã có hành vi xâm hại P. Tại phiên tòa em khai nhận tất cả. TAND huyện Tân Yên tuyên phạt em 2 năm tù vì tội giao cấu với trẻ em. Từ khi vào trại, em suy sụp tinh thần và rất xấu hổ. Em sinh ra trong một gia đình có giáo dục tử tế, vậy mà giờ đây em đã là tội phạm...".

Thực tế hành vi của Hải không phải là hành vi cố ý giao cấu trái với ý muốn của nạn nhân, cũng không xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của nạn nhân nên việc xử lý hình sự đối với Hải, theo Tiến sỹ Hoàng Văn Hùng là bất cập và hơi khiên cưỡng.

Đang có sự bất cập, cần phải thay đổi tư duy pháp lý

Luật sư Nguyễn Văn Chiến - Phó tổng thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng: "Đối với tội giao cấu với trẻ em, từng trường hợp cụ thể, cơ quan tiến hành tố tụng phải căn cứ quan hệ giữa người phạm tội với nạn nhân để xác định ý thức chủ quan của người phạm tội, từ đó kết luận hành vi của họ có cấu thành tội phạm hình sự hay không. Hành vi đó có nguy hiểm cho xã hội và ở mức độ nào cần thiết phải xử phạt tù để răn đe, giáo dục hay không?

Đối với những trường hợp trên, quan hệ giữa bị cáo và nạn nhân là họ yêu nhau, nếu xử lý hình sự tôi cho là máy móc, cứng nhắc. Bản thân tôi đã chứng kiến nhiều vụ án rất đáng tiếc là khi "đối tượng phạm tội" ra tù lại trở về cưới... bị hại, vì giữa hai người có tình cảm luyến ái thực sự.

Chính vì vậy người làm công tác pháp luật và xét xử cần phải có tư duy pháp lý thay đổi. Nếu không, hình phạt đối với loại án này không những không có tính răn đe mà vô tình đẩy người lương thiện trở thành tội phạm. Điều này tôi cho là bất cập, pháp luật về hình sự cần phải cụ thể hơn để bảo đảm nguyên tắc nhân đạo và có tính hướng thiện".

Theo PGS- TS Nguyễn Minh Đức - Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu tội phạm học và phòng ngừa tội phạm Học viện Cảnh sát nhân dân cho biết: "Theo quan điểm của Tội phạm học thì tội phạm là: hiện tượng xã hội tiêu cực; Theo khoa học Luật Hình sự Việt Nam tội phạm là: hành vi nguy hiểm cho xã hội, trái với pháp luật hình sự, có lỗi và phải chịu hình phạt.

Như vậy, khi có những hiện tượng xã hội tiêu cực xuất hiện và trở nên phổ biết trong xã hội gây ra hoặc đe dọa gây ra những hậu quả nguy hiểm cho xã hội, đòi hỏi Nhà nước cần phải ban hành quy phạm pháp luật hình sự để điều chỉnh nhằm ngăn chặn và loại trừ những hiện tượng xã hội tiêu cực đó để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Tuy nhiên để xác định một hiện tượng xã hội tiêu cực đến mức bị coi là tội phạm và chịu sự điều chỉnh của Luật Hình sự là một vấn đề đòi hỏi phải chính xác, khách quan".

Từng là luật sư lâu năm trong tranh tụng, luật sư Mai Bích Ngân (Công ty Luật số 5 Quốc gia) chia sẻ: "Trong Luật Hình sự có nhiều điểm bất cập. Ví dụ, trong trường hợp người nào quan hệ với người dưới 16 tuổi là phạm tội giao cấu với trẻ em. Quy định này nên được xem xét lại một cách nghiêm túc, bởi theo sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội, trẻ em bây giờ phát triển sớm, lứa tuổi 12-13 (nhất là với nữ giới) tuy chưa hoàn thiện về tổng thể tâm sinh lý nhưng đã phát triển khá đầy đủ về mặt thể chất, tâm lý có nhiều biến động, xúc cảm. Ở thành thị lứa tuổi này, một số em đã có quan hệ khác giới sớm, nên những trường hợp không phải là hiếp dâm (giao cấu trái ý muốn) thì những trường hợp giao cấu tự nguyện với lứa tuổi từ đủ 13 đến dưới 16 nên cân nhắc không coi là tội phạm".

"Có thể không cần truy cứu trách nhiệm hình sự"

Pháp luật - Trẻ từ 13 đến 16 'yêu nhau': Có nên coi là tội phạm? (Hình 2).

PGS-Tiến sỹ Trần Văn Độ - ĐBQH, chánh án Tòa án Quân sự Tư, phó chánh án TANDTC

Tại cuộc hội thảo do Bộ Tư pháp tổ chức (ngày 29/6/2012) bàn về những vấn đề cần được sửa đổi, bổ sung trong BLHS hiện hành, liên quan đến vấn đề bảo vệ quyền con người, PGS - Tiến sỹ Trần Văn Độ - ĐBQH, chánh án Tòa án Quân sự Tư, phó chánh án TAND tối cao nêu quan điểm; "Pháp luật phải có tính răn đe, nhưng răn đe phải đi đôi với giáo dục tình thương. Có những hành vi mức độ không gây nguy hiểm cho xã hội, có thể không cần truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng vẫn đảm bảo pháp chế và ngăn ngừa tội phạm".

Lương Liễu


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.